Không sân khấu, không ban nhạc, không ca sĩ, không đổi xiêm y, không vòng vàng... những điều là lạ ấy đã diễn ra trong đám cưới của Hà và Đại (nhân viên văn phòng và kinh doanh) tại TPHCM. Không gian tiệc được bài trí đơn giản, mọi người bên nhau ăn uống, chuyện trò, nghe nàng dâu đàn hát.
Sự huyên náo, ồn ào thường thấy ở những đám cưới nhường chỗ cho không gian ấm cúng, chân tình. Cha mẹ đôi bên cũng hòa mình trong những trò chơi của con trẻ để hiểu nhau hơn, chuẩn bị cho một sự bắt đầu mới của cả hai thế hệ.
|
Không gian đám cưới đơn giản của chị Hà và anh Đại ở TPHCM |
Một tuần trước, đám cưới gọn ghẽ và ấm cúng của cô dâu Trần Thanh Phương ở Đà Lạt cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Không gian lãng mạn, như trong cổ tích, tiệc cưới chỉ có cha mẹ hai bên và bạn bè thân của cô dâu, chú rể. Họ chúc tụng, hát tặng nhau, khách và chủ nhìn rõ mặt trong khoảng cách gần. Dư âm hôn lễ đọng trong lòng những người chứng kiến một cảm xúc nhẹ nhõm, vui vẻ và trọn vẹn.
Xu hướng đám cưới đơn giản, khác hẳn mô típ truyền thống đủ đầy lễ nghi, tiệc tùng từ lâu đã được nhiều cặp đôi chọn, đặc biệt từ sau mùa dịch COVID-19. Tối giản các phần thủ tục giúp đám cưới không quá áp lực, tiết kiệm sức lực người trong cuộc, giảm gánh nặng tài chính.
Ngoài những cặp đôi công nhân, lao động nghèo cần tiết kiệm chi phí cưới để tránh nợ nần, nhiều cô dâu chú rể hiện đại cho biết, họ đủ tiền để "đám cưới to", nhưng cảm giác về một đám cưới quá lộng lẫy hoa đèn, nhiều phần lễ lạt múa hát mang tính hình thức và phô diễn không hợp với cuộc sống và phong cách của họ, của bạn bè đồng nghiệp họ. Việc mời đông khách khứa cũng liên quan tới phần "trả lễ" lâu dài, là điều nhiều người trẻ không hề thích.
Thay cho sự đầu tư số lượng cỗ bàn hay số váy cưới, vòng vàng, họ chú trọng đến chiều sâu như: thiệp mời độc đáo, ý nghĩa, món ăn ngon, chất lượng, không gian lãng mạn, sang trọng... “Trong hôn lễ, ngồi trước mặt tôi là bạn bè thân, xung quanh tôi là người yêu thương bao năm qua và gia đình. Hạnh phúc lớn đến từ những điều rất nhỏ. Không gian nhỏ, đám cưới đơn giản nhưng ai cũng thấy ấm áp. Đó cũng là điều tôi mong ước từ những ngày bắt đầu nghĩ về đám cưới”, cô dâu Trần Thanh Phương nói.
Chị Việt Nga - mẹ cô dâu Hà chia sẻ: “Từ đầu, chúng tôi đã ủng hộ quyết định này của các con vì không thích rườm rà, khoa trương nhưng vẫn phải đảm bảo trang nghiêm, đúng nghi lễ. Ngày vui của các con nên chúng tôi muốn dành trọn vẹn cho con. Đó là dịp để các con được đoàn tụ với bạn bè, tận hưởng hạnh phúc khởi đầu cho cuộc sống gia đình. Chúng tôi muốn khách đến tiệc cảm nhận được không khí vui vẻ trọn vẹn, chứ không chỉ ăn uống, ra về”.
Người trẻ ngày nay và cả các bậc cha mẹ hiện đại ở thành phố lớn không còn nặng nề tâm lý cưới to - cưới nhỏ. Hạnh phúc là của cặp uyên ương, nên cô dâu chú rể cũng làm chủ chuyện cưới xin, thay cho những quan niệm như "cưới vợ cho con", tổ chức đám cưới cho con".
Theo một cuộc khảo sát của The Knot - đơn vị chuyên lập kế hoạch đám cưới, có đến 92% bạn trẻ (tuổi từ 14-23) muốn tự bỏ tiền tổ chức đám cưới, không xin cha mẹ, gia đình. 87% trong số đó muốn hôn lễ mang dấu ấn của riêng họ, có thể chỉ thêm chút phá cách vào đám cưới truyền thống từ thời ông bà, cha mẹ. Trong số đó, lại có 24% muốn sáng tạo những điều mới mẻ cho sự kiện cưới xin của họ.
Nhưng không phải cha mẹ nào cũng sẵn sàng đối diện với sự thay đổi này. Không ít đám cưới đã biến thành cuộc xung đột bởi sự khác biệt tư duy giữa hai thế hệ, trong đó người trẻ muốn làm chủ ngày vui của mình, còn cha mẹ, ông bà vẫn giữ quan điểm đám cưới là chuyện của "người lớn", của họ hàng hai bên.
Nhìn những hôn lễ đơn giản, ấm cúng trên mạng, Thùy Nhi - một cô nhân viên ở Đồng Tháp tiếc nuối. Cô từng nghĩ ngày lên xe hoa sẽ chỉ có cha mẹ hai bên, vài người bạn thân. Cô sẽ mặc chiếc áo cưới trắng đơn giản, được vui chơi cùng bạn bè. Nhưng thực tế khác hoàn toàn.
Nhi không thể làm trái ý cha mẹ vì gia đình cô làm ăn lớn, quan hệ rộng. Qua nhiều lần thuyết phục, danh sách khách mời được gia đình cắt giảm từ 700 xuống còn 400. Trong đó bạn bè và đồng nghiệp của Nhi chưa đầy 4 bàn. Tiệc tàn, cô dâu chỉ nói được đôi lời cảm ơn với bạn bè, rồi nhai vội mấy mẩu bánh mì trong sự mệt mỏi. Nhi cũng không nhớ nổi những người cô đã gặp trong đám cưới là ai, đã nói với họ những gì.
Hôn lễ là việc đánh dấu, thông báo cho một sự kiện lớn của đời người. Có người thích ấn tượng, sôi động, có người thậm chí không thích tổ chức đám cưới, chỉ cần đăng ký kết hôn là xong, cuộc sống chung và hạnh phúc sau đó mới là quan trọng.
Suy cho cùng, hình thức đám cưới ra sao, quy mô to nhỏ thế nào là quyền lựa chọn chính đáng của cá nhân, miễn không vi phạm các điều mục quy định về văn hoá lối sống, vi phạm thuần phong mỹ tục, không xa hoa lãng phí...
Tôn trọng truyền thống văn hoá, cân nhắc với điều kiện, hoàn cảnh và quyết định cuối cùng nên là một quyết định khiến cô dâu chú rể - hai chủ thể của cuộc hôn nhân cảm thấy hài lòng. Các thế hệ trong gia đình nếu tôn trọng nhau, sẽ tìm ra tiếng nói chung, để đảm bảo rằng hình thức hôn lễ mang đến hạnh phúc, không gây ra sự tổn thương, tiếc nuối nào.