Một bệnh viện tư ở Hà Nội vừa tiếp nhận một trường hợp đến khám và điều trị biến chứng sau cắt mí mắt. Bệnh nhân nữ, tên V (Hà Nội), bị sụp mí bẩm sinh, trước đó, cô từng đi cắt mí tại một cơ sở thẩm mỹ ‘chui’ với chi phí thấp hơn rất nhiều so với làm tại các bệnh viện.
Tại đây, V được Thạc sĩ, bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Thị Thanh Phương của bệnh viện thăm khám, tư vấn.
Qua kiểm tra lâm sàng, bác sĩ phát hiện đường sẹo mổ còn mới, mắt hõm sâu, lồi nhãn cầu. Bác sĩ Phương đồng ý nhận sửa cho bệnh nhân.
Trước khi vào phòng mổ, V được đưa đi xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm và làm hồ sơ. Kết quả kiểm tra máu cho thấy bệnh nhân này dương tính với virus HIV. Bệnh nhân được bác sĩ gọi vào phòng riêng thông báo.
Bác sĩ Phương đã từ chối ca phẫu thuật thẩm mỹ này, hướng dẫn đến chuyên khoa truyền nhiễm thăm khám.
|
Kết quả xét nghiệm thông báo cô gái đã nhiễm HIV |
"HIV lây nhiễm qua ba con đường: Máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Trường hợp bạn V chưa xác định rõ nguồn lây nhiễm từ đâu? Từ bao giờ nhưng tôi thực sự lấy làm tiếc khi bệnh nhân có kết quả dương tính.
Tuy nhiên, với tình trạng các chủ cơ sở thẩm mỹ ‘trôi nổi’ tiến hành cắt mí, nâng mũi như hiện nay, cũng có thể là một nguồn lây bệnh’, bác sĩ Phương nói.
Ngoài trường hợp của V, bác sĩ Phương từng tiếp nhận không ít các ca cắt mí bị hỏng do đến các cơ sở làm đẹp thiếu uy tín, hoạt động ‘chui’. Các trường hợp đó may mắn không bị lây nhiễm HIV nhưng cho thấy một tình trạng đáng sợ hiện nay. Khi các chủ cơ sở spa sẵn sàng vì lợi nhuận, dù không được cấp phép hành nghề, không phải bác sĩ chuyên khoa vẫn thực hiện các thủ thuật mổ.
Theo bác sĩ Phương, một bộ dụng cụ mổ khá đắt. Sau mỗi ca mổ, các dụng cụ này được đưa đi sát khuẩn, vô trùng theo quy trình rất nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Toàn bộ hệ thống máy móc để hấp rửa và sấy khô dụng cụ được kiểm soát chặt chẽ.
Đầu tiên dụng cụ được ngâm dung dịch tiền khử khuẩn. Sau đó, dụng cụ được rửa bằng tay. Công đoạn khử khuẩn hoàn thiện, dụng cụ được đưa máy hấp ướt, sấy khô, đóng vào hộp inox. Cuối cùng các hộp dụng cụ đưa vào phòng kín, có chiếu tia cực tím, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ không khí.
Mỗi bộ dụng cụ sau khi chiếu tia cực tím phải đợi 2 tiếng sau mới được dùng, vì trong khoảng thời gian này trên dụng cụ vẫn lưu lại tia cực tím, không tốt cho bệnh nhân.
‘Phần lớn các bệnh nhân đến sửa lại sau phẫu thuật thẩm mỹ hỏng tại cơ sở spa đều phản ánh quy trình khử khuẩn ở đó vô cùng nghèo nàn, qua quýt.
Sau mỗi ca làm đẹp, dụng cụ mổ chỉ được đun qua nước sôi. Xi lanh gây tê tiêm cho bệnh nhân xong, tiếp tục chọc vào ống thuốc tê lấy thuốc.
Ống thuốc tê còn thừa lại được dùng cho các bệnh nhân sau. Chỉ khâu thừa sẽ ngâm cồn, tiếp tục tái sử dụng. Tất cả sự thiếu hiểu biết này đều có nguy cơ lây nhiễm chéo HIV. Cơ sở nào ‘hiện đại’ lắm thì có thêm một lò vi sóng khử trùng…
Các bệnh viện có uy tín, đủ điều kiện chỉ chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ cho bệnh nhân khi phòng mổ và dụng cụ đảm bảo vô trùng. Đa số các ca biến chứng do chọn cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện, người làm nghề không có chứng chỉ hành nghề’, bác sĩ Phương khuyến cáo.
Với trường hợp bị nhiễm HIV, có thể bệnh nhân bị lây nhiễm từ người khác trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, dụng cụ không được khử khuẩn.
Các dụng cụ đó tiếp tục dùng cho nhiều người khác nữa. Qua đó có thể thấy mức độ lây lan HIV trong cộng đồng là rất lớn.
Quá trình làm nếu không may, rủi ro có thể xảy đến, bệnh nhân là người chịu tổn thất nặng nề nhất, nhẹ thì hỏng bộ phận được phẫu thuật thẩm mỹ, nặng có thể biến chứng, nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài HIV, bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm một số bệnh khác như: Viêm gan B, viêm gan C, giang mai…Trong đó, viêm gan B là căn bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị, phải dùng thuốc kháng vius suốt đời. Nếu không người bệnh sẽ biến chứng sang xơ gan, ung thư gan…