Vừa trở về từ tuần trăng mật cũng là đêm đầu tiên ngủ ở nhà chồng Hoa (Hà Đông) đã được phen hú hồn. Do vừa phải di chuyển nhiều giờ trên đường nên tối đó, sau bữa ăn đoàn viên với gia đình, hai vợ chồng xin phép đi ngủ sớm.
|
Kỷ niệm "nhớ đời" đêm đầu tiên ở nhà chồng với chị Hoa là "được" mẹ chồng thắp hương cúng.. (ảnh minh họa) |
Nửa đêm, mơ hồ ngửi thấy mùi hương, Hoa he hé mắt. Cô sợ tái người khi đứng ngay cạnh giường, trước tủ phấn, mẹ chồng cô đang chắp tay lẩm nhẩm cầu khẩn. Dụi mắt nhìn kỹ, Hoa phát hiện bà đã cắm hương vào đĩa hoa quả lúc tối hai vợ chồng mang lên phòng nhưng chưa kịp ăn.
Hoa kể, hồi yêu nhau, thi thoảng chị cũng qua nhà người yêu nên cũng biết mẹ chồng bị đãng trí. Có hôm sang vào ban ngày nhưng vẫn thấy bà ngủ, hoặc lúc thì cứ nhầm người yêu của con trai là đứa cháu họ xa lơ xa lắc…
“Nhà có người giúp việc trông mẹ nên tôi cũng không băn khoăn nhiều. Nhưng hôm ấy thì tôi hoảng thật sự”, chị Hoa nhớ lại.
Sau lần đó, vợ chồng chị Hoa mỗi lần vào phòng đều phải chốt cửa. Đồng thời, chị cũng dặn người giúp việc trông chừng bà cẩn thận hơn. “Nhà tôi phải chuyển từ bếp ga sang dùng bếp từ, tất cả những đồ vật có thể gây nguy cơ cháy nổ như bật lửa, nhang, đèn đều phải cất kỹ, khóa chặt”, chị Hoa nói.
Theo chị Hoa, cuộc sống của vợ chồng chị cũng có phần xáo trộn. Vì mẹ chồng bị rối loạn giấc ngủ. Bà cứ “nhầm lẫn” giữa đêm và ngày, nên ngày thì bà ngủ li bì nhưng đến đêm là bà thức. Rồi bà làm ầm ĩ cả nhà lên, lúc thì bà gọi chị giúp việc dậy nấu cơm, rồi bà lại lục tục lên phòng con trai gõ cửa ầm ĩ gọi dây đi làm.
“Khổ nỗi là bà phải gọi đến khi nào mọi người thức thì mới thôi. Vì thế, nhiều khi chồng tôi cũng nổi cáu thành thử ra tôi cứ phải canh cửa. Chỉ cần bà gõ là tôi phi ra ậm ừ với bà đôi ba câu để bà về phòng nghỉ rồi mới có thể quay trở lại giường ngủ được”, chị Hoa phân trần.
Theo lời chị kể, với mẹ chồng chị, bệnh như thế “vẫn còn nhẹ”, chỉ sợ thêm tuổi bà giống mọi người đi lạc, vệ sinh không tự chủ thì lúc ấy “thực sự là gánh lo”.
BS Trần Thị Hồng Thu (Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) cho biết, Alzheimer là bệnh sa sút trí tuệ thường gặp nhất ở người cao tuổi. Các rối loạn về giấc ngủ của người bệnh Alzheimer gây phiền toái cho cả người bệnh lẫn người chăm sóc.
Tuy nhiên, chất lượng sống của người bệnh Alzheimer phụ thuộc rất nhiều vào người chăm sóc. Do đó, nếu trong gia đình có người thân mắc Alzheimer cần có sự thấu hiểu và thông cảm cũng như kiến thức nhất định về căn bệnh này.
Đối với người Alzheimer có rối loạn về giấc ngủ, thì người thân cần cần thiết lập và duy trì thói quen, thời gian ăn, thức dậy và đi ngủ. Tuyệt đối tránh các chất kích thích như rượu, chất caffein và nicotin.
Ngoài ra, không để người bệnh xem tivi ngay trước giờ đi ngủ. Khuyến khích người bệnh hoạt động thể chất (đi bộ, tập thể dục) để có giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm. Hạn chế ngủ ban ngày. Nếu người bệnh cần ngủ trưa, nên duy trì một giấc ngủ ngắn. Tạo môi trường ngủ thoải mái từ nhiệt độ đến ánh sáng và sự an toàn.
Nếu người bệnh thức dậy vào ban đêm, hãy giữ bình tĩnh, mặc dù bạn có thể mệt mỏi. Hãy nhẫn nại và nhẹ nhàng với người thân của mình, nhắc nhở họ về thời gian, giám sát người bệnh quay trở lại giấc ngủ.
Nếu các giải pháp thông thường không có tác dụng, có thể đề nghị bác sĩ cho thuốc ngủ. Nhưng việc dùng thuốc cũng có những tác dụng phụ nhất định và nên ngừng khi đã thiết lập được giấc ngủ.
Đặc biệt, theo TS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Người già – Viện Sức khỏe Tâm thần cũng lưu ý hiện có tình trạng lạm dụng thuốc bổ não. Khoảng 90% bệnh nhân đến viện đều lạm dụng loại thuốc này, do đó, TS Hà An khuyến cáo người bệnh thay vì uống thuốc thì nên ra ngoài tập một bài thể dục, tăng cường vận động, giao tiếp… dưới sự giám sát của người thân.