Ông Albert Bourla, Giám đốc Điều hành, Chủ tịch hãng dược Pfizer, đã nói về điều này trong cuộc phỏng vấn với chương trình This Week của đài ABC tối 26/9.
“Trong vòng một năm nữa, tôi nghĩ chúng ta sẽ quay lại cuộc sống bình thường. Điều này không có nghĩa các biến chủng sẽ không xuất hiện hay chúng ta sẽ sống mà không cần tiêm vắc xin”, CEO của Pfizer cho hay.
Theo CNBC, ông Bourla nhấn mạnh mọi việc đều phải xem xét kỹ lưỡng một lần nữa. Ngoài ra, vị chuyên gia nói thêm để điều này thành hiện thực, chúng ta có thể sẽ phải tiêm vắc xin COVID-19 hàng năm.
“Kịch bản này có khả năng xảy ra nhất theo ý kiến của tôi, bởi nCoV lây lan trên toàn cầu, nó sẽ tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới. Chúng ta sẽ có những loại vắc xin với hạn sử dụng ít nhất một năm. Theo tôi, kịch bản khả dĩ nhất là tiêm chủng hàng năm. Nhưng chúng ta thực sự không biết chắc chắn, cần phải chờ thêm vào các dữ liệu”, ông Bourla nói.
Dự đoán này của CEO Pfizer khá giống với Giám đốc Điều hành Moderna Stéphane Bancel. Ngày 23/9, khi trả lời tờ Neue Zuercher Zeitung của Thụy Sĩ, ông Bancel nói: “Đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong một năm nữa, khi việc sản xuất vắc xin tăng lên, đảm bảo nguồn cung cho toàn cầu”.
Ngày 24/9, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), ông Rochelle Walensky đã đồng ý cho hãng Pfizer tiêm mũi tăng cường (mũi 3) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao, cao tuổi, có bệnh lý nền. Thời gian tiêm là ít nhất sau 6 tháng kể từ thời điểm tiêm mũi 1.
Ngày 17/9, CDC công bố báo cáo cho thấy sau vài tháng tiêm đủ hai liều, hiệu quả của vắc xin Pfizer và Moderna suy giảm đáng kể, nhất là ở những người trên 65 tuổi.
Trước những thông tin này, Ủy ban Cố vấn về tiêm chủng của CDC (ACIP) lo ngại việc tiêm liều thứ 3 khiến nhiều người cho rằng vắc xin COVID-19 hiện tại hoạt động kém hoặc không có nhiều giá trị. Do đó, trước khi đưa ra các khuyến cáo mới, họ nhấn mạnh sẽ phải xem xét thật kỹ để không biến vắc xin COVID-19 trở thành mũi tiêm phải sử dụng hàng năm, hàng tháng.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phản đối mạnh mẽ việc tiêm chủng toàn dân mũi tăng cường và cho rằng các nước giàu, dư vắc xin nên phân phối cho những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.