Lời nói dối của cô giáo lớp 5
Ngày đầu tiên của năm học mới, cô giáo Trương đứng trước tất cả các bạn học sinh lớp 5, nhìn khắp một lượt và nói rằng: Cô sẽ yêu và đối xử bình đẳng với từng bạn trong lớp mình.
Nhưng, đó là một lời nói dối. Điều cô vừa nói là không thể.
Cô có ấn tượng không tốt với cậu học sinh ngồi ngay dãy bàn đầu tiên, cậu bé tên là Lý Đức Huệ.
Cô Trương phát hiện Lý không thể cùng chơi với các bạn khác. Quần áo của cậu bé rách nát, người bẩn thỉu và thật khó để ai đó có thể yêu quý cậu bé cho được. Ngay cả bản thân cũng rất thích dùng bút đỏ gạch một dấu X to đùng trên vở của cậu bé.
Cho đến vài hôm sau, nhà trường yêu cầu giáo viên kiểm tra học bạ của các em học sinh, cô Trương đã cố tình để hồ sơ của Lý xuống dưới cùng. Vậy nhưng khi xem đến hồ sơ của cậu bé, cô giáo đã vô cùng ngạc nhiên.
|
Ảnh minh họa. |
Giáo viên năm lớp 1 của Lý viết rằng: “Tiểu Lý là một cậu bé thông minh, nét mặt lúc nào cũng rạng rỡ với nụ cười luôn thường trực trên miệng, viết chữ rất ngay ngắn và sạch sẽ, ngoan ngoãn lễ phép, mang đến niềm vui cho những người xung quanh.”
Giáo viên năm lớp 2 thì viết: “Tiểu Lý là một học sinh ưu tú, rất được các bạn quý mến nhưng cậu bé rất buồn, vì bệnh của mẹ em đã ở giai đoạn cuối, cuộc sống gia đình rất khó khăn.”
Giáo viên năm lớp 3 viết: “Mẹ qua đời đã gây ra một cú sốc lớn đối với Tiểu Lý, cậu bé đã nỗ lực hết sức nhưng bố em là người sống thiếu trách nhiệm. Nếu không có giải pháp cải thiện, gia đình sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến Tiểu Lý.”
Giáo viên năm lớp 4 viết: “Tiểu Lý tính cách dị biệt, không thích học, không có bạn, nhiều khi còn ngủ trong giờ học.”
Lúc này, cô Trương mới ý thức được những vấn đề đang tồn tại với cậu học trò nhỏ. Cô cũng cảm thấy xấu hổ vì hành vi của mình.
Nhưng tuyệt nhiên, cậu bé Lý Đức Huệ không biết về việc này.
Đến ngày lễ của các nhà giáo, khi các em học sinh đem quà tặng cho mình, cô Trương càng cảm thấy day dứt hơn. Các bạn nhỏ tặng quà cho cô đều bọc giấy màu đẹp đẽ, bên trên còn dán dây ruy băng, chỉ có mình Tiểu Lý là ngoại lệ.
Cậu bé dùng mảnh giấy màu da bò dày bì bì, có lẽ được xé ra từ một cái túi đựng đồ tạp nham để bọc quà.
Món quà là một chiếc vòng tay được xâu chuỗi bởi các hạt thủy tinh, có hạt đã bị mất và một lọ nước hoa chỉ còn ¼. Các học sinh khác cười ồ lên.
Cô giáo phải ra hiệu cho các bạn im lặng không được trêu chọc bạn trước khi khen chiếc vòng thật đẹp rồi nhanh chóng đeo nó lên tay.
Cô cũng xịt một chút nước hoa lên cổ tay trước mặt các em học sinh.
Sau buổi học hôm đó, Lý nói với cô giáo một câu rồi mới về: “Cô Trương, hôm nay trên người cô có mùi rất giống mẹ em trước đây.”
Khi các bạn nhỏ đã về hết, cô Trương ngồi lại lớp hồi lâu. Cô đã khóc mất hơn một tiếng.
Sự thay đổi tích cực
Từ hôm đó, cô không còn nghiên cứu về việc làm sao để dạy bọn trẻ đọc, viết hay làm toán mà nghiên cứu về việc làm thế nào để giáo dục các em học sinh.
Cô Trương bắt đầu chú ý đến Tiểu Lý. Khi học cùng cô, cậu bé ngày càng cho thấy mình là một đứa trẻ năng động là linh hoạt. Càng được cổ vũ, phản ứng của cậu bé càng trở nên nhanh nhẹn.
Cuối năm đó, Tiểu Lý trở thành đứa trẻ thông minh nhất lớp. Mặc dù cô giáo nói sẽ yêu thương và đối xử bình đẳng với tất cả các bạn trong lớp nhưng Tiểu Lý đã trở thành “con cưng” trong mắt cô.
Một năm sau đó, cô Trương phát hiện một mảnh giấy nhỏ trong khe cửa. Là của Tiểu Lý. Cậu bé nói với cô, rằng cô là cô giáo tuyệt vời nhất mà cậu gặp trong đời.
6 năm nữa trôi qua, cô Trương lại nhận được một mảnh giấy khác của cậu học trò nhỏ. Tiểu Lý viết rằng cậu bé đã tốt nghiệp trung học phổ thông, đứng thứ ba trong lớp về thành tích học tập và cô vẫn là giáo viên tuyệt vời nhất cậu gặp trong đời.
Nhiều năm sau nữa, cô Trương tiếp tục nhận được một là thư. Lần này Tiểu Lý viết, khi nhận tấm bằng cử nhân loại xuất sắc, cậu đã quyết định sẽ ở lại trường tiếp tục học lên và cô Trương vẫn là giáo viên tuyệt vời nhất mình được gặp trong đời.
Tuy nhiên lần này, phần ký tên có sự thay đổi và dài hơn một chút: Tiến sỹ y khoa Lý Đức Huệ.
Mùa xuân năm đó, Lý lại gửi cho cô Trương một lá thư, nói là mình sắp kết hôn, không biết cô có muốn tham gia hôn lễ của cậu hay không và cô sẽ ngồi vào vị trí của mẹ chú rể.
Tất nhiên là cô Trương đã đồng ý. Hôm đó, cô đã đeo chiếc vòng mà cậu bé Lý tặng năm nào, xịt một chút nước hoa mà mẹ cậu bé đã từng dùng trước đây.
Gặp lại nhau, hai cô trò ôm nhau thật chặt. Lý Đức Huệ thì thầm vào tai cô: Cảm ơn cô, cô Trương, con vô cùng cảm ơn cô đã cho con biết mình có thể làm được nhiều việc mà trước đây con không nghĩ tới.
Còn cô Trương lúc này cũng không ngăn được nước mắt, nghẹn ngào nói: Tiểu Lý, con nhầm rồi, là con đã dạy cho cô nhiều điều. Cho đến khi gặp được con, cô mới biết làm giáo một viên là phải như thế nào!
Sống ở đời cần có một tấm lòng
Khi hỏi đất sống với nhau như thế nào, đất bảo đất tôn cao nhau. Đất tôn cao nhau để làm nên những Phan Xi Păng, Phú Sĩ hay Everest. Đất tôn nhau lên để cùng vươn đến những tầm cao mới và làm nên những đỉnh cao vời vợi.
Khi hỏi nước sống với nhau như thế nào, nước bảo nước làm đầy nhau. Nước làm đầy nhau để tạo nên sông Hồng, sông Mã. Nước làm đầy nhau để tạo nên chín con rồng của Cửu Long Giang. Nước làm đầy nhau để tạo nên những đại dương. Nước làm đầy nhau để khởi nguồn và nuôi dưỡng sự sống.
Khi hỏi cỏ sống với nhau như thế nào, cỏ bảo cỏ đan vào nhau. Cỏ đan vào nhau không chỉ để tạo nên những thảo nguyên xanh mượt thơ mộng, mà cỏ còn đan vào nhau để tạo nên những đồng cỏ với sức sống mãnh liệt nơi miền nước ngập, trên triền núi cao, ở vùng cực băng giá hay cả sa mạc khô cằn. Cỏ đan vào nhau để vẫn có thể vươn mình từ những khe đá cheo leo hay bê–tông cốt thép của loài người. Cỏ đan vào nhau để được sống bằng cả khát vọng.
Nhưng khi hỏi người sống với nhau như thế nào thì người lại im lặng, im lặng và im lặng. Ba câu hỏi:
– “Người sống với nhau như thế nào?”
– “Người sống với nhau như thế nào?”
– “Người sống với nhau như thế nào?”
Nếu được hỏi bởi một người bộc trực, khẳng khái thì sau mỗi câu hỏi có lẽ âm lượng sẽ to hơn mạnh mẽ hơn – cái cảm xúc tuôn trào của sự uất hận bấy lâu bị dồn nén nay được dịp bùng nổ, như một lời quát thẳng vào mặt ai đó, một ai đó hư vô như chính cuộc đời này…
Nếu được hỏi bởi một người hiền lành, nhẫn nhịn thì sau mỗi câu hỏi có lẽ âm lượng sẽ nhỏ dần yếu dần, tưởng chừng như bất lực – cái nín nhịn thắt chặt, không còn giận dữ nữa mà tất cả chỉ còn là ngậm ngùi cay đắng và lựa chọn lặng im…
“Ừ nhỉ, người sống với người như thế nào? Mình sống với người như thế nào? Người sống với mình như thế nào?”
Còn nhớ giữa dòng đời mải miết, cố nhạc sĩ đáng kính Trịnh Công Sơn từng viết nên câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi…”.
Có lẽ chẳng bao giờ xã hội có thể đồng ý với nhau được chính xác tại sao người nhạc sĩ họ Trịnh lại viết như thế. Mỗi người có một cách hiểu riêng, và điều đó tạo nên không chỉ cái đẹp mà còn độ sâu cho những ca từ ấy.
Đối với tôi, những ca từ đó dường như ngụ ý rằng, sống ở đời ai cũng cần có một tấm lòng, nhưng thay vì một tấm lòng mang nặng bao giận hờn, oán trách, buồn đau, thất vọng,… thì hãy để tấm lòng ấy là một tấm lòng thanh thản, nhẹ nhàng – nhẹ nhàng đến mức gió có thể cuốn đi được. Phải chăng, người nhạc sĩ muốn ngụ ý rằng, sống ở đời cần có một tấm lòng để khoan dung và tha thứ cho nhau?
Đơn giản, dễ hiểu hơn nhưng không kém phần sâu sắc, nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết:
Cha mẹ sinh ra ta, mang cho ta dáng vóc hình hài, giọng nói, tiếng cười,… Nhưng chính những người xung quanh ta, có thể là cha mẹ, người thân, có thể là người yêu hay vợ chồng, có thể là bạn bè, có thể là cả những đồng đội,… mới chính là những người góp phần tạo dựng nên ta hôm nay.
Mỗi người sinh ra đều với một cái tôi bản năng dữ dội và quyết liệt để sinh tồn, nên ta cần lắm yêu thương để làm cái tôi của mình trở nên mềm mại và hiền hòa hơn. Phải chăng người với người sống để yêu thương nhau?
Nhưng rồi sống nhiều năm trong cái xã hội vốn đầy rẫy những bất công và dối trá, con người ta dần dần xem yêu thương như một món hàng xa xỉ. Món hàng ấy xa xỉ đến mức người giàu có bao nhiêu tiền cũng chẳng mua được. Món hàng ấy xa xỉ đến mức mà đôi khi khiến chúng ta cảm thấy rằng mình chỉ dám cho vài người và cũng chỉ dám nhận từ vài người.
Để rồi đến một lúc nào đó, cùng với những năm tháng của cuộc đời, chúng ta nhận ra rằng, giàu có, danh vọng, địa vị,… mới là những thứ xa xỉ. Còn yêu thương nó gần gũi, giản đơn và bình dị lắm, miễn là ta dám cho đi. Cuộc sống sẽ luôn đáp trả lại những gì chúng ta dành cho nó. Cho nên, có những thứ đúng là không thể, nhưng yêu thương mãi là có thể.