Rau muống lại được xếp vào danh sách những loại rau dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ chứa nhiều chất độc thuốc trừ sâu, kích phọt, nhiễm chì hoặc trồng ở cống rãnh hôi thối… Về lâu dài nếu thường xuyên ăn phải rau nhiễm bẩn này rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo phân tích của các chuyên gia, rau muống là loại thân rỗng, nếu trồng ở môi trường bẩn, rau rất dễ hấp thụ kim loại. Trong đó nghiêm trọng nhất có thể kể đến là nhiễm độc chì.
Người bị nhiễm độc chì cấp sẽ gây ra tình trạng nôn mửa, co giật, hôn mê. Nhiễm chì mãn tính có thể gây suy nhược thần kinh, mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi, suy gan, suy thận... Trẻ em ăn phải thực phẩm nhiễm chì có thể chậm lớn, kém thông minh. Phụ nữ vô tình tiêu thụ các sản phẩm có chì trong quá trình mang thai sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thai nhi.
|
Để nguội nước rau muống biến thành màu xanh chứng tỏ rau dùng quá nhiều phân hóa học. |
Chưa kể tới việc người trồng rau vì tham lợi nhuận mà sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, thu hoạch rau không đúng hạn đem bán ra thị trường…
Để an toàn khi ăn rau muống, buộc các bà nội trợ phải thật cẩn thận từ khâu lựa chọn cho đến chế biến:
Theo chia sẻ PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia), nhiều bà nội trợ thường chỉ rửa rau bằng nước thông thường, việc làm này chỉ làm rau sạch được bụi bẩn chứ không diệt được hết ký sinh trùng trong rau.
Để an toàn, nên rửa sạch từng ngọn rau muống. Ngâm rau muống vào nước muối loãng trước khi nấu. Tốt nhất là rửa sạch rau muống sau đó để ráo nước cho vào túi bảo quản trong tủ lạnh vài ngày thì ăn (lúc này lượng thuốc sâu sẽ bị phân hủy bớt). Ăn rau chín kỹ (không ăn rau muống luộc, nấu vẫn còn tái).
Khi luộc rau muống không nên đậy vung bởi điều này sẽ làm cho các hóa chất có trong rau không thoát được ra ngoài mà vẫn giữ nguyên ở trong rau khiến gia đình bạn dễ dàng ngộ độc, nhiễm bệnh.
Vì vậy, cách chế biến rau muống đúng cách nhất là bạn hãy mở vung để món rau xanh hơn và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Cách nhận biết rau muống an toàn
- Khi chọn mua rau muống, không nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường.
- Không nên chọn loại rau khi tươi bẻ thấy quá giòn, lá màu xanh sẫm, nhìn từ xa mặt trên của lá rất bóng và mướt, vì loại rau này người trồng dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá.
- Khi luộc, nước rau luộc nóng có màu xanh nhạt, khi nước nguội biến thành màu xanh đen và có vẩn kết tủa đen chứng tỏ rau dùng quá nhiều phân hóa học.
Đặc biệt, khi rửa rau muống nếu thấy nổi bong bóng quá nhiều cũng không nên dùng vì có nguy cơ rau bị nhiễm hóa chất.
Lưu ý, những người bị viêm đau, nhức khớp, bệnh gout (thống phong) và các viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi, người đang điều trị các bệnh nội khoa, ngoại khoa… không nên ăn rau muống.