Tôi vừa bước sang tuổi 30 đã được hơn một tháng. Đại đa số những người bạn gửi lời chúc mừng sinh nhật đều kèm theo 'khẩu hiệu': "Nhanh lấy chồng để cho tao ăn cỗ với mày...". Tôi chỉ biết cười trừ, cũng chẳng sốt ruột, mặc dù mình là người "độc thân" duy nhất còn lại trong số những người bạn nữ học cùng lớp Đại học.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, hầu hết các bạn cùng trang lứa đã yên bề gia thất. Đã mấy năm nay, cứ mỗi lần về quê thăm bố mẹ, tôi đều là tâm điểm của cả khu, thậm chí cả xã bàn tán về chuyện "ế" của tôi. Nào là cũng lớn tuổi rồi chứ có ít nữa đâu mà kén chọn? Rồi thì chắc là đang trong thời gian "ủ mưu" để kiếm lấy anh nào giàu có để đổi đời đấy? Hay là lớn tuổi rồi nên "hâm hâm", khó tính nên chả ai rước?
Thời gian đầu bố mẹ tôi nghe người ta bàn tán xôn xao sốt ruột lắm, hễ tôi về nhà là lại giục nhanh lấy chồng đi cho ông bà có cháu ngoại, để người trên xóm dưới đỡ để ý. Nhưng thấy tôi chần chừ, im lặng, dần dần bố mẹ tôi cũng chặc lưỡi: "Thôi kệ, duyên số rồi, ép cũng chả được". Thú thực, không phải tôi không muốn tìm cho mình một bờ vai vững chắc để tựa nương cả cuộc đời, tôi cũng khao khát một mái nhà bình yên với tiếng cười đùa con trẻ. Nhưng tôi cũng sợ mình không may mắn khi tham gia vào "canh bạc cuộc đời", lỡ chẳng may lại "thua cuộc" như một số người chị, người bạn của tôi.
|
Ảnh minh họa. |
Chị gái tôi là một trong số những người gặp thất bại thê thảm đó. Chị yêu và lấy chồng khi đã tốt nghiệp Đại học, đi làm trái ngành ở Hà Nội. Anh rể tôi tốt nghiệp Cao đẳng, ăn nói khéo léo, lại nhanh nhẹn, hoạt bát nên mới đầu cả gia đình tôi đều cảm thấy mừng cho chị. Nhưng rồi, hạnh phúc của chị ngắn chẳng tày gang khi chính những "ưu điểm" ngày nào của anh lại khiến chị tôi phiền muộn, đau khổ.
Sau khi kết hôn, anh chị về quê chồng ở Đông Anh làm việc. Tận dụng "nhà mặt tiền" gần ngã ba, anh chị quyết định mở cửa hàng giải khát. Vậy là hai tấm bằng Đại học, Cao đẳng của vợ chồng đành cất vào ngăn tủ. Theo chồng, đối mặt với cuộc sống mưu sinh, chị tôi cũng từ bỏ giấc mơ đứng trên bục giảng, thích nghi dần dần với việc thức khuya dậy sớm, với những con số lãi lời, với khách khứa đủ các tầng lớp. Khách ngày càng một đông, chị cứ ngỡ cuộc sống từ đây sẽ đỡ vất vả hơn nhưng đến một ngày, chị phát hiện anh sa vào thói hư tật xấu. Nào cờ bạc, cá độ và cả... cặp bồ.
Té ra, quán bia của chị là nơi tụ hội của những thành phần "bất hảo". Một trong số ấy lại là bạn cấp ba của chồng chị. Lúc đầu chỉ là bạn cũ gặp gỡ, rồi dần dần, anh trở thành thành viên của nhóm ấy. Như con thiêu thân, anh lao vào các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Một mình chị xoay sở với cửa hàng, thuê thêm người làm, đầu tắt mặt tối, còn anh cứ về nhà được một lúc, chuông điện thoại lại reo, lại phóng xe đi. Tiền của trong nhà rồi cũng "đội nón" theo chồng chị vào các sới bạc. Nhiều khi thua bạc, anh ta về nhà, dồn tất cả sự tức giận lên đầu chị. Những trận đòn vô cớ tăng dần. Không ít lần, tôi sang chơi, bắt gặp đôi mắt chị vẫn sưng mọng, hai má tím bầm, nhưng khi hỏi, chị chỉ im lặng hoặc bảo, "nhà nào chả có chuyện, rồi đâu lại vào đấy thôi".
Cũng một đôi lần, chị nhắn tin nói chuyện, qua những chuyện vu vơ, chị dặn: "Lấy chồng thì phải tìm hiểu cho kĩ, đừng như chị, khổ một đời". Khuyên chồng mãi chẳng được, chị quyết định li hôn, mang đứa con gái mới ba tuổi về nhà ông bà ngoại.
Còn bạn thân của tôi, cũng đã từng hạnh phúc khi lấy được chồng Hà Nội. Cả làng, cả họ hàng rất mừng khi bạn ấy quyết tâm thoát ly khỏi lũy tre làng, học hành đến nơi đến chốn, rồi làm dâu của một gia đình khá giả. Chồng bạn học hành bình thường nhưng cũng chí thú làm ăn. Nhà chồng xin việc cho bạn ở UBND phường, vừa gần nhà, lại có lương tháng ổn định. Bạn từng bảo tôi, cuộc đời bạn chỉ cần như thế thôi là hạnh phúc lắm rồi. Tôi cười, mừng cho bạn.
Thoắt đi thoắt lại hai năm không gặp, bạn bận rộn công việc, gia đình, con nhỏ. Còn tôi cũng tất bật với những chuyến hành trình khắp mọi miền đất nước với chuyên ngành du lịch của mình. Một hôm, mẹ tôi gọi điện: "Bố cái Dung ốm lắm, mà chẳng thấy nó về thăm được lần nào". Tôi nóng ruột, cuối tuần về nhà, dành cả buổi sang thăm bố bạn thì thấy mẹ bạn nước mắt ngắn dài: "Buồn lắm cháu ạ, từ ngày lấy chồng, cái Dung chỉ được về có hai lần, lần nào về cũng sáng về chiều lại đi, mẹ con, chị em có khi còn chưa nói xong câu chuyện".
Bố mẹ chồng và chồng cái Dung kĩ tính, lại không ưa nhà ngoại vì chê thông gia nghèo, nên chẳng mấy khi muốn cho con dâu và cháu về thăm. Chồng Dung là con trưởng nên khi Dung sinh con, ông bà nội quý cháu, giữ gìn cẩn thận quá mức. Chồng cái Dung lại cho rằng, về quê ngoại chẳng có điều kiện mà chăm lo cho con lại có trâu bò, gà lợn mất vệ sinh nên nhất định không cho con về thăm ông bà ngoại. Ông bà ngoại mong cháu nhưng cũng chẳng dám nói ra bởi sợ con gái mình khó xử, tủi thân. Mãi đến khi thằng bé được một tuổi, hai vợ chồng Dung mới đưa con về quê ngoại, mà cũng chỉ là sáng về chiều đi. Mới đây, bố Dung mất, nhà chồng cũng chỉ cho hai vợ chồng Dung về lo tang ma, còn thằng bé con không được đi đưa tang ông vì ông bà nội nó sợ nó bị "nhiễm" hơi lạnh.
Tôi nhìn thấy sự đau khổ đến tuyệt vọng trong ánh mắt của Dung, và cũng hiểu phận gái theo chồng vất vả, nhưng có lẽ với tính cách ngang bướng từ nhỏ của mình, tôi nghĩ mình sẽ không chấp nhận được sự "quản lý" chặt chẽ tới mức vô lý như thế. Nói ra với Dung, bạn chỉ cười buồn: "Bạn cứ nghĩ thế, chứ khi đã tiến tới hôn nhân, với cái đăng ký kết hôn và những đứa con ràng buộc, thì vẫn phải chấp nhận". Tôi liên tưởng tới tính cách của tôi, nghĩ tới bố mẹ già ở quê suốt ngày quanh quẩn, lại thấy sợ cảnh đi lấy chồng mà thất bại.
Tôi vẫn biết, việc lấy chồng, sinh con để dựng xây một gia đình nhỏ là mong muốn của hầu hết phụ nữ. Tôi không phải là mẫu người thích phụ thuộc vào người khác. Tôi năng động, có học thức, công việc ổn định nên nghĩ mình hoàn toàn xứng đáng để có một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Nhưng càng đi nhiều, tìm hiểu nhiều, tôi lại thấy xã hội ngày nay ngày càng nhiều những câu chuyện, những bi kịch, những nỗi đau đớn mà người phụ nữ phải gánh chịu từ khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Chứng kiến nhiều những chuỗi bi kịch ấy, bản thân tôi thấy sợ, nên cứ chần chừ, cứ từ chối tình cảm mà nhiều người bạn trai dành cho mình. Điều này thật khó để chia sẻ với gia đình nên tôi chỉ đành "im lặng"...
Mời quý độc giả xem video hài hước về ngoại tình (nguồn Youtube):