Trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan đã kết thúc trong sự tiếc nuối của người hâm mộ. Các chiến binh của chúng ta đã không thể làm nên một chiến thắng lịch sử, khi chịu thất bại 1-2 trước đối thủ đến từ Tây Á.
Nhưng hãy chờ đã. 3 trận liên tiếp chơi trọn vẹn 120 phút (chưa tính thời gian bù giờ), thậm chí phải thi đấu trên nền tuyết, vậy mà chúng ta chỉ chịu thua ở 2 phút cuối cùng của trận chung kết. Thể lực của các chiến binh U23 Việt Nam phải nói là quá tốt, sánh ngang tầm với quốc tế.
Trên thực tế với cường độ thi đấu dày đặc, ngay cả những cầu thủ đẳng cấp thế giới cũng phải cảm thấy kiệt quệ.
Các chiến binh áo đỏ quật cường chiến đấu đến tận phút cuối cùng, và chiến công thần kỳ ấy có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ huấn luyện, khi đặt vấn đề hồi phục thể lực lên hàng đầu.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, xoa bóp và bồi bổ, có nguồn tin cho rằng các cầu thủ Việt Nam còn được áp dụng một phương pháp hồi phục nữa ngay sau khi thi đấu. Đó là sauna - hay xông hơi, một trong những hình thức trong thủy trị liệu.
Thủy trị liệu - phương pháp hồi phục thể lực cực kỳ tuyệt vời dành cho các VĐV thể thao
Nếu như chịu khó để ý, bạn sẽ thấy hình ảnh các cầu thủ nước ngoài ngâm mình trong bể bơi, trong các bồn chứa nước cực lớn, hoặc chui vào phòng xông hơi sau khi tập luyện hoặc thi đấu. Đó chính là các hình thức của thủy trị liệu.
|
Mario Balotelli là một trong số rất nhiều cầu thủ áp dụng sauna sau thi đấu
|
Về cơ bản, thủy trị liệu là các phương pháp dùng nước để tác động lên da, lợi dụng các tính chất vật lý của để điều trị bệnh, trong đó đặc biệt có tác dụng với các trường hợp cần phục hồi chức năng.
Thủy trị liệu có thể được vận dụng với nhiều hình thức rất phong phú với từng trạng thái của nước: lỏng, rắn (ice sauna), hơi (sauna). Nhưng nhìn chung, các phương pháp này được dựa vào 4 yếu tố tác động sau:
Lực đẩy - áp suất: đây là các yếu tố đặc trưng của nước, mà chỉ thủy trị liệu sở hữu, được vận dụng để thư giãn cơ và phục hồi.
Chênh lệch nhiệt độ: Nước dùng trong thủy trị liệu có nhiệt độ thay đổi đột ngột, nhằm kích thích các dây thần kinh và cơ bắp. Trong đó, nước lạnh giúp sẽ khít lỗ chân lông và làm săn chắc da, trong khi nước nóng làm tiết mồ hôi, giảm huyết áp, cải thiện hệ tuần hoàn.
Kích thích cơ học: Giống như xoa bóp, lực đẩy của nước tạo ra sự kích thích, giúp giảm đau và giãn cơ sau tập luyện. Các vết thương hở cũng có thể hồi phục nhanh hơn, vì nước giúp làm bong các lớp mô chết, tẩy trôi dịch khô trên bề mặt.
Yếu tố hóa học: Thủy trị liệu thường sử dụng nước khoáng, hoặc nước được hòa tan vi chất nhân tạo, phù hợp với mục đích điều trị.
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng thủy trị liệu và sauna nói riêng có thể dùng để điều trị viêm khớp, giảm triệu chứng hen suyễn, thải độc cho cơ thể. Điều này rất quan trọng, vì cơ bắp sau khi tập luyện có thể bị ứ đọng acid lactic, gây viêm cơ, mỏi cơ).
Ngoài ra, một nghiên cứu từ Áo còn chỉ ra rằng việc áp dụng thường xuyên có thể làm giảm tần suất bị cảm, cũng như giúp con người chống chịu tốt hơn với cái lạnh - điều đặc biệt cần thiết cho các cầu thủ U23 Việt Nam, khi thời tiết tại Trung Quốc đã cực kỳ xấu.
|
Nhiệt độ tại Trung Quốc những ngày qua đang rất lạnh
|
Lịch sử của thủy trị liệu - một trong những phương pháp cổ xưa nhất
Không phải bây giờ nhân loại mới biết đến sauna. Trái lại, thủy trị liệu còn là một trong những phương thức điều trị cổ xưa nhất.
Từ hàng trăm năm trước CN, ông tổ của nghề y - triết gia Hy Lap Hippocrates đã đưa ra lý thuyết chỉ định bệnh nhân ngâm mình dưới suối để trị bệnh. Đến thời La Mã cổ đại, người dân có thói quen tìm đến các hồ tắm công cộng mỗi khi mắc bệnh. Trong khi tại các nước Á Đông, nhiều tài liệu từ thời xa xưa đã ghi nhận phương pháp trị bệnh bằng nước.
Đến giữa thế kỷ 18, thủy trị liệu chính thức được đưa vào danh sách các phương pháp điều trị của y học. Có thể lấy ví dụ như cuốn sách y khoa do James Currie (Anh) biên soạn, có nêu về tác dụng của nước nóng và lạnh trong việc điều trị sốt cùng một số bệnh khác.
Thủy trị liệu cũng từ đó mà trở nên phổ biến hơn, và một trong những người góp công làm nên chuyện đó là Vincent Preissnitz (1799-1851). Năm 1826, Preissnitz mở một phòng khám thủy trị liệu, trong đó đưa ra liệu trình nhấn mạnh vào dinh dưỡng, tập luyện, kết hợp chữa trị bằng nước dành cho các bệnh nhân cần phục hồi chức năng.
Đến năm 1840, phương pháp do Preissnitz đưa ra trở nên nổi tiếng khắp châu Âu, bén rễ sang Mỹ, và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới như ngày nay.
Tác dụng của thủy trị liệu cũng được nhiều nhà khoa học nổi tiếng công nhận. Như Ivan Petrovich Pavlov - nhà sinh lý học vĩ đại người Nga - đã thử theo dõi quá trình kích thích não bộ khi một người tắm và bơi. Kết quả, ông nhận thấy nước có thể kích thích đại não, giúp cải thiện tinh thần, đánh thức mọi giác quan và cho cảm giác sảng khoái hơn hẳn.
Một ví dụ khác cho thấy tác động của thủy trị liệu, đó là trường hợp của một trại phục hồi chức năng dành cho các thương binh tham gia Thế chiến I tại Anh Quốc.
Tất nhiên, cơ sở này áp dụng thủy trị liệu. Thống kê cho thấy: 90% bệnh nhân được điều trị bằng bồn tắm thủy lực, sau khi xuất viện có thể ngay lập tức tham gia huấn luyện trở lại mà không gặp bất kỳ trở ngại gì.
Ngày nay, thủy trị liệu không chỉ dùng trong chữa bệnh mà còn hỗ trợ làm đẹp da và làm săn chắc cơ thể, được phái nữ biết đến và sử dụng thuòng xuyên hơn, kết hợp cùng các liệu trình spa phổ biến khác.
|
Một VĐV đang áp dụng thủy trị liệu |
Ngoài ra, nhiều VĐV chuyên nghiệp trên thế giới vẫn luôn áp dụng sauna để phục hồi, cả khi tập luyện hay sau chấn thương.
Ví dụ như Cristiano Ronaldo - chủ nhân của 5 Quả bóng Vàng (Ballon d'Or) thậm chí còn xây nguyên một phòng thủy trị liệu trong căn biệt thự của mình tại Tây Ban Nha. Anh cho biết, đó là phương pháp giúp duy trì phong độ đỉnh cao trong suốt những năm vừa qua.