Nhớ về đám cưới của mình năm 1986 và những đám cưới cùng thời, nhà văn Lê Tự (SN 1955), tác giả của tập truyện ngắn "Đời quân tử" cho rằng, đó là những đám cưới vô cùng giản dị.
Tuy vậy, tất cả vẫn phải tuân theo các quy định chung của nhà nước. Nhà văn Lê Tự cho biết thêm, thời bao cấp, muốn lấy vợ lấy chồng thì phải có bà mai mối.
|
Nhà văn Lê Tự |
Ông kể: “Tôi có người bạn, anh ấy lấy vợ ngay sát dậu mùng tơi nhưng vẫn phải nhờ tới bà mối. Bà mối được coi là người quan trọng sau bố mẹ. Các cặp đôi có thể được tác thành hay không là nhờ cách nói của bà mối.
Một lời nói của người này có giá trị hơn tất cả những lời có cánh nào của tuổi trẻ. Vì thế những cặp đôi sau khi được tác thành, ngày lễ, ngày Tết đều phải đến chúc nhà bà mối. Ngày cưới, bà mối cũng phải được một cái đầu lợn”.
Nhớ lại chuyện kết hôn và tình yêu thời bao cấp, nhà văn Lê Tự cho rằng, đối tượng đắt chồng nhất là những cô gái bán hàng trong cửa hàng thương nghiệp.
Ông lý giải: “Thời đó, toàn xã hội đều phải mua theo diện phân phối. Hệ thống cửa hàng của nhà nước phân phối lương thực và thực phẩm. Vì vậy, các cô gái bán hàng trong hệ thống cửa hàng này là những người được các chàng trai nhắm đến.
Thế mới có chuyện, một chàng trai cưới được cô vợ làm trong cửa hàng thương nghiệp mà cả họ mừng. Ai cũng nghĩ, từ nay đi mua hàng sẽ không phải xếp hàng, lại mua được đồ ngon hơn người khác.
Con cái của những người có mẹ làm trong cửa hàng sẽ không sợ bị suy dinh dưỡng...”.
|
Nhà văn Lê Tự cho rằng, thời bao cấp, đối tượng đắt chồng nhất là những cô gái bán hàng trong cửa hàng thương nghiệp. Ảnh tư liệu |
Theo ông Tự, đối tượng đắt chồng thứ hai là những người làm nghề giáo và thứ ba là những cô gái hiền lành, chất phác.
“Thời xưa, kén dâu kén rể người ta đều hướng tới những cô gái/chàng trai hiền hậu, thật thà” - nhà văn SN 1955 chia sẻ.
Về việc tổ chức đám cưới thời hợp tác xã, nhà văn này cho biết thêm: “Đám cưới được tổ chức rất đơn giản. Ai cưới vợ hay lấy chồng đều phải đến báo cáo với xã. Xã sẽ cấp cho cặp đôi một chiếc giấy giới thiệu ra cửa hàng thương nghiệp để mua 2 kg kẹo, mấy gói chè và mấy bao thuốc.
Việc ăn uống đám cưới rất ít, chủ yếu chỉ có liên hoan trong gia đình. Những gia đình có điều kiện có thể làm chục mâm cỗ để mời anh em họ hàng. Những trường hợp ít có điều kiện có khi chỉ mổ mỗi con gà.
Ông Tự kể: “Năm 1986, đám cưới của tôi được tổ chức ở cơ quan. Vợ tôi nuôi được mấy con gà. Ngày cưới chúng tôi chỉ mổ 2 con gà nhưng làm thành 6 mâm cỗ để mời cả cơ quan”.
Về việc tổ chức đám cưới, nếu là người làm việc nhà nước thì người đứng lên điều hành đám cưới là lãnh đạo cơ quan. Còn không, ở đám cưới chỉ có 1 người đứng lên giới thiệu. Các anh chị em bạn bè đoàn thể ngồi uống nước, uống trà sau đó là văn nghệ, hát hò.
Ông nói thêm: “Đám cưới thời bao cấp hầu như người ta không mừng nhau bằng tiền. Tất cả mọi người đều tặng nhau bằng vật chất. Chủ nhà sẽ chuẩn bị một chiếc bàn lớn để người dân mang tặng phẩm đến và đặt tại chiếc bàn đó. Tặng phẩm có thể là đôi gối, cái xoong, cái màn, cái phích, chiếc đèn, cuốn sổ…”.
|
Hình ảnh trong đám cưới xưa. Ảnh tư liệu |
Trang phục cưới theo định nghĩa của thanh niên thời đó là chỉn chu, phẳng phiu, khác hơn so với ngày thường. Cô dâu mặc áo dài, chú rể diện comple. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để may đo bởi giá thành may áo dài, comple rất đắt (khoảng 70 - 100 đồng/bộ trong khi lương nhà nước chỉ khoảng 50 đồng/tháng). Vì thế, hầu hết trang phục cưới của cô dâu chú rể là mượn lẫn của nhau.
“Người may đầu tiên sẽ may lớn hơn 1 - 2 size (cỡ) để sau này còn cho bạn mượn”- nhà văn Lê Tự nói. Thế nhưng theo nhà văn Lê Tự, trong đám cưới thời xưa những khó khăn thiếu thốn đó chưa phải là nỗi khổ lớn nhất đối với các cặp vợ chồng trẻ.
Theo ông, thời kỳ khó khăn đó, không phải cặp vợ chồng nào cũng có một đêm tân hôn trọn vẹn, thoải mái ...