Sau một thời gian dài đằng đẵng chờ đợi, cuối cùng thì Nguyễn Thị Phượng (SN 1990, trú tại xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng đã được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân đầy máu và nước mắt của mình.
Cô mừng trong lòng vì được nhận nuôi đứa con mà mình đã dứt ruột đẻ ra. Tuổi đôi mươi, lại gặp bất hạnh trong hôn nhân quá sớm nên Phượng càng âm thầm sống khép kín. Gặp lại, cô gái ấy lại càng ít nói hơn trước, trên khuôn mặt của thiếu phụ trẻ hằn lên những nét cam chịu.
Trước đó chính Phượng đã từng điện cho phóng viên cầu cứu nhờ can thiệp để ly hôn người chồng vũ phu, vô trách nhiệm của mình. Cô cho biết đã nộp đơn ly hôn lên Tòa án Nhân dân huyện từ năm 2012 nhưng chưa được giải quyết.
Khi ấy Phượng cưới chồng cũng vừa được vẻn vẹn 2 năm nhưng Phượng không thể chịu đựng nổi cuộc hôn nhân này nên kiên quyết ly hôn. Phượng nói: “Em yêu chồng, thương con nhưng thực sự là không thể chịu nổi cảnh này nữa rồi”.
Cuộc hôn nhân của Phượng cũng bình thường như bao cuộc hôn nhân khác. Không theo đuổi sự nghiệp học hành nên học hết cấp 3 Phượng nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ.
Vốn là một cô gái có nhan sắc nên Phượng được nhiều chàng trai theo đuổi tán tỉnh. Đến năm 2010, khi vừa bước vào tuổi đôi mươi thì Phượng đồng ý yêu và cưới người con trai ở thôn bên hơn cô 2 tuổi.
|
Chị Nguyễn Thị Phượng, SN 1990. |
Cuộc hôn nhân diễn ra trong niềm vui của đôi trẻ và họ hàng hai bên. Cưới nhau xong hai vợ chồng ra ở riêng. Phượng buôn bán ở chợ còn chồng thì làm nghề thịt chó để bán cho các nhà hàng, quán ăn cùng bố vợ. Cuộc sống khá ổn định và lại càng hạnh phúc khi Phượng có được một cậu con trai bụ bẫm.
Cuộc sống êm đềm hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi chồng Phượng bỗng dưng “đổ đốn” lao vào chơi bời game, cờ bạc, bỏ bê công việc, vợ con. Mặc cho vợ mới sinh, còn đang yếu đuối, chồng Phượng chẳng thèm ngó ngàng mà say sưa tối ngày với những trò đỏ đen.
Có bao nhiêu tiền làm được chồng Phượng đều nướng hết vào thú vui cờ bạc. Chồng Phượng cũng chẳng chịu đi buôn bán làm ăn gì cả. Vì thế mà hoàn cảnh gia đình Phượng lâm vào cảnh túng thiếu, Phượng phải vừa bồng con vừa buôn bán kiếm ăn nuôi sống cả nhà.
Làm mẹ khi còn trẻ nhưng một tay Phượng lo lắng cho gia đình. Cô tâm sự: “Con ốm, vợ ốm, anh ta cũng không cần biết. Có những lần cả hai mẹ con đều mệt mỏi nhưng em vẫn phải bồng con ra chạy chợ để lấy tiền ăn”.
Đã nhiều lần Phượng ôm con bỏ về nhà vì không khuyên bảo được chồng, bị đánh đập nhiều. Vì thương con, yêu chồng, lại muốn giữ gìn mái ấm cho con, nên chỉ bỏ đi một vài ngày Phượng lại quay lại.
Còn chồng Phượng thì mặc Phượng đi hay ở hắn cũng chẳng quan tâm. Những thú vui đã chiếm hết tâm trí của gã chồng vô trách nhiệm...