“Đồng nghiệp của tôi ở Bạch Mai chưa một ai lo sợ bị lây nhiễm Covid-19“

Google News

"Tôi thấy bạn bè của tôi, đồng nghiệp, nhân viên của tôi, chưa một ai tỏ ra lo sợ lây nhiễm Covid-19. Chúng tôi không chùn bước", TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ.

BV Bạch Mai hiện là ổ dịch Covid-19 nóng nhất cả nước, hiện đã có 12 trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận tại đây. Các chuyên gia dự báo con số mắc có thể sẽ còn tăng tiếp.
TS. Dương Đức Hùng, Phó giám đốc BV Bạch Mai đã có những chia sẻ thẳng thắn về tình hình hiện tại cũng như thâm thế chống dịch của nhân viên y tế tại bệnh viện.
Bệnh viện đã chuẩn bị kịch bản xấu nhất
Chỉ trong 1 tuần qua, đã có tới 12 ca mắc Covid-19 liên quan tới BV Bạch Mai, trong đó có 2 nhân viên y tế. Là cơ sở y tế lớn nhất nước, bệnh viện đã tính đến tình huống có nhiều nhân viên y tế cùng nhiễm bệnh?
Chúng tôi xác định việc lây nhiễm là việc chỉ có thể dự phòng và chúng tôi dự phòng tối đa, nhưng mình không thể tránh khỏi. Mình phải chấp nhận. Vấn đề là thái độ xử trí như thế nào.
Là bệnh viện tuyến cuối của cả nước nên ngay từ trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã phải xây dựng rất nhiều kịch bản từ mức độ thấp đến cao. Nên BV Bạch Mai không bỡ ngỡ, không bị động chút nào trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
“Dong nghiep cua toi o Bach Mai chua mot ai lo so bi lay nhiem Covid-19“
 TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc BV Bạch Mai. Ảnh: T.Hạnh 
Có thể thấy, những người nhiễm bệnh đều là từ nguồn bên ngoài, rất khó kiểm soát, nhiều người cũng không có kiến thức cách ly.
Giai đoạn đầu khi có dịch, các tuyến dưới nếu phát hiện bệnh nhân ho, sốt đều chuyển lên BV Bạch Mai nên bệnh viện cũng có nguy cơ cao hơn những nơi khác.
Sắp tới kịch bản này có thể xảy ra với tất cả các bệnh viện, khi dịch đã phơi nhiễm ngoài cộng đồng, người dân vẫn đến bệnh viện khám vì các bệnh khác nhưng có thể họ đã nhiễm bệnh mà không biết, là một nguồn lây lan. Chính vì thế y tế luôn tổn thương đầu tiên.
Vậy là bệnh viện đã có những chuẩn bị ngay từ ban đầu, kịch bản xấu nhất bệnh viện tính đến là gì, thưa ông?
Kịch bản xấu nhất chúng tôi tính đến là BV Bạch Mai phải thu gom điều trị rất nhiều người bệnh nhiễm Covid-19 giống như một bệnh viện truyền nhiễm tuyến cuối do số lượng bệnh nhân quá đông.
Qua các đợt dịch lớn, đặc biệt là dịch SARS, chúng tôi có cán bộ đông đảo, thiện chiến và có năng lực cao nên hoàn toàn có thể tác chiến trong kịch bản này.
Chúng tôi đã lên phương án chuẩn bị đầy đủ khu điều trị, khu cách ly, chỗ ăn ở cho cán bộ nhân viên, khu đệm để nhân viên tẩy trùng trước khi về nghỉ ngơi rồi phương án phân bổ lực lượng.
Hiện tại, BV cũng đã phải sắp xếp chỗ ăn ở cho khoảng 2.000 người, bao gồm 850 bệnh nhân, 730 người nhà và trên 330 y bác sĩ.
“Dong nghiep cua toi o Bach Mai chua mot ai lo so bi lay nhiem Covid-19“-Hinh-2
 Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ túc trực tại cổng chính, những người ra vào đều phải đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Ảnh Trần Thường.
Trong dịch dã, ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng
Thế giới đã có nhiều y, bác sĩ tử vong vì Covid-19, là những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, không ai biết điều gì sẽ đợi mình ở phía trước, tâm thế các bác sĩ ở bệnh viện đối diện với sự thật này thế nào?
Khi biết thông tin có nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh, nói không lo thì cũng không đúng. Lo là vì số người bị mắc nhiều lên và đồng nghĩa với số tử vong nhiều lên. Lo vì mình, nhân dân mình chưa làm tốt công tác phòng, lo vì truyền thông làm chưa tốt, lo vì nhận thức chưa tốt.
Còn về cá nhân, không chỉ riêng tôi mà tất cả những người làm ngành y cũng có những cái lo. Nhưng cái lo đó là làm thế nào để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ mình được giao trong việc chống dịch.
Còn tôi chưa nhìn thấy bạn bè của tôi, đồng nghiệp của tôi, nhân viên của tôi, chưa một ai tỏ ra lo sợ bị lây nhiễm Covid-19.
Trước khi lựa chọn nghề y tôi tin rằng, mỗi người đều có tình cảm, tình thương với cộng đồng và ngay khi bước chân vào nghề này, nhân viên y tế nào cũng xác định đó là cái nghiệp, là sự hy sinh cho cộng đồng.
Và qua vụ dịch này, càng chứng minh được điều đó, là nghề chọn người. Đây không phải là đầu tiên chúng ta có dịch, trước đó có dịch SARS, cúm gà…chúng ta cũng đã mất mát rồi nhưng chưa có một lời kêu, chưa có một lo lắng thái quá.
Ông đã cùng ban giám đốc bệnh viện lên các kịch bản ngay từ giai đoạn đầu, với bản thân mình, ông từng nghĩ đến điều gì phía trước?
Mới đây tôi đọc được một người bạn gửi cho một bài thơ trên mạng. Cá nhân tôi cũng là một người đã tham gia rất nhiều vụ dịch, cũng nguy cơ lây nhiễm cao nên khi đọc bài thơ ấy, thấy sống mũi cay cay.
Là vì có thể một ngày đi làm, mình được phát hiện dương tính, phải đi cách ly rồi có thể diễn biến nặng lên và có thể đó sẽ là ngày cuối cùng mình không còn được gặp lại người thân của mình nữa.
Cho nên trong dịch dã, cứ mỗi lần chúng tôi đi làm đều coi đó có thể là ngày cuối cùng…, là kịch bản xấu nhất là như vậy đó nhưng chẳng ai bước chân ra đi làm lại nghĩ đến việc đó đâu.
Chúng tôi làm tất cả những việc đó, thức đêm hôm không phải vì trợ cấp dịch mà đó là tình yêu nghề, là trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với bệnh nhân.

Chúng tôi biết mình không đơn độc. Chúng tôi sẽ cố gắng, cố gắng hơn nữa để đảm bảo sức khỏe của mọi người và cũng mong mọi người ủng hộ để chúng tôi làm tốt nhiệm vụ. Xin người dân hãy yên tâm, tin tưởng ở ngành y tế.


TS Dương Đức Hùng

Đã chuẩn bị tâm thế rất kĩ như vậy nhưng từng có lúc nào đó, ông thấy cảm thấy chùn bước?
Chùn bước thì chưa bao giờ nhưng nhiều lúc có những khoảnh khắc chạnh lòng. Khi dịch mới bắt đầu nóng lên, khi khẩu trang là một vấn đề vô cùng bức bối.
Do lúc đầu chưa chuẩn bị đủ cơ số để đáp ứng nhu cầu tăng lên đột biến thì chúng tôi đã phải tính đến kịch bản để nhân viên y tế đeo khẩu trang vải.
“Dong nghiep cua toi o Bach Mai chua mot ai lo so bi lay nhiem Covid-19“-Hinh-3
 BV Bạch Mai kiểm soát chặt người ra vào từ sáng 28/3, chỉ cho nhân viên y tế vào làm việc. Ảnh Trần Thường
Ban lãnh đạo bệnh viện phải đi liên hệ để cho người đi xếp hàng mua khẩu trang vải. Trong khi đi làm về vẫn thấy người đi đường đeo khẩu trang y tế, có nhiều người đeo khẩu trang N95.
Lúc đó chạnh lòng chứ, chúng tôi đang là chiến sĩ mà chúng tôi không có vũ khí. Chạnh lòng cực kỳ luôn. Nhưng tất cả những thứ đó cũng nhanh chóng qua đi. Và bây giờ, cái đó không còn là vấn đề nóng nữa.
Trong quá trình dịch nóng lên, ngành y tế cũng như cá nhân tôi cũng nhận được rất nhiều cú điện thoại, những lời thăm hỏi từ bạn bè đồng nghiệp, thậm chí những bệnh nhân cũ của mình hỏi han, căn dặn “anh giữ sức khỏe nhé”. Những điều chân tình đó khiến chúng tôi biết mình không đơn độc.
Với người dân bình thường, bệnh tật ai cũng lo, đại dịch lại càng lo, thậm chí có không ít người lo lắng thái quá đến sợ hãi. Từng tham gia nhiều trận dịch trước, ông có chia sẻ gì với người dân?
Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có dịch lớn. Trong những lần đó, y tế chúng tôi bao giờ cũng vào cuộc rất sớm, đầy tích cực, tự nguyện và đầy tinh thần trách nhiệm. Do vậy xin người dân hãy yên tâm, tin tưởng ngành y tế.
Chúng tôi sẽ cố gắng, cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình: Đó là đảm bảo về sức khỏe của mọi người và cũng mong mọi người ủng hộ để chúng tôi làm tốt nhiệm vụ, đó là ủng hộ về vật chất và về tinh thần.
Chống dịch là một công việc chung và cũng giống như chúng ta vẫn nói, toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Mỗi một tổ chức, mỗi một cá nhân đều phải cùng tham gia, phải chung tay, phải cùng nỗ lực thì sự nghiệp chung mới mong đến đích được và mỗi người ở trên vị trí của mình thì phải làm tốt, tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Với người dân, hãy làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tạm thời hạn chế đi lại, thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế lây lan.
Theo Thúy Hạnh – Đỗ Hằng/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)