Rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, dẻo dai, tăng cường sức chịu đựng. Trong y học cổ truyền Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dùng rễ đinh lăng sao vàng, hạ thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú.
Trong rễ đinh lăng có chứa saponin có tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1, ngoài ra rễ còn chứa 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, nhờ đó đinh lăng còn giúp tăng trí nhớ, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
|
Ảnh minh họa. |
Một số bài thuốc hay từ cây đinh lăng
- Chữa mệt mỏi: Lấy rễ cây đinh lăng sắc uống có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể.
- Chữa ho lâu ngày: Rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá tất cả đều 8gr, củ xương bồ 6gr; Gừng khô 4gr, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.
- Chữa sưng đau cơ khớp, vết thương: Lấy 40gr lá tươi giã nhuyễn, đắp vết thương hay chỗ sưng đau.
- Phòng co giật ở trẻ: Lấy lá đinh lăng non, lá già cùng phơi khô rồi lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ nằm.
- Chữa đau lưng mỏi gối (chữa cả tê thấp): Dùng thân cành đinh lăng 20 - 30gr, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.
- Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ, lá đinh lăng có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa tắc tia sửa hiệu quả. Rễ cây đinh lăng 30 - 40gr. Thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống khi còn nóng.
- Chữa liệt dương: Rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12gr; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8gr; sa nhân 6gr. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa viêm gan: Rễ đinh lăng 12gr; nhân trần 20gr; ý dĩ 16gr; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12gr; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8gr. Sắc uống ngày 1 thang.