Có lẽ cuộc sống buộc người ta phải gác lại những điều ít “nguy hiểm”, ít phiền phức hơn, tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tưởng rằng ca trực hôm đó chúng tôi sẽ được “đóng cửa” đúng giờ, vậy mà bỗng dưng chuông điện thoại đổ dồn…
|
Ảnh minh họa |
- A lô, cho em hỏi có phải đây là văn phòng tư vấn tâm lý hôn nhân, gia đình ở Hà Nội phải không ạ? Em biết cũng đã muộn rồi, nhưng em mong các anh các chị chia sẻ, tháo gỡ giúp em một việc gia đình với ạ. Em thật sự bối rối, chưa biết xử lý ra sao, bỏ cũng dở mà tiếp tục cũng không xong – một phụ nữ trung tuổi gọi đến, giọng khẩn khoản.
- Vâng! - chuyên viên tư vấn đáp - Chúng tôi vẫn làm việc mà, chị có điều gì cứ kể thật kỹ cho chúng tôi nghe, giúp tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc của chị càng tốt, nếu không, chúng tôi cũng chia sẻ với chị cho vơi bớt nỗi lo.
- Dạ, em cảm ơn ạ. Chẳng giấu gì anh chị, em năm nay 45 tuổi, đã ly dị chồng 7 năm, hiện đang nuôi một con gái 14 tuổi. Sau ly hôn, em dự định tập trung làm ăn, kiếm tiền nuôi con ăn học và tự lo cho cuộc sống của mình sau này. Về kinh tế, em không mấy khó khăn. Ngoài việc làm ở công ty may, giờ rảnh, em cũng nhận may và thiết kế thời trang ở nhà, nên cuộc sống của hai mẹ con em cũng yên tâm.
- Vậy à, tốt quá, chúc mừng chị – chuyên viên tư vấn động viên – Vậy chắc hôm nay gọi điện tâm sự và hỏi ý kiến chúng tôi về chuyện tình cảm, đúng không?
- Dạ, đúng đấy ạ - người phụ nữ thật thà, giọng tươi vui hẳn lên khi chuyên viên tư vấn “đoán trúng” vấn đề của chị, khiến chị không cảm thấy khó khăn hay lòng vòng khi chia sẻ câu chuyện của mình – Số em vất vả về đường tình duyên lắm ạ. Cuộc hôn nhân trước thì dang dở, gần đây em có gắn bó thương yêu một người đàn ông hơn em đúng một giáp, tức là 57 tuổi, đã ly hôn vợ rồi, vậy mà em bị vợ cũ của anh ấy hàng ngày chửi bới, hành hạ, xúc phạm em và cả gia đình em nữa. Việc xảy ra cả năm nay rồi. Anh ấy ly dị vợ, rồi mới sang ở với em. Anh ấy để hết tài sản, nhà cửa cho vợ con anh ấy, chỉ sang ở cùng em, em nuôi không, chứ em đâu có được cái gì. Vậy mà vợ anh ấy nói em quyến rũ anh ấy, xúi giục anh ấy bỏ vợ, khiến gia đình anh chị ấy tan nát. Em giải thích thế nào chị ấy cũng không nghe. Không chỉ chửi em, mà chị ấy còn réo tên bố mẹ em ra chửi vì chúng em ở cùng làng. Mọi người trong xóm không ưa chị ấy, nhưng cũng không ai dám bênh vực em, nên được đà, có hôm chị ấy xông đến nhà em túm tóc, đánh đập em trước mặt chồng cũ của chị ấy, vậy mà anh ấy chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo vợ cũ ra về. Sau đó anh ấy cứ động viên em phải nín nhịn cho yên ổn, vì tính vợ anh ấy nóng nảy, đến anh ấy còn sợ, nên không chấp người phụ nữ ấy làm gì.
- Trời ơi, chị chịu đựng sự xúc phạm cả năm trời mà cũng chịu được sao? Chị định cứ như thế đến khi nào? Chị và anh ấy đã làm đám cưới hay đăng ký kết hôn chưa? Việc anh ấy ly hôn có đúng là sự thật không? – chuyên viên tư vấn hỏi một số câu hỏi để làm rõ vấn đề, nếu không câu chuyện sẽ đi theo chiều hướng tâm sự dài dòng, lan man.
- Dạ, chúng em chưa đăng ký kết hôn, cũng không làm đám cưới ạ - người phụ nữ trả lời – Anh ấy nói, quan trọng là hai người thương yêu nhau, chứ tuổi anh ấy cũng không cần đăng ký, cũng không cần đám cưới khoa trương.
- Anh ấy nói chỉ đúng một phần nhỏ - chuyên viên tư vấn nói – Hôn nhân là vấn đề xã hội, được quy định bởi pháp luật. Việc có đăng ký kết hôn mới được pháp luật công nhận là vợ chồng, nếu trong quá trình chung sống, có chuyện xảy ra, liên quan đến pháp luật, người phụ nữ mới được bảo vệ. Cuộc sống chung hiện nay của chị và anh ấy là “hôn nhân gá nghĩa”, tức là không hôn thú, rất không an toàn. Vợ cũ anh ấy và cộng đồng có quyền cho rằng có thể bạn là nguyên nhân khiến anh ấy bỏ vợ. Tuy nhiên, tôi muốn hỏi: “Chị mong đợi gì ở người đàn ông mà chị đang chung sống? Có phải chỉ vì cô đơn quá mà chấp nhận rủi ro để có người đàn ông ở bên mình?”.
- Thật ra em thương anh ấy, chứ ở với anh ấy, em không được bất cứ điều gì. Không tiền bạc, tài sản, lại hay ốm đau, tính tình hiền lành có phần nhu nhược, nên trước đây bị vợ lấn át. Có lần chứng kiến vợ cũ anh ấy đánh em, anh ấy còn ôm em khóc, nói rằng vì anh ấy mà em bị khổ lây. Giờ em mà đuổi anh ấy ra khỏi nhà, anh ấy biết đi đâu? – người phụ nữ giọng chùng xuống khi kể về tình thương của mình dành cho người yêu.
- Chúng tôi rất cảm động với tình thương của chị dành cho anh ấy – chuyên viên tư vấn nói – Nhưng chị có nghĩ mình cũng là người đáng thương? Anh ấy có phải là người vừa đáng thương, vừa đáng trách? Trách vì anh ấy yếu đuối tới mức không bảo vệ được cuộc hôn nhân của mình, giờ lại không bảo vệ được người yêu, người đã cưu mang anh ấy?
- Đúng là số em nó khổ - người phụ nữ thú nhận – Nhưng em biết phải làm gì bây giờ?
- Nói số khổ chỉ là cách nói tiêu cực, cam chịu, chứ thực ra số phận do chính chúng ta tạo ra – chuyên viên tư vấn khép dần vấn đề - Trước tiên, hãy trao đổi với anh ấy, nếu thương yêu nhau, nên đăng ký kết hôn để trở thành vợ chồng hợp pháp. Khi chị và anh ấy đã thành vợ chồng thực sự, chị có quyền tuyên bố với vợ cũ của anh ấy rằng anh chị đã ly hôn, giờ tôi là vợ anh ấy, nếu chị còn đụng đến tôi, xúc phạm tôi, tôi sẽ làm đơn tố cáo cơ quan chức năng, chị không có quyền gì để gây bạo lực với tôi. Nếu anh ấy vẫn chỉ muốn ăn ở với mình, nhưng không muốn có sự gắn bó, trách nhiệm nào, hãy mời anh ấy ra khỏi nhà. Cái nhà phải là nơi những người yêu thương, gắn bó, có trách nhiệm với nhau khi chung sống. Chị không đáng bị sỉ nhục, lăng mạ, đánh đập. Khi bị vợ cũ của anh ấy hành hung, dù anh ấy không dám bênh vực chị, cũng phải dũng cảm, hùng hồn tuyên bố “cô không có quyền gì tới đây gây sự, tôi và cô không còn là vợ chồng, việc tôi thương yêu ai, chung sống với ai là quyền của tôi”. Đặc biệt, chị cũng cần báo cáo với những người có trách nhiệm trong thôn như trưởng thôn, công an viên, chị hội trưởng phụ nữ thôn… để họ biết chị đang sống trong tình trạng bị đe dọa, hành hung. Khi gặp nguy hiểm, chị phải biết kêu cứu, không manh động đánh trả, nhưng cũng không có nghĩa là cam chịu. Đặc biệt, chị nên đẩy người bạn trai 57 tuổi vào tình thế phải có sự lựa chọn, một là mạnh mẽ lên, sống tử tế, đúng pháp luật, hai là về lại nơi xuất phát của anh ấy. Đừng quên rằng chị phải biết thương mình trước khi biết thương người khác!
- Vâng, em thấy anh chị nói cũng đúng, nhưng em sợ em lại yếu đuối, cả nể, lại không thực hiện được – người phụ nữ thú nhận.
- Chị không thực hiện thì không ai có thể làm thay – chuyên viên tư vấn khẳng định – Chúng tôi chỉ cho chị con đường, còn có bước đi hay đứng yên tại chỗ là việc của chị. Hãy nhớ rằng chị là người mạnh mẽ, tự chủ, độc lập mà!
- Vâng, em cảm ơn các anh các chị. Có gì em xin phép sẽ trao đổi và báo cáo lại cho các anh các chị sau ạ.