Mổ “sống” để cứu bệnh nhân
Ngày 20/5, BSCK II Lê Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại I đã phẫu thuật 2 lần thành công cứu sống bệnh nhân nữ bị ung thư buồng trứng khổng lồ (28kg) chèn ép suy hô hấp nặng.
|
BSCK II Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đang khám cho bệnh nhân Nguyễn Thị N.T. trước mổ lần 2. |
Trao đổi với KH&ĐS, BSCK II Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho hay, bệnh nhân là chị Nguyễn Thị N.T. (38 tuổi ở huyện Củ Chi, TPHCM), nhập viện với tình trạng khối bướu ổ bụng khổng lồ chèn ép gây khó thở nặng. Các bác sĩ kíp trực đã tiến hành sơ cứu và bệnh nhân bớt khó thở nhưng đến sáng ngày hôm sau thì lại trở nặng khó thở, không thể nằm mà chỉ ngồi, bụng to như cái trống, vòng bụng ngang 130cm dài từ xương mu đến hõm ức 70cm, bè ra 2 bên hông mật độ căng cứng như sắp vỡ.
BSCK II Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: “Trước tình trạng cấp cứu của bệnh nhân, tôi đã xin ý kiến với Ban Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu và được đồng ý tìm mọi cách để cứu chữa. Sau đó, bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm và hội chẩn khẩn với các khoa tim mạch, hô hấp, huyết học, gây mê hồi sức... các chuyên gia đánh giá nguy cơ phẫu thuật rất cao và nhất là không có thể gây mê được, thậm chí không thể gây tê tuy sống. Nhưng bệnh nhân lên cơn khó thở co kéo các cơ hô hấp phụ, vã mồ hôi, tay chân lạnh, mạch huyết áp bắt đầu thay đổi. Đánh giá bệnh nhân có thể tử vong do bướu chèn ép phổi (trên phim X-quang Bướu đẩy phổi lên cao trên 3/4 phổi 2 bên) nên dù ngày nghỉ nhưng Ban Giám đốc bệnh viện vẫn hỗ trợ đồng ý cho phẫu thuật cấp cứu. Vì nếu không mổ giải áp thì bệnh nhân sẽ tử vong ngay trong vòng vài giờ”.
|
BSCK II Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM và đại diện Báo KH&ĐS TPHCM trao tiền hỗ trợ bệnh nhân Nguyễn Thị N.T. |
BSCK II Nguyễn Văn Tiến xúc động kể lại: “Bệnh nhân được đưa lên phòng mổ trong tư thế ngồi thở dốc nên tôi quyết định gây tê tại chỗ và rạch da vào ổ bụng. Tôi nhanh chóng thám sát bướu đánh giá đây là loại bướu đặc nhầy không có dịch. Tiến hành lấy bướu rất khó khăn. Sau hơn 2 giờ lấy ra được khoảng 8kg bướu nhầy như mủ gòn. Ê kíp phẫu thuật và ê kíp gây mê hồi sức căng thẳng theo dõi bệnh nhân. Sau khi chuyển hồi sức tích cực, bệnh nhân đã khoẻ, hết khó thở, nằm thẳng được. Sau 1 tuần thì chúng tôi đã tiến hành cuộc mổ lớn và lấy hết được khối bướu khổng lồ nặng hơn 20kg”.
Ung thư buồng trứng thường phát hiện muộn
BSCK II Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận những bệnh nhân bị ung bướu nặng, giai đoạn trễ vì đến muộn hay do các bệnh viện tuyến dưới sau khi phẫu thuật thấy khối u to quá hoặc phức tạp quá thì họ đóng lại và chuyển lên. Có những ca mất máu rất nhiều, có trường hợp phải truyền cả 6 lít máu, dùng cả trăm miếng gạc để thấm máu, huy động cả các khoa khác cùng tham gia phẫu thuật vì khối bướu đã xâm lấn nhiều cơ quan nội tạng khác, ca phẫu thuật căng thẳng nhiều giờ. Bệnh nhân đến trễ khiến cho việc điều trị khó hơn, thời gian điều trị lâu hơn, chi phí tốn kém hơn, tình trạng di căn và tái phát cũng cao.
|
Báo KH&ĐS trao 13 triệu đồng hỗ trợ bệnh nhân! |
BSCK II Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Ung thư buồng trứng là một loại thường gặp ở phái nữ, bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong tất cả các ung thư đường sinh dục. Mỗi tuần, Khoa Ngoại I tiếp nhận khoảng 50 - 70 ca bệnh thì 10% là những ca bệnh nặng, khó nên các bác sĩ trong khoa cùng các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức, Huyết học... phải hội chẩn rất kỹ cho các ca bệnh này. Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư không đơn giản chỉ là mổ và lấy khối u ra mà các bác sĩ phải cắt bỏ khối u cùng những chỗ bị xấm lấn. Đặc biệt là các khối bướu nằm trong ổ bụng thì dễ lan rộng và xâm lấn các cơ quan quan trọng xung quanh gây nguy hiểm tính mạng. Phẫu thuật lớn đôi khi phải cắt bỏ ruột, bọng đái, mở hậu môn nhân tạo hoặc đường niệu ra da vĩnh viễn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống và bệnh vẫn có thể tái phát hoặc di căn xa. Bình thường nếu ca bệnh ở giai đoạn sớm thì ca mổ chỉ mất 60 - 90 phút nhưng những ca giai đoạn trễ thì thời gian mổ kéo dài hơn và cuộc mổ rất khó khăn, rất nguy hiểm.
BSCK II Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM trăn trở: “Chỉ riêng 1 năm qua, Khoa Ngoại I đã phẫu thuật cho cả chục bướu khổng lồ, có cân nặng từ 19 - 40kg/bệnh nhân. Hầu như họ đều là người có hoàn cảnh khó khăn. Rất cần sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể như đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, chính quyền địa phương... cùng chung tay với bác sĩ nhằm giúp người bệnh được phát hiện sớm và tạo điều kiện cho họ được chữa trị sớm”.
Sau khi được phẫu thuật 2 lần, bệnh nhân Nguyễn Thị N.T. đã hồi phục sức khoẻ, đi lại và ăn uống được. Các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân qua Khoa Nội để tiếp tục hóa trị. Được biết, do hoàn cảnh khó khăn nên Ban Giám đốc Bệnh viện cũng đã tạo điều kiện để bệnh nhân N.T. được phẫu thuật thành công cũng như thuốc men, đảm bảo dinh dưỡng sau phẫu thuật.
Cơ quan thường trú Báo KH&ĐS tại TPHCM đã trao tổng số tiền 13.000.000đ (mười ba triệu đồng chẵn) của bạn đọc báo đến bệnh nhân Nguyễn Thị N.T. có khối bướu khổng lồ là 10.000.000đ (mười triệu đồng) và bệnh nhân Phạm Văn L. bị ung thư da mặt giai đoạn cuối, có 2 con nhỏ là 3.000.000đ (ba triệu đồng) nhằm hỗ trợ họ vượt qua khó khăn và có thêm sức khoẻ để điều trị bệnh. Báo KH&ĐS xin chân thành cảm ơn bạn đọc: Anh Trương Thuận, chủ hệ thống nhà hàng làng nướng Nam Bộ; BS Tr., Bệnh viện Truyền máu & Huyết học TPHCM; ông Lê Tây, Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai…
Mời quý độc giả xem video tai biến y khoa (nguồn VTV):