|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 30/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 512.703.328 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.258.539 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 540.087 và 2.089 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 466.572.125 người, 39.872.664 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 41.381 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 96.523 ca; Italy đứng thứ hai với 58.861 ca; tiếp theo là Pháp (52.919 ca). Anh đứng đầu về số ca tử vong mới, với 216 người chết trong ngày; tiếp theo là Đức với 186 ca và Nga 161 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 83.010,337 người, trong đó có 1.020.470 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.073.973 ca nhiễm, bao gồm 523.753 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.433.042 ca bệnh và 663.410 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 190,8 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 147,78 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 98,3 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56,78 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,89 triệu ca và châu Đại Dương 7,1 triệu ca nhiễm.
|
Người dân xếp hàng vào Thư viện trung tâm ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 23/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Nhật Bản, Australia phát hiện ca nhiễm biến thể phụ thứ tư của Omicron
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) thông báo vừa phát hiện một biến thể phụ mới của biến thể Omicron ở một bệnh nhân mắc COVID-19 đang sống tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc nước này.
Biến thể phụ mới được phát hiện thông qua quá trình phân tích gene của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID). Biến thể này là sự kết hợp giữa các biến thể phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron, nhưng lại khác với biến thể phụ XE. Theo chính quyền chính quyền Sendai, bệnh nhân nhiễm biến thể phụ mới này đã được phát hiện mắc COVID-19 vào cuối tháng 3. Người bệnh không bị ốm nặng và đã hồi phục. Hai tuần trước khi có các triệu chứng mắc COVID-19, bệnh nhân này không ra nước ngoài. Người ta không phát hiện thấy biến thể này ở những người mà bệnh nhân có tiếp xúc gần.
Cho đến nay, giới chức Nhật Bản vẫn chưa nắm rõ các đặc tính của biến thể phụ này, bao gồm cả độc lực và khả năng lây lan. Tuy nhiên, các quan chức của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) cho rằng sự tái tổ hợp gene có thể đã xảy ra khi một người nhiễm cả biến thể phụ BA.1 lẫn BA.2 bởi vì BA.2 đang chiếm ưu thế ở Nhật Bản.
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, Cơ quan y tế bang New South Wales (NSW) của Australia ngày 29/4 xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể dòng phụ BA.4 của Omicron tại bang này, là một người vừa từ Nam Phi trở về.
Số ca mắc COVID-19 đang tiếp tục gia tăng tại NSW. Bang đã ghi nhận 11.903 ca mắc mới và 7 ca tử vong mới vào ngày 29/4. Trong số 1.645 ca đang phải điều trị trong bệnh viện, có 68 ca điều trị tích cực.
Theo ông James Wood, tại Đại học Y tế cộng đồng và dược phẩm của Đại học New South Wales, dường như hàng nghìn người Australia đã tái nhiễm sau khi các biến thể kết hợp với nhau. Ông dự báo: "Chúng ta sẽ chứng kiến những biến thể dòng phụ mới, khiến số ca nhiễm tăng tại Australia trong vài tháng tới".
Trong khi đó, từ ngày 29/4, bang Tây Australia (WA) đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc, trừ tại các nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nơi chăm sóc người cao tuổi, sân bay và trên phương tiện giao thông công cộng. Các giới hạn về số người đến các địa điểm cũng được dỡ bỏ.
|
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tải lượng virus không phản ánh khả năng lây nhiễm
Một nhóm nhà khoa học của Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) đã theo dõi xu hướng tăng giảm của tải lượng virus SARS-CoV-2 trong nước bọt và khoang mũi của người vừa nhiễm virus. Các nhà nghiên cứu đã thu được hình ảnh hoàn chỉnh, phân giải cao cho thấy cách thức virus SARS-CoV-2 nhân lên và phát tán trong thời gian lây nhiễm tự nhiên. Nghiên cứu đã hé lộ một số góc nhìn liên quan đến tình trạng nhiễm virus mà các nhà khoa học vẫn chưa nắm rõ, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng và lĩnh vực sinh học.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành xét nghiệm nhân viên, sinh viên và các thành viên trong khoa hai lần/tuần vào mùa Thu năm 2020. Nhóm nghiên cứu nhận ra rằng dữ liệu xét nghiệm này có thể là kho báu cung cấp thông tin về quá trình mắc bệnh, ví dụ như biến thể của virus SARS-CoV-2 nhân lên nhanh như thế nào, sự khác biệt trong khả năng phục hồi của mỗi người. Viện Y tế Quốc gia đã hỗ trợ ngân sách để so sánh các xét nghiệm PCR (khuếch đại một đoạn ADN để phát hiện ARN của virus SARS-CoV-2) với các xét nghiệm nhanh kháng nguyên (có khả năng tìm kiếm các protein liên quan đến virus).
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong 24 giờ đầu tiên kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính, nhóm đã lấy mẫu bệnh phẩm từ dịch mũi, nước bọt của những người trưởng thanh mắc COVID-19. Tổng cộng có 60 người tham gia nghiên cứu trong độ tuổi từ 19-73 và mỗi người được theo dõi tới 14 ngày.
Một trong các tác giả, Giáo sư vi trùng học Christopher B. Brooke cho biết việc xác định một người mắc bệnh mất bao lâu mới phát tán được virus trong nước bọt hoặc khoang mũi sẽ giúp làm rõ cách thức virus lây lan và tồn tại trong cộng đồng. Để làm được điều này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng xét nghiệm vi sinh để đánh giá khả năng phát tán của virus trong mẫu bệnh phẩm. Tác giả Brooke nhấn mạnh việc phát hiện dấu hiệu của virus qua PCR hay xét nghiệm nhanh kháng nguyên không đồng nghĩa rằng virus có thể nhân lên và lây nhiễm sang người khác.
Nghiên cứu cho thấy một số người đã phát tán virus sống chỉ trong 1-2 ngày, trong khi con số này ở những người khác có thể lên tới 9 ngày. Dựa trên số liệu này, các nhà khoa học kết luận rằng những người có thể phát tán virus trong hơn 1 tuần sẽ có nguy cơ làm lây lan bệnh cao hơn so với những người chỉ phát tán được virus sống trong 1-2 ngày. Đây được xem là một phát hiện quan trọng.
Các nhà nghiên cứu cũng khám phá ra rằng tải lượng virus (có thể phát hiện bằng công nghệ PCR) trong nước bọt đạt đỉnh nhanh hơn so với các mẫu bệnh phẩm từ dịch mũi. Điều này cho thấy nước bọt có thể là khu vực lấy mẫu phẩm hiệu quả nhất để có thể phát hiện sớm việc nhiễm virus.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy sự khác biệt đáng kể nào về mức độ lây nhiễm của những biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2 và biến thể alpha. Điều này đồng nghĩa rằng khả năng lây nhiễm cao hơn của biến thể alpha không thể được giải thích qua tải lượng virus lớn hoặc lâu hết.
Cảnh báo Nam Phi bước vào làn sóng thứ 5 sớm hơn dự kiến
Ngày 29/4, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cảnh báo nước này có thể bước vào làn sóng COVID-19 thứ 5 sớm hơn so với dự kiến sau khi số ca mắc mới trong 14 ngày qua tăng ở mức ổn định.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Johannesburg ông Phaahla cho biết số ca nhập viện và tử vong tăng ở mức ổn định. Ở giai đoạn này, giới chức y tế chưa nhận được cảnh báo về bất cứ biến thể mới nào của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, ngoài những biến đổi của biến thể Omicron hiện đang chiếm ưu thế.
|
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng ngày, nhà khoa học Waasila Jassat thuộc Viện quốc gia Nam Phi về các bệnh truyền nhiễm (NICD) cho biết đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy các biến thể phụ của Omicron gây bệnh nặng hơn đáng kể. Hiện Nam Phi không đối mặt với sức ép về nhu cầu giường bệnh và oxy y tế.
Nam Phi là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 nhiều nhất tại châu Phi. Đến nay, quốc gia này ghi nhận hơn 3,7 triệu ca mắc và hơn 100.000 ca tử vong.
Bất chấp làn sóng thứ 5 đang được dự báo sẽ xuất hiện, Tổng thống Cyril Ramaphosa gần đây đã nới lỏng các hạn chế đối với dịch COVID-19, dựa trên cơ sở bằng chứng của các nhà khoa học rằng khoảng 60% đến 80% người dân nước này miễn dịch với virus SARS-CoV-2.
Cách xử trí các hội chứng hậu COVID-19
Bác sĩ đa khoa Australia, Tiến sĩ Deb Cohen-Jones đã liệt kê 7 biểu hiện hậu COVID-19 thường gặp nhất và cách khắc phục hiệu quả những triệu chứng khó chịu, bao gồm mệt mỏi, ho khan kéo dài, các vấn đề về tiêu hóa (như mất vị giác, buồn nôn và tiêu chảy), nghẹt mũi, khô da, sương mù não và mất ngủ, cùng với biện pháp đơn giản để khắc phục mỗi triệu chứng kể trên.
Cụ thể, với triệu chứng ho dai dẳng, Tiến sĩ Deb giải thích đây là một trong những di chứng hậu COVID-19 phổ biến nhất và xảy ra do viêm đường hô hấp. Nhiều bệnh nhân ho khan và dai dẳng, đặc biệt về đêm. Theo vị bác sĩ này, cách điều trị tốt nhất là sử dụng một đợt thuốc steroid dạng hít trong thời gian ngắn theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần phải được thăm khám để loại trừ nguy cơ viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Với biểu hiện mệt mỏi, bác sĩ Deb cảnh báo đây có lẽ là triệu chứng thường gặp nhất và có thể kéo dài vài tháng. Theo bà, không có biện pháp nào khắc phục nhanh triệu chứng này, cách tốt nhất là lắng nghe cơ thể bạn và nghỉ ngơi khi thấy mệt, tránh vận động quá sức trong giai đoạn phục hồi, hạn chế uống rượu bia trong những tuần sau đó và uống nhiều nước”.
Với những vấn đề về tiêu hóa, Tiến sĩ Deb khuyến cáo mọi người tránh ăn thực phẩm và nguyên liệu có chứa nhiều FODMAP như lúa mì, tỏi, hành tây và trái cây. Những người có triệu chứng này nên ăn với lượng nhỏ hơn và bổ sung B5 vào chế độ ăn uống.
|
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ, ngày 18/1/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Với triệu chứng nghẹt mũi, bác sĩ người Australia khuyến cáo nên dùng steroid dạng hít không kê đơn, súc miệng bằng nước muối và dùng thuốc kháng histamin.
Về vấn đề liên quan đến trí nhớ và chức năng của não bộ, bác sĩ Deb cho biết một số bệnh nhân của bà khó tập trung và trí nhớ suy giảm kéo dài. Các bệnh nhân cần được kiểm tra bằng xét nghiệm máu. Các hội chứng này thường được khắc phục theo thời gian. Chuyên gia này lưu ý có bằng chứng rõ ràng rằng COVID-19 có thể làm thay đổi hoặc giảm chức năng não bộ của những người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh và mắc bệnh nặng, nhưng những người khỏe mạnh và đã được tiêm vaccine thường không gặp phải điều này.
Về chứng mất ngủ, bệnh nhân nên hình thành thói quen và có hành vi cần thiết (như hạn chế giấc ngủ ngày, tránh chất kích thích hoặc thực phẩm không tốt) để có giấc ngủ ngon, dùng melatonin mỗi đêm trong một tháng và tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên vào buổi sáng.
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN |
COVID-19 thể nặng có liên hệ di truyền với các bệnh khác
Trong một nghiên cứu công bố ngày 28/4 trên tạp chí PLOS Genetics, các nhà khoa học phát hiện rằng COVID-19 thể nặng có mối liên hệ di truyền với các bệnh lý khác, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và tiểu đường- làm gia tăng nguy cơ bệnh chuyển nặng do virus SARS-CoV-2.
Theo nhóm nghiên cứu, các biến thể di truyền liên quan đến COVID-19 thể nặng, vốn khiến một số người gặp các triệu chứng tồi tệ hơn những người khác, cũng có liên quan đến các yếu tố nguy cơ vốn đã biết đối với bệnh nghiêm trọng do virus SARS-CoV-2. Những biến thể di truyền này, hoặc những biến đổi vĩnh viễn trong cấu tạo ADN của các gene đôi khi được gọi là đột biến, cũng được tìm thấy ở những người bị đông máu, mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng tìm thấy các mối liên hệ về di truyền giữa COVID-19 thể nặng với chứng giảm bạch cầu trung tính đối với người có tổ tiên gốc Phi và Tây Ban Nha, song không tìm thấy ở người có tổ tiên gốc châu Âu.
Ngoài ra, các bệnh hô hấp như xơ phổi tự phát và bệnh phổi phế nang mãn tính đều gây ra vấn đề về hô hấp, đe dọa tính mạng và có chung mối liên hệ di truyền với COVID-19 thể nặng. Tuy nhiên, các bệnh viêm đường hô hấp khác, bao gồm cả bệnh cúm và COPD, không có liên kết di truyền với COVID-19 thể nặng. Bên cạnh đó, một số biến thể di truyền có liên quan đến COVID-19 thể nặng cũng có mối liên hệ đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh vẩy nến và bệnh lupus.
|
Người dân đi mua sắm tại khu vực Causeway Bay, ngày 23/4. Ảnh: Mạc Luyện PV TTXVN tại Hong Kong |
Thủ đô Trung Quốc tăng cường truy vết ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan
Ngày 29/4, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã đóng cửa nhiều phòng tập thể dục, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim và phong tỏa các khu chung cư trong bối cảnh lực lượng chức năng tăng cường truy vết để khống chế đà lây lan của dịch COVID-19.
Quận Triều Dương, chiếm số ca mắc COVID-19 cao nhất tại Bắc Kinh và là nơi đầu tiên tiến hành xét nghiệm hàng loạt trong tuần này, đã bắt đầu đợt xét nghiệm cuối cùng đối với 3,5 triệu cư dân. Hầu hết các quận khác cũng sẽ tiến hành xét nghiệm đợt 3 trong ngày 30/4.
Quận Triều Dương đã tăng cường các biện pháp để hạn chế dịch bệnh lây lan sau khi tuyên bố nhiều khu vực lân cận có nguy cơ lây nhiễm. Những người gần đây đã lui tới những địa điểm bùng phát dịch được yêu cầu cách ly cho tới khi có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Tại các điểm xét nghiệm, các nhân viên y tế khuyến khích người dân xếp hàng chờ xét nghiệm đảm bảo đứng cách nhau 2m. Một số khu chung cư đã bị phong tỏa và một số cơ sở spa, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim và thư viện cùng ít nhất 2 trung tâm mua sắm đã đóng cửa trong ngày 29/4.
|
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Hơn 12 triệu cư dân Thượng Hải được nới lỏng hạn chế đi lại
Trong khi đó, tại Thượng Hải, chính quyền địa phương cho biết khoảng 12,38 triệu cư dân thành phố, tương đương 50% dân số thành phố, ở những vùng có nguy cơ thấp hiện được phép ra khỏi nhà. Tính đến ngày 28/4, số cư dân sống trong các khu vực có nguy cơ cao bị phong tỏa còn 5,27 triệu người, giảm 6,6 triệu người kể từ lần điều chỉnh cuối cùng vào ngày 20/4. Giới chức y tế Thượng Hải cho biết số lượng người trong các khu vực bị phong tỏa và kiểm soát rõ ràng đã giảm.
Trung tâm tài chính này hiện phân loại các đơn vị dân cư thành 3 cấp bậc rủi ro. Điều này cho phép cư dân ở khu vực không có ca dương tính trong khoảng 2 tuần có thể tham gia một số hoạt động tại địa phương.