Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 22 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (51.742/17) số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 05 trường hợp
Tại khu vực Hà Nội: tính đến 09/8/2017, toàn thành phố đã ghi nhận 13.982 mắc/5 tử vong tại Hoàng Mai (2); Đống Đa (1); Ba Đình (1); Hà Đông (1). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 QH, 532/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 91% số xã, phường); hiện tại còn 366 phường (chiếm 63% tổng số XP) ghi nhận bệnh nhân mắc chưa qua 14 ngày; số mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ 2016 (581/0) do dịch đến sớm hơn 3 tháng. Số bệnh nhân đang còn phải điều trị tại BV là 1.673 trường hợp (12% tổng số BN), còn lại đều đã khỏi bệnh. Typ vi rút lưu hành: D1, D2, D4.
Trong đó có 10 QH có số mắc cao nhất là: Đống Đa (2.548/1); Hoàng Mai (2.483/2); Hai Bà Trưng (1.252); Thanh Xuân (1.077); Hà Đông (841/1); Cầu Giấy (829); Thanh Trì (753); Ba Đình (711/1); Nam Từ Liêm (499); Thanh Oai (454).
Tính đến 09/8/2017, toàn thành phố đã ghi nhận 1.538 ổ dịch tại 25/30 QH, 241/584 XP. Tổng số BN trong ổ dịch là 3.580 BN (chiếm 25.6% tổng số BN); trong đó hầu hết là các ổ dịch nhỏ, cụ thể: 1191 ổ (77%) có 1-2 bệnh nhân; 272 ổ (18%) có 3-5 bệnh nhân; 50 ổ (3%) có 6 - 10 bệnh nhân; 25 ổ có trên 10 bệnh nhân. Hiện tại còn 285 ổ dịch chưa kết thúc phân bố chủ yếu tại Đống Đa và Hoàng Mai.
Nguyên nhân, nhận định
- Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, tại khu vực miền Nam cả nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh; sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí, một số nơi bệnh gia tăng do nhiều năm không có dịch do đó miễn dịch cộng đồng giảm.
- Dịch bệnh tại Hà Nội đang tăng nhanh, tăng cao và xảy ra trên diện rộng, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng và kéo dài vì một số nguyên nhân sau:
+ Thứ nhất là do nền nhiệt độ trung bình năm 2017 của khu vực miền Bắc cao hơn các năm trước, nhiệt độ ấm ngay từ đầu năm, mùa mưa đến sớm tạo thuận lợi cho muỗi phát triển; điều kiện vệ sinh môi trường, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu lán trọ, nhà tập thể cũ, các khu đất trống xen kẹt, công trường với nhiều dân vãng lai đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn.
+ Bên cạnh đó ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch (tại Hà Nội, 10% hộ gia đình đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất).
+ Tác nhân gây bệnh là vi rút Dengue có 4 týp là D1, D2, D3, D4; các năm trước tại Hà Nội chỉ ghi nhận hai týp gây bệnh là D1 và D2, hiện nay đã phát hiện thêm týp D4 vì vậy sẽ làm tăng nguy cơ số trường hợp mắc bệnh.
- Dự báo thời gian tới dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết thuận lợi cho véc tơ phát triển.
|
Diễn biến số mắc theo tháng tại Hà Nội từ 2006 đến nay |
Hoạt động đã triển khai
Tại Trung ương
1. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1106/CĐ-TTg chỉ đạo các địa phương về phòng chống sốt xuất huyết.
2. Tổ chức 7 đoàn kiểm tra đi chỉ đạo 14 tỉnh trọng điểm. Trong đó đã có đoàn kiểm tra của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Bí thư thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế đi kiểm tra Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu năm 2017. Văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống và tổ chức tập huấn về sốt xuất huyết cho cán bộ y tế ở tất cả các tuyến.
4. Tổ chức 02 hội nghị quốc gia, 04 hội nghị khu vực về phòng chống dịch bệnh cho tất cả hệ thống dự phòng và khám chữa bệnh tuyến tỉnh, hội nghị với 38 tỉnh trọng điểm về sốt xuất huyết ngày 20/7/2017, hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh có nguy cơ xảy ra mùa lụt bão ngày 24/7/2017, họp bàn về các giải pháp kỹ thuật với các Viện và các chuyên gia ngày 09/8/2017.
2. Công tác dự phòng: Chỉ đạo các địa phương đảm bảo công tác giám sát, thực hiện điều tra dịch sớm, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Thí điểm các biện pháp phòng chống mới trong phòng chống sốt xuất huyết như phun tồn lưu và phun mù nóng, tiếp tục thí điểm áp dụng tác nhân sinh học Wolbachia gây nhiễm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
3. Công tác điều trị: Chuẩn bị tốt việc thu dung điều trị, thuốc men, cơ số phòng chống dịch, sẵn sàng thu dung tất cả các trường hợp bệnh sốt xuất huyết khi nhập viện, thực hiện việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị để tránh quá tải, nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.
4. Công tác truyền thông: Thường xuyên cập nhật tình hình và phát các thông điệp tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết trên tin nhắn điện thoại, báo điện tử, đài truyền hình, đài phát thanh, đăng tin trên website của Bộ Y tế. Tổ chức chiến dịch truyền thông và các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết 15/6. Chỉ đạo các địa phương phát động Chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chiến dịch trong tháng 7-8/2017.
5. Chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn sàng hóa chất, vật tư, trang thiết bị và nhân lực phòng chống dịch. Bộ Y tế đã cấp hỗ trợ các địa phương 10.220 lít hóa chất diệt muỗi, 3.250 bộ trang phục phòng chống dịch, 500 hộp hóa chất diệt ấu trùng muỗi và 160 bộ dụng cụ điều tra côn trùng.
Tại địa phương
Các địa phương thực hiện đầy đủ, đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tới tất cả các xã, phường, phun hóa chất chủ động, xử lý trên 96% ổ dịch sốt xuất huyết; 35 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy quy mô lớn; tiến hành xử phạt tại Thành phố Hồ Chí Minh (149 trường hợp) và Hà Nội (02 trường hợp); tổ chức 90 lớp tập huấn; các địa phương đã tổ chức hơn 4.000 lượt giám sát; thành lập đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Các hoạt động trọng tâm trong thời gian tới
Để chủ động và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung vào một số nội dung công việc sau:
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
- Chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đồng loạt ra quân triển khai chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng.
- Bộ Y tế cử 4 đoàn của 2 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện SR-KST-CT Trung ương tăng cường hỗ trợ cho 4 quận của Hà Nội.
- Tổ chức tiếp 6 đoàn của Bộ Y tế đi kiểm tra 8 tỉnh trọng điểm về sốt xuất huyết.
- Cục Y tế dự phòng đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết.
- Kích hoạt văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh để đáp ứng dịch bệnh sốt xuất huyết.
- Thực hiện phun hóa chất diện rộng chủ động tại khu vực ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, khu vực có chỉ số giám sát véc tơ cao.
- Tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý ngay và triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Xác định các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để xử lý triệt để.
- Khôi phục hoạt động của mạng lưới cộng tác viên.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các đội xung kích phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn toàn thành phố trong việc loại bỏ ổ bọ gậy nguồn.
- Tăng cường phối hợp liên ngành, có thể huy động thêm các ban ngành:
+ Huy động khối công an, quốc phòng trên địa bàn phối hợp tích cực và cùng vào cuộc quyết liệt trong việc tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt trong hoạt động diệt bọ gậy lăng quăng tại các điểm nóng, hộ gia đình, tham gia các đội cùng y tế đi phun hóa chất.
+ Ngành xây dựng, ngành tài nguyên môi trường và chủ đầu tư các công trình xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các ổ đọng nước tại các công trình công cộng, công trường xây dựng. Ban quản lý công trường, Nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm nếu để còn có các ổ đọng nước có lăng quăng của muỗi truyền bệnh tại công trình xây dựng.
+ Ngành giáo dục tăng cường huy động giáo viên, học sinh, sinh viên các trường tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình, ký túc xá, nhà trọ sinh viên, đặc biệt trong tháng tựu trường sắp tới.
- Truyền thông phòng chống dịch sốt xuất huyết trên diện rộng, với nhiều hình thức và phương pháp phù hợp với đặc điểm dân cư. Đôn đốc các địa phương vận động nhân dân, cá nhân, tổ chức duy trì thường xuyên các hoạt động loại bỏ các ổ lăng quăng (bọ gậy). Tăng cường kiểm tra, xử lý thích đáng đối với cá nhân, hộ gia đình không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tích cực vận động người dân tham gia hưởng ứng phong trào phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, diệt lăng quăng (bọ gậy) và chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh 2017.
- Tổ chức tập huấn nâng cao về chuyên môn kỹ thuật về giám sát, phòng chống và điều trị cho cán bộ y tế tại cho các đơn vị y tế dự phòng và cơ sở điều trị các tuyến. Chỉ đạo công tác phân loại, phân tuyến, chuyển tuyến, thu dung điều trị, tránh quá tải, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới trong công tác điều trị để hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
- Chuẩn bị sẵn sàng, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch.