Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 923.451 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.408 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 921.881 ca, trong đó có 819.248 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (433.069), Bình Dương (233.740), Đồng Nai (66.436), Long An (34.947), Tiền Giang (16.807).
|
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hà Giang. (Nguồn: TTXVN)
|
Tính từ 16h ngày 31/10 đến 16h ngày 1/11, Việt Nam ghi nhận 5.598 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 5.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 91 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 2.321 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.871 ca/ngày.
Tình hình điều trị
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 1/11: 1.731, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 822.065.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.962 ca.
Từ 17h30 ngày 31/10 đến 17h30 ngày 1/11 ghi nhận 48 ca tử vong, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 56 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.131 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
317 ca mắc COVID-19 cộng đồng, tỉnh Hà Giang cho học sinh nghỉ học
Thông tin từ Sở Y tế Hà Giang cho biết, trong ngày 1/11 Hà Giang ghi nhận thêm 63 ca mắc mới, trong đó có 55 ca cộng đồng và 8 ca ghi nhận tại khu cách ly.
Như vậy, tổng số ca nhiễm trong cộng đồng ghi nhận từ tối ngày 25/10 đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang là 317 ca, trong đó TP. Hà Giang ghi nhận số ca mắc cao nhất là 251 ca. Hiện nay dịch đã lan rộng đến 5 huyện, thành phố, trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong ngày 1/11, tỉnh Hà Giang đã quyết định cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cũng trong ngày 1/11, TP Hà Giang đã có quyết định tạm dừng hoạt động của Bến xe khách phía Nam TP Hà Giang.
Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách (trừ xe công vụ, xe chở người đi cách ly, xe chở chuyên gia, xe đưa đón công nhân của các doanh nghiệp và các trường hợp đặc biệt khác theo chỉ đạo của UBND tỉnh) trong địa bàn TP Hà Giang.
Khu vực Tây Nguyên dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Nhiều tỉnh Tây Nguyên liên tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Chính quyền kêu gọi mỗi người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch.
* Tại Lâm Đồng, dù đã nỗ lực khống chế nhưng vẫn xuất hiện nhiều ổ dịch mới. Địa phương đang tức tốc khoanh vùng, xử lý.
|
Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên toàn xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, Bắc Giang. (Nguồn: SKĐS)
|
Cụ thể, điểm dịch thứ nhất tại số 63 Duy Tân (thị trấn Lạc Dương, Lạc Dương, Lâm Đồng) có 5 ca mắc.
Điểm dịch thứ 2 tại thôn Tân Trung (Tân Hà, Lâm Hà) có 4 ca mắc.
Điểm dịch thứ 3 tại tổ 8 (Lộc Thắng, Bảo Lâm) ghi nhận 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, có 3 trường hợp nhiễm COVID-19 từ TP. HCM về TP. Bảo Lộc đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Như vậy, tính đến ngày 1/11, trong đợt dịch thứ thứ 4, Lâm Đồng ghi nhận 550 ca COVID-19 (có 368 ca đã điều trị khỏi, 2 ca tử vong, 1 ca chuyển tuyến). Ngành y tế địa phương kêu gọi người dân để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
* Tính từ ngày 31/10 đến ngày 01/11, tỉnh Gia Lai ghi nhận 77 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, 3 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 đi từ vùng dịch về địa phương.
Trong số 77 ca mắc mới có 27 trường hợp từ vùng dịch trở về tỉnh Gia Lai hiện đang cách ly y tế tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn của tỉnh Gia Lai. Có 25 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến ca bệnh ở Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Gia Lai, tính từ ngày 26/4 đến 01/11 trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 1.847 trường hợp mắc bệnh.
* Trong số các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk vẫn có số ca mắc COVID-19 cao nhất. Tính riêng từ chiều 31/10 đến chiều 1/11 ghi nhận thêm 244 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó, TP.Buôn Ma Thuột vẫn dẫn đầu với 72 ca (trong đó có 32 ca trong cộng đồng).
Từ ngày 27/4 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận tổng cộng 4.294 ca mắc COVID-19. Trong đó đang điều trị 2.109 bệnh nhân, đã điều trị khỏi 2.160 bệnh nhân. Có tổng 25 trường hợp đã tử vong.
Theo đánh giá của giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk, một trong những khó khăn lớn nhất là khó xác định nguồn lây. Ngành y tế địa phương đã tăng tốc khoanh vùng, khử khuẩn và cố gắng khống chế các ổ dịch, nhất là trong cộng đồng.
Trước sự gia tăng ca mắc mới, để kịp thời đáp ứng điều trị, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 3004/QĐ-UBND về việc thành lập Bệnh viện dã chiến số 2 điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện này trực thuộc Trung tâm y tế Cư Kuin có quy mô 1.500 giường, đặt tại Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, Đắk Lắk đã lập Bệnh viện dã chiến số 1 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk (Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột) với quy mô 1.000 giường.
Bắc Giang phát hiện thêm 9 ca dương tính ở khu công nghiệp
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang chiều tối 1/11, trong ngày trên địa bàn phát sinh 9 ca F0 trong doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên (đây là các trường hợp F1 đã được cách ly trước đó).
Hiện có 73 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đến nay toàn tỉnh đã tiêm được 1.287.611 liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó có 290.406 liều đã được tiêm cho công nhân trong khu công nghiệp (đạt gần 97% số lượng công nhân đã được tiêm phòng) nên hầu hết các ca mắc mới đều ở thể nhẹ, gần như không có biểu hiện bệnh.
Theo đánh giá, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn ở mức cao do Bắc Giang đang có hàng nghìn công nhân làm việc, thường xuyên đi lại giữa Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong khi các ca nhiễm mới trong cộng đồng và trong các khu công nghiệp tại Bắc Ninh cũng đang ở mức cao.
Do vậy, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo xét nghiệm COVID-19 cho 100% công nhân tại các khu công nghiệp và người dân tại các khu vực có nguy cơ cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải tổ chức xét nghiệm tầm soát theo ô bàn cờ với tần xuất 3 ngày/lần (đơn vị có nguy cơ cao là 2 ngày/ lần), mỗi lần 1/3 số lượng công nhân.
Trong đó, phải bảo đảm ít nhất trong 10 ngày người lao động trong doanh nghiệp được xét nghiệm COVID-19 một lần để kịp thời phát hiện, khống chế các ổ dịch mới có thể phát sinh.
Lý do số F0 nhập viện ở TPHCM vẫn cao dù phần lớn người dân đã tiêm vaccine
Tại buổi họp báo chiều 1/11 về tình hình dịch COVID-19, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM thông tin, theo kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất, có 13/22 quận, huyện tại TP ở cấp độ 1 (vùng xanh), 9/22 địa phương ở cấp độ 2 (vùng vàng), không còn quận, huyện nào ở cấp độ 3 (vùng cam).
Theo thông tin của ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM, trong ngày 31/10, có 624 ca nhập viện, thấp hơn những ngày trước. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 cần nhập viện vẫn ở mức cao so với số ca mắc mới được công bố hằng ngày.
Trả lời câu hỏi tại sao tỷ lệ số ca nhập viện so với số ca mắc mới trong ngày vẫn còn ở mức rất cao, từ 60-80% dù tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên tại TPHCM cao và TP cũng có chủ trương cho các trường hợp F0 tự cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, phân tích: Có 3 nguyên nhân khiến số lượng bệnh nhân nhập viện vẫn ở mức cao so với số ca F0 mới.
Đầu tiên, các cơ sở thu dung, điều trị ở địa bàn quận, huyện phải thu hẹp lại, trao trả mặt bằng cho các trường học nên một số bệnh nhân vẫn đang còn ở tại các cơ sở này được chuyển sang các bệnh viện. Tương tự, một số bệnh viện dã chiến cũng thu hẹp quy mô, giải thể, điều chuyển những bệnh nhân chưa xuất viện sang các bệnh viện khác.
Trên hệ thống giám sát của các bệnh viện, những trường hợp như trên vẫn được tính là ca nhập viện mới dù thực tế đó vẫn là bệnh nhân. Những trường hợp này không tạo thêm áp lực điều trị vì tổng số bệnh nhân trong thực tế không tăng.
Thứ hai, khi các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy hoạt động trở lại, những đơn vị này sẽ thực hiện quy trình về xét nghiệm đã được hướng dẫn, đặc biệt là với công nhân từ các tỉnh trở lại TPHCM làm việc.
Theo quy định, nếu công ty, xí nghiệp đủ điều kiện, có thể cách ly F0 ngay tại đơn vị. Tuy nhiên, theo bà Mai, đa phần các xí nghiệp không đủ điều kiện để cách ly F0 tại chỗ nên đề xuất đưa những trường hợp xét nghiệm dương tính vào các bệnh viện điều trị để đảm bảo an toàn cho công nhân, nhân viên.
Cuối cùng, bà Mai cho rằng, nhiều người lao động tại TPHCM sinh sống ở các khu nhà trọ chật hẹp, những khu vực chưa đủ điều kiện để cách ly tại nhà. Do đó, có trường hợp cần đưa vào các khu thu dung, bệnh viện để điều trị tốt hơn.