Ai cũng biết, nguồn sữa mẹ quý giá như thế nào đối với sự phát triển của con yêu. Chính vì thế mà đa phần các mẹ đều muốn nuôi con bằng sữa mẹ. Thế nhưng nhiều mẹ lại gặp phải tình trạng, con bỏ bú chê ti mẹ vì thích ti bình hơn. Gặp phải hoàn cảnh này, mẹ cần làm gì để con tìm lại bầu vú mẹ, các mẹ hãy tìm hiểu những cách dưới đây để giúp con ti mẹ trở lại nhé!
Lúc đi sinh, mẹ nào cũng chuẩn bị sẵn sữa công thức để con ti những cữ đầu vì sợ sữa chưa về. Thế nên đa phần trẻ sinh ra đều được ti tạm sữa công thức sau đó mới được ti mẹ. Điều này tưởng chừng vô hại nhưng lại mang đến vô vàn khó khăn cho 2 mẹ con, nhất là với những mẹ sữa về chậm hoặc ít sữa.
|
Bé quen ti bình hơn, ti bình ra sữa đều hơn, bé ti được thoải mái hơn nên đa phần con đã được ti bình là chê ti mẹ (Ảnh minh họa) |
Chị Hạnh (32 tuổi, ở Hà Nội) giãi bày: "Tôi sinh con xong 4 ngày sữa mới về nên con phải dùng ti bình trong những ngày đầu đó. Đợt đó tôi sai lầm vì nghĩ chưa có sữa thì chưa cho con ti, đến khi sữa về thì con lại chẳng thèm ngậm ti mẹ nữa. Tôi phải khổ sở lắm con mới chịu ti mình đấy!".
Chị Hạnh gặp phải vấn đề này vì bé quen ti bình hơn, ti bình ra sữa đều hơn, bé ti được thoải mái hơn nên đa phần con đã được ti bình là chê ti mẹ tức thì.
Chị Hạnh chia sẻ thêm: "Sau đó 2 tháng, cô em gái tôi sinh con, rút kinh nghiệm từ bản thân, tôi đã dặn dì nó ngoài việc cho con ti bình những ngày đầu thì vẫn phải chăm chỉ cho con ti mẹ thật nhiều lần, kể cả sữa chưa về. Có như thế, con mới làm quen được với ti mẹ và giúp cơ thể mẹ nhanh tiết sữa", chị Hạnh kể. Đúng như lời chị Hạnh nói, chỉ sau 2 ngày, em gái chị đã tiết sữa và tất nhiên bé sẽ hợp tác bú mẹ thật suôn sẻ.
Nói về vấn đề bé nghiện ti bình mà bỏ ti mẹ, chị Hạnh tiếp tục kể trường hợp của chị đồng nghiệp. Con chị ấy bỏ ti chỉ vì mọc răng. Trong giai đoạn này, bé thường có cảm giác ngứa lợi, vì thế khi ti mẹ thường thích nghiến ti, giựt ti mẹ. Theo phản xạ chị ấy quát mắng con, thậm chí tét vào má con để con nhả ti ra. Việc này làm con sợ và ác cảm với ti mẹ, dần dần con bỏ luôn ti mẹ.
Thế nên trong giai đoạn khó khăn này, mẹ cần cố gắng chịu đựng và tích cực massage lợi cho trẻ. Làm như vậy, con sẽ giảm ngứa lợi mà không cắn ti mẹ. Từ đó không có chuyện con bị quát mắng và sợ ti mẹ nữa.
Chung quy lại, những mẹ nào bị con chê ti thì cần tìm ra nguyên nhân để cải thiện càng sớm càng tốt.
Nhiều trẻ không thích bú lúc thức mà lại thích ti lúc gật gù ngủ. Mẹ thử chiều con xem có đúng như vậy không.
Nếu trẻ không thích bú khi được bế thì mẹ thử cho con bú nằm hoặc tìm tư thế nào thấy con thoải mái nhất rồi mới cho ti.
Ở độ tuổi từ 6-9 tháng, trẻ đã biết "hóng hớt" nên bị mất tập trung khi ti, mẹ cần đưa con đến nơi ít bị phân tâm nhất để con ti. Như thế con sẽ tập trung hơn và ti mẹ được nhiều hơn.
Còn trong trường hợp bé bỏ ti vì bị tưa lưỡi hay mệt mỏi thì mẹ cần cho con đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chữa trị kịp thời, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con.