Sự bất bình đẳng giới không chỉ tạo gánh nặng cho chị em mà anh em cũng bị chèn ép chẳng kém.
Dưới đây là những nỗi “oan khuất” đang gây áp lực cho phái mày râu:
Đàn ông không bị vợ bạo hành
Đàn ông đánh vợ cần phải được xử lý nghiêm khắc. Nhưng đàn bà đánh chồng thì đàn ông biết kêu ai? Rất nhiều nam giới bị vợ ngược đãi về tinh thần, bằng những lời lẽ cay nghiệt, độc ác, đối xử tàn tệ cũng gây hậu quả nghiêm trọng không kém. Cho nên, khái niệm bạo lực phải được hiểu đủ cả hai mặt : thân thể và tinh thần.
|
Đàn ông bị vợ bạo hành thường cắn răng không dám kêu ai (Ảnh minh họa IT).
|
Đó là chưa kể, khi phụ nữ bị ngược đãi còn có Hội Liên hiệp phụ nữ để khiếu kiện, nhưng nam giới bị vợ ngược đãi nói ra đã chẳng ai tin, huống chi muốn khiếu kiện thì đến với hội đoàn nào?
Đàn ông không được “quanh quẩn xó bếp”
Trước đây các cụ cho rằng, đấng nam nhi đội trời đạp đất ở đời không được "quẩn quanh xó bếp" mà phải coi sự nghiệp là trên hết, sau mới đến gia đình. Khi cần, vì sự nghiệp, đàn ông sẵn sàng gác lại gia đình, đẩy hết việc nhà cho vợ để lo sự nghiệp.
Ngày nay, dù đàn ông không còn chinh chiến, vợ chồng cùng chung lung lao động, đóng góp kinh tế cho gia đình ngang ngửa nhau. Nhưng vẫn còn nhiều cha mẹ không dạy con trai cách nấu ăn, đi chợ, dọn rửa bát đĩa vì cho đó là việc đàn bà. Trong khi đó chúng ta lại khuyến khích con gái học giỏi và đi làm ngoài xã hội như nam giới, tức là phụ nữ cũng phải có sự nghiệp. Nếu cả hai giới đều hướng vào sự nghiệp thì gia đình bỏ cho ai? Phải chăng vì thế mà con không ai chăm, cơm không ai nấu, nhà của bừa bộn, vợ chồng mâu thuẫn và kết quả là tỷ lệ ly hôn gia tăng?
Cho nên muốn giải phóng phụ nữ không có cách nào khác hơn là khuyến khích đàn ông chia sẻ việc nội trợ với vợ và tất nhiên anh ta phải được giảm bớt đi cái gánh nặng sự nghiệp. Với đàn ông hiện đại, sự nghiệp và gia đình đều quan trọng như nhau. Thành công trong sự nghiệp mà gia đình lủng củng, tan vỡ, vợ con bỏ đi, có thể coi là đàn ông hoàn hảo được không? Vì thế, gia đình phải là một trong hai mục tiêu chính của đời người đàn ông, nó đứng ngang hàng với sự nghiệp. Chỉ khi mọi người nghĩ như vậy đàn ông mới vui vẻ chia sẻ việc gia đình với vợ, tạo điều kiện bình đẳng cho phụ nữ và như thế mới giải phóng được phụ nữ.
Đàn ông phải thành đạt
Không ít đàn ông khổ sở vì bị vợ coi thường là “không thành đạt”. Điều này chất lên vai nam giới một gánh quá nặng. Những người đàn ông bình thường cảm thấy không những bị cha mẹ, vợ con, bạn bè coi thường mà chính bản thân cũng mặc cảm là mình kém cỏi.
Điều ngược đời là không ít đàn ông vì tự ti mình không “thành đạt”, không làm quan, kiếm tiền không giỏi mà trở nên thô lỗ, cục súc và trút giận vào vợ. Người vợ vừa bươn chải kiếm tiền, gánh vác gia đình mà vẫn bị chồng đánh mắng chỉ vì dám “thành đạt” hơn chồng.
Vì thế, muốn giải phóng phụ nữ thì cũng cần cởi trói cho đàn ông khỏi những gánh nặng “trụ cột gia đình”, “anh hùng cái thế”.
Đàn ông không được yếu đuối
Vì lẽ gì đàn ông chỉ được cười mà không được khóc? Nếu họ khóc bị coi là "như đàn bà". Cứ phải luôn luôn cứng rắn mới là đàn ông. Thành thử nam giới cứ phải kìm nén tình cảm thực của mình, điều đó không có lợi cho sức khỏe. Nó có thể bị ức chế tâm lý, sinh ra trầm cảm khiến tuổi thọ bình quân hiện nay kém phụ nữ 7 năm.
Vì thế, đàn ông hiện đại cũng có quyền yếu đuối mà không sợ ai bảo là đàn bà. Tạp chí “Paris Match” của Pháp số ra gần đây đã chụp được ảnh 5 người đàn ông đang rơi lệ mà toàn những người nổi tiếng. Họ còn được phụ nữ đánh giá là những đàn ông giàu tình cảm, đáng yêu.
Phải chăng, giải pháp đúng đắn hiện nay là cần phải tăng cường sự hiểu biết cảm thông giữa hai giới nam và nữ. Giải phóng phụ nữ đồng thời giải phóng nam giới song song với nhau, nắm tay nhau cùng tiến đến sự bình đẳng hoàn toàn.