Gặp tai biến vì tự ý dùng thuốc

Google News

Bệnh viện Mắt T.Ư vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị đau mắt đỏ sau đó tự ý dùng nhỏ thuốc Argryzol ròng rã nhiều tháng liền.

(Kienthuc.net.vn) - Bệnh viện Mắt T.Ư vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị đau mắt đỏ sau đó tự ý dùng nhỏ thuốc Argryzol ròng rã nhiều tháng liền. Ngờ đâu lòng trắng bị nhuộm đen không thể hồi phục, biến đôi mắt thành một "hố đen" biết nhìn. Đây là một trong vô số bệnh nhân tự ý dùng thuốc rồi rước họa vào thân.
[links()]
Chuyện hằng ngày
 
Tại Bệnh viện Mắt T.Ư, bà Ngô Thị Bình, Định Công, Hà Nội cho biết, mỗi khi bà hay ai đó trong gia đình bị đau đầu, cảm cúm hay bị ho, bà thường ra hiệu thuốc miêu tả các triệu chứng của bệnh rồi được người bán hàng tư vấn mua thuốc và hướng dẫn cách uống. Khi như bị đau đầu bà thường uống paracetamol, lúc thì viên nén, lúc thì viên sủi. Bị cảm cúm thì bà dùng decolgen, cảm xuyên hương... Và cứ thế, nếu thuốc nào đã dùng trong thời gian trước đó có hiệu quả rồi thì lần sau bà cứ mua loại thuốc đó về uống nếu bị mắc các bệnh tương tự.

Chị Phạm Thu Hương, Thái Nguyên lại mang đơn thuốc lần trước bác sĩ đã kê cho ra hiệu thuốc mua về cho con uống. Uống lần đầu không đỡ, chị lại đổi thuốc lần 2, lần 3, chứ nhất quyết không đưa con đến bệnh viện. Chồng chị hay bị nổi mẩn đỏ sau mỗi lần uống bia, rượu, chị cũng tự ý đoán bệnh, kê đơn rồi ra hiệu thuốc mua thuốc dị ứng về cho chồng uống...

 Dùng thuốc nên có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Dùng thuốc nên có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
 
Nguy hiểm tính mạng
 
Theo BS Hoàng Cương, Ban Thông tin Tuyên truyền, Bệnh viện Mắt T.Ư, hậu quả của việc tự ý dùng thuốc là rất lớn. Có trường hợp bệnh không khỏi mà người bệnh còn có thể còn bị những tai biến, tác dụng phụ do thuốc gây nên. Thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Có những tác dụng phụ hồi phục sau khi ngừng thuốc, nhưng cũng có những tác dụng phụ không hồi phục.

Trong lĩnh vực nhãn khoa cũng vậy, BS Cương kể, từ thời chiến tranh, nhiều bệnh nhân (BN) bị đau mắt đỏ nên đã nhỏ thuốc Argryzol ròng rã nhiều tháng liền. Ngờ đâu lòng trắng bị nhuộm đen không thể hồi phục, biến đôi mắt thành một "hố đen" biết nhìn. Không chỉ có vậy, có BN còn lấy thuốc Atropine nhỏ mắt đem uống để chữa đau bụng đã gây nhiễm độc chết người bởi Atropine nhỏ mắt có nồng độ độc chất rất cao (1 - 4gr/100ml) rất dễ gây nhiễm độc nếu dùng đường uống.

Ngày nay, khi thuốc nhãn khoa ngày càng đa dạng, người bán thuốc càng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Điều này dẫn đến những tai  biến do tự sử dụng các sản phẩm có corticoide ngày càng phổ biến hơn. Điều tệ hại là những tai biến gây mù loà rất khó cứu vãn như loét thủng giác mạc do bội nhiễm, glôcôm, đục thể thuỷ tinh... Một số sản phẩm điều trị glôcôm còn có độc tính trên hệ tim mạch và hô hấp. Nếu dùng sai liều, sai chỉ định có thể gây chậm hoặc ngừng tim, phát sinh cơn hen hoặc hen sẽ có xu hướng tăng nặng. Ngược lại một số thuốc điều trị bệnh tiêu hoá, tâm thần kinh, tim mạch cũng có thể gây ra những tai biến trên mắt như xuất huyết, gây cơn glôcôm cấp, nhìn mờ thoáng qua...

TS Nguyễn Hoàng Anh, Trung tâm  Quốc gia về Thông tin thuốc & Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR) cho biết thêm, nhắc đến thuốc, người ta không chỉ quan tâm đến chất lượng và hiệu quả chữa bệnh mà còn chú ý đặc biệt đến tính an toàn của nó. Tính an toàn của thuốc liên quan chặt chẽ đến phản ứng có hại của thuốc (ADR), một vấn đề nổi cộm, có tính chất phổ biến ở mọi quốc gia, được đánh giá là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở BN, làm kéo dài thời gian nằm viện và làm tăng chi phí điều trị. Phản ứng có hại của thuốc có thể phân loại dựa trên độ nghiêm trọng của chúng.
 

Theo quy định của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), một ADR được coi là nghiêm trọng khi xảy ra một trong các hậu quả sau trên BN: Tử vong, đe dọa tính mạng, đòi hỏi phải nhập viện, gây ra các thương tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây dị dạng bẩm sinh, hoặc đòi hỏi sự can thiệp, trợ giúp y tế thường xuyên do các thương tật cho BN.

 
Phạm Hằng

Bình luận(0)