Nguyễn Thị Hoài, cô bé quê gốc ở Thái Bình, đang đi làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng quần áo trẻ em ở Hà Nội nghẹn ngào bộc bạch: "Em đi làm được 8 tháng nay, nhưng em chỉ về quê 1 lần, em rất nhớ và thương mẹ, nhưng em không muốn về để giáp mặt với bố".
Hoài kể: "Thật sự với nhiều năm em phải chịu bạo hành của bố, em vô cùng chán nản, chỉ muốn một ngày thoát khỏi căn nhà ấy. Có người cô họ hàng bảo cần người làm, nên em đã bỏ học luôn để chỉ được ra khỏi nhà, không phải nhìn thấy bố nữa. Mẹ em đã khóc rất nhiều, khuyên can em về đi học lại để tốt nghiệp cấp 3, nhưng em không thể chịu đựng bố thêm được nữa".
|
Ngày nào bố em cũng uống đến say rồi tỏ thái độ gia trưởng với vợ con (Ảnh minh hoạ) |
"Bố luôn dạy các con bằng bạo lực, nhiều trận đánh khiến em không nhớ nổi. Nhưng em nhớ nhất là vào sinh nhật lần thứ 14 của em, bố đã túm tóc dìm đầu em xuống vại nước đến khi em không còn chống cự, vùng vẫy nữa bố mới kéo đầu em lên. Đó là lần em thoát chết, nhưng em không còn tôn trọng bố nữa" – Hoài khẽ cúi đầu buồn bã kể.
"Có hôm, chỉ vì em đi học về muộn do cô giáo dạy phụ đạo thêm trước ngày thi, nên em không kịp về đưa xe đạp cho bố đi mua bia rượu. Vừa thấy em về đến cổng, bố đã chửi rủa là con đốn mạt, mất dậy… Và bắt em phải đi thật nhanh mua rượu về cho bố uống. Em quá ức chế, đi vội quá nên em tránh xe bò không kịp đã bị ngã xe. Chân em tứa máu, nhưng đành quay xe về, vì xe đạp bị hỏng không thể đi tiếp. Vậy là bố em bạt tai em liên tục tối tăm mặt mũi, rồi bắt em chạy bộ đi mua rượu cho kịp giờ uống của bố. Chân em vẫn đang chảy máu và đau, nên em đi bộ, vừa đi vừa khóc để mua rượu cho bố uống".
Hoài cho biết, Hoài là con lớn ở trong nhà, dưới Hoài là cậu em trai 5 tuổi vẫn đi mẫu giáo. Nhưng trừ lúc đi lớp, thì về nhà em của Hoài cũng bị bố sai vặt liên tục. Dù còn bé, nhưng hễ bố sai làm gì mà chậm chạp, em cũng đều bị bố đánh đòn.
Có hôm vì bênh em cứ phải quỳ gối dưới đất quá lâu, Hoài đẩy em ra ngoài để thay em bóc gói lạc rang và rót từng cốc rượu và bia cho bố uống. Đến lúc bố say, ông mới đập bàn quát tháo: "Tao có khiến mày rót cho tao uống đâu, tao bảo thằng Hiếu rót cơ mà". Chỉ có vậy, mà ông đuổi Hoài ra khỏi nhà, ông cấm cửa không cho Hoài về, dù ngoài trời đang mưa phùn giá rét. Đợi mãi đến lúc bố đã ngủ say rồi, cu Hiếu mới khẽ mở cổng cho chị vào nhà.
Hoài thở dài nói: "Em là người ít nói và đã quen với tất cả những lời chửi rủa, đánh đập của bố, nên dù có chuyện gì xảy ra, em cũng không nói gì, thậm chí muốn khóc cũng khó".
Mẹ Hoài đi làm thuê, nên thường đi từ sáng tới tối mịt mới về. Mẹ biết chuyện chồng thường xuyên đánh các con, nhất là chuyện đuổi Hoài ra khỏi nhà lúc tối, nên mẹ nhiều lần về đến nhà là cãi nhau với chồng. Không ít lần, mẹ Hoài cũng bị ông túm tóc đấm đá túi bụi, khiến Hoài phải can ngăn và nhận đòn thay mẹ. "Thật sự nghe những lời mẹ nói với bố lúc cãi nhau, bênh con, xót con của mẹ mà em đau lòng lắm. Mẹ bảo mẹ ước gì mẹ đẻ được 2 thằng con trai, thì tầm tuổi con Hoài, ông chắc bị con nó đánh lại rồi, chứ không có chuyện ông hành hạ chúng nó đến tận bây giờ mà nó vẫn chịu đâu" - Hoài chia sẻ mà vẫn không hết bức xúc.
"Gia đình em thật sự không hạnh phúc. Hồi nhỏ, lúc em chưa giúp được bố nhiều việc, thì suốt ngày em phải nhìn cảnh bố say rượu bia rồi đánh mẹ, cãi nhau điếc tai. Vì bảo vệ các con, nên mẹ em đã nhiều lần bị bố bạo hành. Sau cơn say xỉn, bố vẫn xem mình là đúng, không có lỗi gì với vợ con và tiếp tục uống say những ngày hôm sau. Cứ đi học về, em thấy bố chả khác gì ác quỷ ở nhà" - Hoài cho biết thêm. Khi em học cấp 2, mẹ em phải đi làm thuê, giúp việc cho nhà người ta để lấy tiền nuôi cả nhà. Mẹ chỉ nghỉ lúc sinh cu Hiếu xong thì mẹ gửi cu Hiếu về nhà ngoại 3 năm để mẹ đi làm tiếp. Em rất thương mẹ và em Hiếu, em đã nói với mẹ muốn 3 mẹ con bỏ căn nhà đầy đau thương này đi nơi khác sống, nhưng mẹ còn chưa thể đi được".
"Em biết là mẹ rất đau buồn khi em bỏ học, nhưng em thà bỏ học đi khỏi căn nhà đó, còn hơn là phải chết ở chính căn nhà của bố mẹ mình. Em đi làm xa nhà, mong kiếm chút tiền rồi nghĩ cách cứu mẹ và em Hiếu ra khỏi căn nhà đó, thì mẹ con em mới có thể sống yên ổn được" – Hoài nghẹn ngào, ngước đôi mắt trong veo và buồn nhìn ra phía cửa. Giấc mơ áo trắng sân trường của Hoài bỗng dang dở, vì không thể chịu đựng thêm về người bố nát rượu và những trận bạo hành có lẽ là nỗi tiếc nuối nhất trong cuộc đời cô bé. Nhưng hy vọng cô bé có đủ bản lĩnh, vững vàng trước ngưỡng cửa vào đời, để một ngày kia cô có thể làm chỗ dựa cho mẹ và em trai có cuộc sống êm đềm hơn như cô mong ước.