Miền Trung đang vào mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết với số ca mắc liên tục tăng cao.
Đến nay, 11 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã có gần 17.200 ca mắc sốt xuất huyết. Nếu như những năm trước đây, dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện ở vùng đồng bằng, khu vực đông dân cư thì năm nay tại một số huyện vùng cao cũng đã ghi nhận nhiều ca bệnh.
Đơn cử tại huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này đã có gần 100 ca mắc sốt xuất huyết. Trong khi đó, tại một số huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Nam như: Phú Ninh, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, bệnh sốt xuất huyết cũng gia tăng nhanh chóng.
Hiện, cả tỉnh đã có gần 3.000 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh tăng cao trong 3 tháng qua khiến nhiều cơ sở y tế bị quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép đôi, ghép 3, càng tăng nguy cơ lây chéo.
|
Bệnh nhân tăng cao, bệnh viện Vĩnh Đức sử dụng phòng làm việc kê thêm giường bệnh dụng cả phòng làm. |
Bác sỹ Trần Ngọc Nam Anh, Trưởng khoa Nội Nhi Bệnh viện Vĩnh Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết, 2 tháng trở lại đây, số ca bệnh tăng gấp đôi so với những tháng trước đó: “Năm nay test dương tính tỷ lệ rất cao. Mọi năm dạng sốt xuất huyết dengue nhiều nhưng tỷ lệ test dương tính không cao. Hiện số bệnh nhân sốt huyết rất đông, tỷ lệ khá cao nhưng tình trạng nặng, choáng thì chưa có”.
Ở miền Trung, bệnh sốt xuất huyết năm nào cũng xảy ra nhưng nhiều nơi, người dân vẫn lơ là với dịch bệnh. Có những trường hợp bệnh trở nặng gia đình mới đưa đến bệnh viện điều trị dẫn đến bị sốc do giảm tiểu cầu, có trường hợp bị suy đa tạng. Hiện, đã có 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ở tỉnh Bình Định và Khánh Hòa.
Còn tại thành phố Đà Nẵng, năm nay số ca mắc sốt xuất giảm gần một nửa so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao với hơn 3.360 ca mắc. Đáng lo ngại, 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng tăng mạnh… Thời tiết năm nay diễn biến bất thường nên nguy cơ bệnh sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Mặt khác, một bộ phận người dân còn tỏ ra bất hợp tác với chính quyền và ngành chức năng trong phòng chống dịch bệnh khiến cho nguy cơ dịch bệnh tăng cao, khó khống chế.
Bà Trương Thị Hợi ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, nhà bà có 2 người con bị sốt xuất huyết. Lúc đầu cứ nghĩ các cháu chỉ bị sốt cảm thông thường nên tự mua thuốc về điều trị thấy không đỡ mới đưa đến bệnh viện. Bà Hợi cho hay, vẫn biết phun thuốc diệt muỗi là biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết nhưng ngại hóa chất này độc hại nên khi nhân viên y tế dự phòng đến bà chỉ cho phun bên ngoài: “Xung quanh họ chưa làm nhà, cây cối nhiều sợ muỗi nhiều. Phường cũng tới hỏi rồi sáng tới phun thuốc nhưng cả nhà đi làm sớm nên họ chỉ phun ngoài sân. Tôi sợ thuốc đó phun ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Theo Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, trên địa bàn hiện có 60 ổ dịch sốt xuất huyết. Ngay khi phát hiện ổ dịch, lực lượng chức năng đều tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn e ngại phun hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe nên tỷ lệ phun ở một số nơi còn đạt thấp, chỉ khoảng 70%, thậm chí có nơi 50%, dẫn đến hiệu quả không cao.
Thạc sỹ Tôn Thất Thạnh cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh nếu chỉ trông chờ vào ngành y tế thì rất khó đạt kết quả như mong muốn: “Qua kiểm tra các ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết cũng đã kết hợp vận động người dân diệt bọ gây. Tuy nhiên, mật độ bọ gậy tại các khu dân cư vẫn còn rất cao. Vì vậy, vấn đề xử lý các ổ dịch nhỏ tại các địa phương chưa mang lại hiệu quả thực sự. Nhiều khu vực đã tiến hành xử lý hóa chất nhiều lần nhưng vẫn xuất hiện bệnh nhân tại khu vực đó”./.