Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhận hàm giáo sư đại học ở Đức
Vào ngày 11/12, Tiến sĩ Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), nhận quyết định bổ nhiệm Giáo sư của Đại học Tubingen, CHLB Đức. Quyết định này có hiệu lực 6 năm, bắt đầu từ tháng 1/2024 đến hết năm 2029.
|
GS.TS Kremsner trao quyết định bổ nhiệm Giáo sư của Trường Đại học Tuebingen, Đức, cho bác sĩ Lê Hữu Song. Ảnh: BVCC/Vietnamnet. |
Theo Vietnamnet, năm 2001, ở tuổi 31, bác sĩ Song được giới thiệu với Giáo sư Peter Kremsner, khi đó là Trưởng khoa Ký sinh trùng, nay là Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, Trường Đại học Tubingen (Đức), để làm nghiên cứu sinh.
Ba năm sau, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y học Sinh học phân tử. Đến nay, Tiến sĩ Song đã tham gia nhiều chương trình, đề tài hợp tác với Đại học Tubingen, đặc biệt là thành lập Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt-Đức (VG-CARE) thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào năm 2017.
Bước phát triển đột phá này còn mở ra các mối quan hệ hợp tác với các trung tâm nghiên cứu lớn của Đức như Đại học Hamburg, Heidelberg, Robert Kock, Luebeck… và tiếp tục mở rộng thêm với các trung tâm nghiên cứu của Pháp, Anh, Hà Lan, Malaysia….
Lần đầu tiên thực hiện ghép gan không cùng nhóm máu
Đầu tháng 12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đã tiến hành ghép gan không cùng nhóm máu giữa người cho và người nhận gan (bà nội hiến gan cho cháu gái). Đây là lần đầu tiên Bệnh viện triển khai kỹ thuật này cho trẻ nhỏ (bệnh nhân 15 tuổi).
Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, bệnh nhân nữ 15 tuổi, phát hiện xơ gan cách đây 6 năm không rõ căn nguyên. Gần đây bệnh nhân đi khám, phát hiện có khối u gan đã được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào gan trên nền xơ gan. Bệnh nhân đã được nút mạch gan chuẩn bị cho ghép gan.
Kíp ghép gan đã tiến hành phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép phải từ người cho sống để tiến hành ghép gan cho nữ bệnh nhân. Sau 8 giờ đồng hồ, ca ghép gan được thực hiện thành công. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay tại phòng mổ.
Sau 1 tuần ghép, sức khỏe của người hiến và người nhận đều ổn định. Người hiến được ra viện sau đó. Còn sức khỏe của người nhận phục hồi tốt, chức năng gan ghép hoạt động bình thường, vận động nhanh nhẹn.
|
Sức khỏe của người hiến và người nhận (hai bà cháu) trong ca ghép bất đồng nhóm máu đều ổn định, hồi phục tốt. Ảnh BVCC/Sức khỏe và Đời sống. |
Được biết, ca ghép gan không cùng nhóm máu trên là ca ghép gan thứ 200 được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đây được xem là một thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực ghép tạng Việt Nam nói chung và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói riêng.
Bác sĩ có "đôi tay vàng" mổ nội soi ống mật 1 lỗ hàng đầu thế giới
Báo Dân Việt đưa tin, ngày 5/12, PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, bác sĩ gần đây phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 4 tuổi, người Australia (gia đình đang làm việc tại Indonesia) mắc nang mật chủ, bằng phương pháp mổ nội soi 1 lỗ.
Đây là kỹ thuật khó, Việt Nam là một trong 2 nước trên thế giới ứng dụng kỹ thuật thành công. Bác sĩ Sơn cũng là bác sĩ đầu tiên, duy nhất hiện nay tại Việt Nam tiến hành phẫu thuật được bằng phương pháp này. Ông cũng được mệnh danh là bác sĩ có "đôi tay vàng" mổ nội soi ống mật 1 lỗ.
|
PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đang tiến hành mổ nội soi ống mật 1 lỗ cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC/Dân Việt. |
Việt Nam là một trong hai nơi trên thế giới đi đầu về phương pháp phẫu thuật này, với nhiều báo cáo kết quả được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Với phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật chủ, bác sĩ chỉ thực hiện một vết rạch 2cm ở rốn. Tất cả mọi thao tác được tiến hành qua "lối vào" này nên gây rất ít thương tổn cho bệnh nhân. Đặc biệt, sau mổ không để lại sẹo.
Đẩy mạnh AI trong lĩnh vực y tế
Năm 2023, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục được nhiều bệnh viện tại Việt Nam thí điểm, sử dụng như một biện pháp hiệu quả giúp phát hiện nhanh tình trạng bệnh tật.
Theo Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), sáng ngày 8/11/2023, đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương đã tham gia chương trình khám, tư vấn, tầm soát bệnh lý ung thư cổ tử cung bằng công nghệ AI cho 133 chị em phụ nữ tại Trạm Y tế tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ do Sở Y tế TP HCM tổ chức.
Công nghệ AI được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung là CerviCare AI. Đây là một kỹ thuật mới, giúp tầm soát ung thư cổ tử cung mà không phải thực hiện kỹ thuật Pap smear quen thuộc. Ngay sau khi thực hiện tầm soát các chị em phụ nữ sẽ nhận được hình ảnh soi cổ tử cung, AI sẽ thông báo ngay kết quả. Được biết, trong thời gian sắp tới, ứng dụng AI sẽ được triển khai thử nghiệm tại các bệnh viện chuyên khoa Sản của TP HCM.
|
Công nghệ AI được thử nghiệm tại TP HCM để tầm soát bệnh lý ung thư cổ tử cung. Ảnh: BV Hùng Vương. |
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, không chỉ tại Bệnh viện Hùng Vương, năm 2023 ghi dấu chặng đường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) từng bước được quan tâm, chú trọng đẩy mạnh thực hiện tại Việt Nam ở một số bệnh viện như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K, Bệnh viện 199 (Bộ Công an)...
>>> Mời độc giả xem thêm video: Hành trình tách cặp song sinh dính liền (Nguồn video: VTV)