Không ít người trẻ tuổi ngày càng trở nên ích kỷ, họ sinh con ra rồi đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc con cái cho ông bà. Khi không nhờ được ông bà thì họ buông lời nặng nhẹ, chê trách, hờn giận. Cha mẹ đã một đời vất vả, tới tuổi già phải được nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống. Họ đã nuôi con mình, sao còn phải chăm cả cháu?
Chị C.T., 28 tuổi, làm việc tại Q. Tân Bình (TPHCM) mang thai gần tới ngày sinh nở. Chị hay than thở khi ngồi với bạn bè "mẹ mình chán lắm". Hôm vừa rồi, vợ chồng chị ngỏ ý muốn mẹ sang ở chung mấy tháng để trông bé, nhưng bà từ chối.
|
Trách nhiệm trông cháu đâu phải của ông bà, con ai đẻ ra người ấy tự chăm sóc mới là thuận theo lẽ thường. (Ảnh minh họa). |
“Có ai như mẹ em không? Người ta ở cữ còn về ở luôn nhà mẹ đẻ để mẹ đỡ đần cho. Thế mà mẹ em không đồng ý. Bà bảo bà sang chơi một lúc thì được, chứ bà không ngủ lại, bà không thức đêm trông cháu hay cho cháu ăn.”, chị T. thở dài.
T. nghĩ sức khoẻ mình yếu, nếu thức trông con sẽ mất sữa. Còn chồng chị đêm mà thức với em bé thì sao sáng dậy đi làm nổi. Mẹ chị tuy về hưu, nhưng mới 60 tuổi, bà rất khỏe khoắn và đi du lịch với bạn bè suốt. Vậy mà bà không trông con giùm chị vài tháng. Chị T. nói với mọi người rằng mẹ chị ham vui, chỉ thích đi chơi, không thương con cháu.
Đâu phải riêng chị T. có suy nghĩ như vậy, cô con dâu tên Duyên, 27 tuổi, đang làm du lịch khẳng định: “Em nói với chồng rồi, em đẻ con ra thì bố mẹ anh phải trông cháu. Ông bà chỉ ở nhà, đỡ đần cho con cái là bình thường. Tiền lẽ ra đem thuê giúp việc thì vợ chồng em tiết kiệm, lấy vốn làm ăn. Ông bà không cho được vợ chồng em vốn khởi nghiệp thì phải giúp lại bằng cách ấy chứ”.
Cứ tưởng chỉ những cặp vợ chồng sinh con đầu lòng mới nhờ ông bà trợ giúp, nhưng không ít đôi con cái đã lớn vẫn giao trách nhiệm cho ông bà để mình rảnh rang đi cà phê, du lịch, giao du.
|
Nhiều cặp vợ chồng giao luôn con cái cho ông bà, quan niệm đó là trách nhiệm của ông bà. (Ảnh minh họa). |
Chị Bình, 38 tuổi, kể lể với đồng nghiệp rằng chị đang rất stress. Nguyên nhân vì mẹ chị bao lâu nay ở chung trông nhà, cơm nước, để mắt con cái, thì nay lại nhất quyết về quê.
Chị buồn bã: “Bà thay đổi làm gia đình chị xáo trộn hết cả. Hai vợ chồng đều đi làm về trễ, có hôm tối mịt về tới nhà mới bắt đầu cơm cơm nước nước. Bây giờ chị đi đâu cũng khó, vì chẳng dám để con gái 6 tuổi ở nhà một mình”.
"Ở thành phố mưa không tới mặt nắng không tới đầu. Đồ ăn chị mua đầy tủ lạnh, con bé cũng lớn rồi, chỉ cần có người lớn để mắt sau giờ học thôi. Thế mà bà lại nằng nặc đòi về quê, ở quê có ai trông nom đâu, điều kiện sống thì thiếu thốn", chị Bình rầu rĩ.
Nước mắt chảy xuôi, cha mẹ lo cho con cái cả đời, vậy mà khi con cái trưởng thành lẽ ra họ phải được nghỉ ngơi thì bị gắn vào nhiệm vụ chăm cháu. Lớn tuổi rồi, chân tay không còn linh hoạt, đầu óc chẳng còn minh mẫn như xưa, chẳng may làm té ngã cháu thì liền bị con cái trách móc. Thế nhưng không nhận nhiệm vụ trông trẻ liền bị nói là già nhưng ham vui, lớn tuổi nên tính tình trở chứng.
Bà P. T. H., 60 tuổi, ngụ tại Q. Đống Đa, Hà Nội đã bày tỏ quan điểm của mình khi được giao trách nhiệm trông cháu. Con gái bà H. vừa sinh con, hai vợ chồng bà H. lên bệnh viện thăm con và cháu, gặp bố mẹ chồng của con dâu. Chồng bà lập tức "khoán" luôn việc cho vợ, hứa với ông bà thông gia là từ nay bà ngoại sẽ lên ở chăm cháu và con gái cho tới khi em bé đầy tháng.
"Nghe ông ấy "phân nhiệm vụ", tôi sững sờ. Tại sao tôi lại phải sang nhà thông gia ở chăm cháu hẳn một tháng? Con ai nấy chăm, tôi lớn tuổi rồi làm sao mà thức đêm hôm trông trẻ được. Tôi làm lụng vất vả cả đời nuôi con, chăm chồng, bây giờ tuổi hưu trí rồi tôi không sống vì ai nữa, tôi xứng đáng được nghỉ ngơi, đi du lịch", bà H. bày tỏ.
Nhiều người trẻ tuổi quen dựa vào cha mẹ mà quên rằng cha mẹ đã quá già yếu. Thói ỷ lại khiến họ không rành rọt được trách nhiệm với chính cuộc đời mình, con cái mình. Nếu kinh tế chưa ổn thì đừng vội kết hôn. Trước khi quyết định sinh con cần học hỏi kinh nghiệm chăm sóc trẻ và có kế hoạch nuôi dạy con mình. Không làm được điều này họ chỉ mãi là những đứa trẻ chưa lớn, ích kỷ và luôn đổ lỗi cho người khác.