Huyết áp cao là bệnh phổ biến nhất mà phụ nữ thường phải đối mặt trong thời kỳ mang thai và chính căn bệnh này là một trong những biểu hiện cơ bản giúp phụ nữ phát hiện mình đã mắc chứng bệnh tiền sản giật. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi phụ nữ bị tiền sản giật nặng sẽ có những ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một chứng bệnh phát sinh chỉ trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến người mẹ, thai nhi, hoặc có thể cả hai. Chúng thường phát triển sau tuần 20 của thai kỳ, được biểu hiện ở huyết áp cao và mức độ protein trong nước tiểu tăng (tiền sản giật cũng có thể gây co các mạch máu, dẫn tới huyết áp cao). Khi sản phụ bị chứng bệnh này, thai nhi có thể tăng trưởng chậm hơn so với bình thường hoặc bị thiếu oxy dẫn đến những nguy hiểm tiềm tàng.
|
Tiền sản giật là một chứng bệnh phát sinh chỉ trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến người mẹ, thai nhi, hoặc có thể cả hai. |
Các dấu hiệu của tiền sản giật
Theo công bố của Dailymail, mỗi năm ở Anh có khoảng 1.000 trẻ sơ sinh chết vì tiền sản giật, nhiều trường hợp sản phụ bị tiền sản giật dẫn đến sinh non, trẻ bị tử vong. Một năm ước tính sẽ có 7 bà mẹ chết do biến chứng của tiền sản giật. Dấu hiệu nổi bật nhất của tiền sản giật là huyết áp cao, protein trong nước tiểu, sưng quá mức (phù nề) tay và mặt, tăng cân nhanh chóng. Các triệu chứng khác cần đi khám ngay lập tức, bao gồm: nhức đầu dữ dội; rối loạn thị giác chẳng hạn mờ mắt, nhìn nhấp nháy; đau ở phía trên, bên phải bụng hoặc đau vai; đau hoặc cảm giác nóng bỏng sau xương ức; buồn nôn hoặc nôn; lẫn lộn hoặc lo lắng; khó thở.
Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Không ai có thể dự đoán chắc chắn mình sẽ có thể bị tiền sản giật. Mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc triệu chứng này trong thai kỳ đầu tiên của mình, mặc dù nguy cơ lớn đối với căn bệnh này là do gia đình có tiền sử bị bệnh. Phụ nữ thường sẽ bị tiền sản giật ở lần đầu sinh, hiếm khi bị lại ở lần sinh kế tiếp. Các bà mẹ trên 40 tuổi hoặc khoảng cách sinh là 10 năm cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Sản phụ bị cao huyết áp/béo phì (chỉ số cơ thể trên 30) hoặc bị bệnh tiểu đường.
Các biến chứng của tiền sản giật
Các sản phụ có thể bị những biến chứng cực kỳ nguy hiểm nếu không sớm phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này. Những biến chứng nguy hiểm nhất có thể xảy ra là xuất huyết não (đột quỵ), phù phổi, suy thận, tổn thương gan và gặp vấn đề trong hệ thống đông máu. May mắn cho các sản phụ đó là biến chứng ở tiền sản giật thường xảy ra rất ít. Ngoài ra tiền sản giật có liên quan tới một số biến chứng khác nếu không được điều trị, bao gồm: bé sơ sinh nhẹ cân (dưới 2,5kg); nhau bong non (nhau thai tách khỏi tử cung); động kinh; sinh non trước 37 tuần tuổi…
Chẩn đoán tiền sản giật
Bác sĩ sẽ chuẩn đoán tiền sản giật bằng cách kiểm tra huyết áp và làm xét nghiệm protein trong nước tiểu ở mỗi lần khám thai. Ở phụ nữ chưa từng bị cao huyết áp thì đo huyết áp có thể cho kết quả là 140/90. Dấu hiệu thứ hai là 300mg (hoặc nhiều hơn) protein trong mẫu nước tiểu thu được.
Điều trị tiền sản giật
Đối với tiền sản giật nhẹ và khi bé đã đủ tháng (từ 37 tuần), điều trị điển hình là tới viện nghỉ ngơi để bác sĩ theo dõi thai nhi và làm các xét nghiệm máu, nước tiểu. Phương pháp điều trị steroid có thể giúp phổi của em bé của bạn phát triển. Nếu sức khỏe người mẹ tốt, huyết áp ổn định thì có thể chờ đủ tháng để chuyển dạ như bình thường. Nếu tiền sản giật nặng, người mẹ có thể được kích thích chuyển dạ trong một vài ngày. Mổ đẻ là cần thiết cho người mẹ tiền sản giật. Tỷ lệ mổ đẻ thường cao hơn ở những phụ nữ có tiền sản giật vì họ có xu hướng sinh non và quá trình chuyển dạ khó. Tuy nhiên, nếu đã tới tuần 35-36, cổ tử cung mềm thì người mẹ sẽ có cơ hội sinh thường thành công.