“Cuộc chiến” về quê chồng
Những ngày cuối năm, câu chuyện về quê chồng đón Tết lại trở thành chủ đề mà nhiều chị em đem ra bàn tán. Thậm chí, cũng vì chuyện này mà nhiều cặp vợ chồng sinh ra cãi vã, chiến tranh lạnh.
Nhiều cô dâu cứ nghĩ đến cái cảnh mấy ngày Tết phải nai lưng dọn dẹp nhà cửa, hoa mắt vì mổ gà vịt, làm cỗ bàn, bếp núc... mà sợ.. Những ông chồng thì đau đầu, dở khóc dở cười vì cô vợ "phố" nhất quyết không chịu về quê.
|
Nhiều gia đình cãi vã nhau chỉ vì không biết về bên nội hay bên ngoại ăn Tết. (Tranh minh họa). |
Để lên kế hoạch cho màn kịch trốn Tết quê, các chị em nghĩ ra đủ chiêu trò. Từ việc phải trực Tết đến được công ty nước ngoài cử đi công tác đúng dịp tết... Có người, tranh thủ đưa con về chơi với ông bà nội, đưa tiền để tiêu tết, sắm sửa rồi "lượn" ngay trong ngày.
Đó là chuyện của chị Nguyễn Thị Yến (27 tuổi, TP.HCM). Vợ chồng chị lấy nhau đã 3 năm nay. Chồng chị Yến quê ở Bình Phước. Hai vợ chồng cùng làm tại một ngân hàng nên rất bận rộn, cả năm mới về Bình Phước thăm gia đình một vài lần.
Cái tết đầu tiên ở gia đình chồng đối với chị được xem là nỗi sợ. Theo lời kể của chị Yến, những ngày Tết là để nghỉ ngơi sau một năm làm việc mệt nhọc. Nhưng về quê chồng, không ngày nào chị được nghỉ ngơi. Suốt ngày phải nấu ăn, dọn dẹp, rửa bát đến oải cả người. Sau mấy ngày ăn Tết như kiểu “hành xác”, chị phải giục chồng lên TP.HCM sớm để có thời gian nghỉ ngơi.
"Đến cái Tết thứ hai, mình lấy lý do bị ốm nặng, giả vờ kém ăn kém ngủ trước mặt chồng. Chồng thấy thế liền điện về cho bố mẹ nói Tết năm nay không về được. Vậy là vợ chồng mình tha hồ đi du lịch, ăn chơi thoải mái. Năm nay, vợ chồng mình đang "chiến tranh lạnh” vì anh nhất quyết bảo cả nhà phải về quê ăn Tết. Mình viện cớ con nhỏ, đi lại vất vả, con sẽ ốm. Mấy ngày qua hai vợ chồng không nói với nhau một lời", chị Yến kể.
5 năm qua, cuộc chiến ăn tết ở nội hay ngoại của gia đình chị Hoàng Thị Phương (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa có hồi kết. Cứ đến dịp tết, chị Phương lại có đủ lý do để “không thể” về quê chồng. Chồng chị quê ở Hà Giang. Có lần, anh dọa sẽ làm đơn ly hôn nếu vợ không chịu về quê cùng mình.
Tưởng rằng “nhạc mẫu” sẽ khuyên nhủ con gái thì bà lại nói rằng chị Phương không chịu được cái rét Hà Giang. Càng được nước, cô dâu “phố” quyết không chịu về nhà chồng, kể cả lời dọa ly hôn của chồng.
"Về quê không có đèn đường cao áp, trời tối như mực, lại sương muối thì ai mà chịu được. Tết toàn người lạ đến chơi, phải uống rượu, nấu ăn, rửa bát... Trước khi lấy nhau hai đứa đã thống nhất ăn Tết ở dưới này nhưng không ngờ anh ấy lại nuốt lời. Tôi chưa thấy lúc nào khổ như Tết đến.
Có năm, tôi gửi về quê cho bố mẹ ít tiền, coi như đã hoàn thành nhiệm vụ và tha hồ ở trên này đi chơi, tụ tập với bạn bè. Làm quần quật cả năm trời, được có vài ngày nghỉ thì phải nghĩ cho bản thân chứ. Mặc chồng nói, tôi cứ ôm đứa con thì chẳng bắt tôi đi đâu được. Có giỏi thì anh ấy bỏ vợ con ở đây về quê ăn Tết", chị Phương cho biết.
Hãy nghĩ đến niềm vui của người già
Trái với những cô dâu tìm mọi cách để thoái thác về quê chồng, chị Phùng Mai Loan (28 tuổi, Đà Nẵng) tỏ vẻ hối hận vì đã nhiều năm trốn tránh việc về quê ăn Tết. Cưới nhau được 4 năm, nhưng chưa một lần chị về quê chồng ở Nghệ An vào dịp tết. Vừa rồi, mẹ chồng chị đã gọi điện nói thẳng "năm nay hai đứa không đưa cháu đích tôn về quê ăn tết thì từ mặt mẹ già này luôn".
Chồng chị tuyên bố thẳng thừng rằng, năm nay nhất định phải về quê đón Tết không thì sẽ dọn đồ ra ngoài ở riêng. Nghe vậy, chị cũng chỉ nghĩ mẹ chồng và chồng dọa rồi mọi chuyện đâu lại vào đó.
Chị Loan kể: "Chồng tôi nói xong liền gọi điện về cho bố mẹ tôi nói tất cả mọi chuyện. Thậm chí, anh còn bảo rằng từ ngày cưới tới giờ, tôi chưa làm tròn trách nhiệm của một nàng dâu. Giờ là lúc tôi nên thay đổi và phải thực hiện nghĩa vụ của một người con. Tôi nghe vậy buộc phải suy ngẫm lại. Anh nói có lý nên quyết định Tết này sẽ đưa con về sum vầy với ông bà nội. Tôi biết rằng mình sẽ chẳng thể trốn tránh mãi được".
Trao đổi với PV, ông Lê Bạch Dương, Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) cho rằng, một thực tế đáng buồn hiện nay, nhiều cô con dâu đang có tâm lý e ngại khi những ngày Tết phải về quê chồng ăn Tết. Nhưng họ đâu hiểu được rằng, việc về quê chồng những ngày Tết đến xuân về không chỉ là trách nhiệm của một người con mà còn giúp họ đan thêm sợi dây tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Trong truyền thống dân tộc, nét văn hóa của người Việt, Tết là dịp mọi thành viên trong gia đình sum họp bên nhau sau một năm làm việc vất vả. Bởi vậy, việc các cô dâu ở lại thành phố mà không về quê thể hiện sự ích kỷ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thông cảm một phần với các cô dâu xuất thân từ thành phố.
Bởi từ lâu, trách nhiệm đặt lên vai con dâu tại không ít vùng quê còn khá nặng nề. Cả năm làm việc, ngày tết đáng ra được nghỉ ngơi, đi chơi thì họ đảm đương nhiều việc nhà, chủ yếu là công việc bếp núc. Chính vì vậy không ít người có tâm lý e ngại, muốn ở lại thành phố.
“Tôi cho rằng, vấn đề này, chúng ta nên nhìn từ hai phía. Người con dâu nên bớt ích kỷ và các bậc cha mẹ cũng phải tâm lý. Mọi người trong gia đình đừng đổ hết công việc lên đầu con dâu.
Các ông chồng thấy việc gì mình có thể giúp được vợ thì nên xắn tay vào làm cùng. Vợ chồng trẻ hãy nghĩ đến niềm vui của cha mẹ, ông bà khi thấy con cháu mình sum vầy, đoàn tụ để có quyết định đúng đắn”, ông Lê Bạch Dương chia sẻ.
Đặt mình vào vị trí bố mẹ
Cũng theo nhiều chuyên gia tâm lý, các nàng dâu cũng nên biết, Tết là dịp để họ đi thăm họ hàng, cho con cái mình thỏa sức vui đùa, sống trọn vẹn với không khí truyền thống miền quê. Hãy thử đặt mình vào vị trí của bố mẹ chồng sẽ hiểu người già mong được sum họp bên con cháu như thế nào.
Đừng để bố mẹ già cô đơn, một mình đón xuân. Hãy coi việc về quê ăn Tết có thể sẽ là một chuyến đi picnic thật thú vị và ý nghĩa.