Chuyện ít biết phía sau bệnh nhân được ghép tạng xuyên Việt

Google News

Hai anh đều tên Hải, đều khỏe mạnh trở lại sau cả ghép tạng từ nguồn tạng của người hiến tận TP.HCM.

Ca ghép tạng xuyên Việt thành công hơn cả mong đợi không chỉ thể hiện được kỹ thuật của các bác sĩ Việt mà mang lại ý nghĩ nhân văn sâu sắc.
Đi xe ôm đến ghép tạng
Bệnh nhân Trần Ngọc Hải, 57 tuổi, trú ở Hà Nội là một trong số bệnh nhân được nhận tạng từ bệnh nhân chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Ông Hải không thể nào tin đến nay mình đã khỏe mạnh, lá gan bị bệnh đã được loại bỏ hoàn toàn. Chỉ trong một buổi tối, mọi thứ đã sang một trang mới.
Chuyen it biet phia sau benh nhan duoc ghep tang xuyen Viet
 Hai bệnh nhân Hải được ghép tạng ngày 5/9.

Ông Hải cho biết mình bị viêm gan B từ 20 năm trước nhưng không được điều trị bài bản. Tháng 7/2014, ông Hải đi khám bệnh định kỳ phát hiện bị ung thư gan nguyên phát. Sau đó, ông Hải điều trị sóng cao tần tại Bệnh viện Bạch Mai và nút mạch hóa chất tại Bệnh viện Việt Đức 1 tháng sau đó. Ông Hải cho biết mình đã được các bác sĩ tư vấn về việc điều trị dứt điểm bệnh ung thư gan là phải ghép gan. Tuy nhiên, ghép gan nguyên hai lá rất hiếm vì rất ít người chết não hiến tạng.
Đến ngày 4/9/2015, có người hiến tạng và được chỉ định ghép cho bệnh nhân khác 32 tuổi nhưng các bác sĩ phát hiện bệnh nhân này đã di căn vào phổi và xương không ghép được. Các bác sĩ đã gọi điện cho ông Hải. Ông Hải kể "lúc ấy tôi đang trên đường đi làm về, tôi nghe điện thoại của bác sĩ là về nhà cầm hồ sơ bắt xe ôm vào bệnh viện luôn. Cả gia đình không có ai ở nhà. Đến tối, vợ tôi gọi điện hỏi chuyện cơm nước. Tôi bảo mình đang ở bệnh viện ghép tạng".
Ông Hải tâm sự "tôi không có chút băn khoăn nào vì rất tin tưởng bác sĩ. Tôi bình thản vào viện và làm các xét nghiệm". Các xét nghiệm chỉ số HLA hợp với người cho. Lúc ấy, kích thước khối u gan đã 3,4 cm nhưng các xét nghiệm trong giới hạn được gây mê.
Vợ ông Hải cho biết đến bà cũng thấy rất bình tĩnh. Khi người ta hỏi mình có cảm xúc gì không sau khi chồng được ghép tạng. Bà không biết nói gì ngoài hai tiếng cảm ơn. Nhớ về ngày chồng vào viện ghép tạng, vợ ông Hải cho biết "chồng nói đang ở bệnh viện ghép tạng, tôi chỉ bảo vâng!".
Câu chuyện của vợ chồng ông Hải đều khiến mọi người ngạc nhiên vì sự bình tĩnh và quyết định nhanh không cần suy nghĩ. Ông Hải cho rằng để có sự bình thản như thế là ông và gia đình hoàn toàn tin tưởng vào bác sĩ, được bác sĩ tư vấn rất kỹ trước đó. Ông không băn khoăn gì cả. Đến khi bác sĩ gây mê trong phòng mổ nói các bác sĩ ở đầu cầu bên kia đã lên máy bay, ông Hải được chụp gây mê và đến sáng ông tỉnh lại đã biết mình được thay thế lá gan khác. Trong ca mổ của ông Hải, nhiều lúc khó khăn vì huyết áp thấp nhưng các bác sĩ đều xử lý được hết.
Sau ca mổ, gan hoạt động tốt, có dịch mật và chỉ 4 ngày sau ông Hải ăn uống bình thường được. 5 tiếng sau mổ ông đã được rút thở máy. Vợ ông Hải cho biết đến nay cả tiền viện phí và các chi phí khác lên đến 2 tỷ đồng.
Tâm sự người nhận tim
Anh Nguyễn Văn Hải 37 tuổi, làm nghề cắt may là bệnh nhân được ghép tim. Anh Hải bị bệnh giãn cơ tim. Anh phát hiện bệnh từ tháng 7/2014. Sau đó anh đã đặt máy tạo nhịp tim hai buồng dưới da. Tuy nhiên tình hình bệnh tật vẫn rất nặng. Thời gian sống chỉ tính bằng tuần.
Anh đã được bác sĩ tư vấn ghép tim. Khi có thông tin người hiến tim, các chỉ số phù hợp anh Hải đã được các bác sĩ tiến hành ghép tim vào tối mùng 4 rạng ngày 5/9. Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng. PGS Nguyễn Hữu Ước - người ghép cho anh Hải cho biết, vì quả tim đưa từ miền nam ra mất 6 tiếng không có máu nên các bác sĩ đã tiên lượng được những điều xấu nhất trong ca phẫu thuật. Quả tim đưa vào bệnh nhân yếu hơn so với những quả tim ghép cho nhận ngay tại viện. Tuy nhiên, ngưỡng yếu này vẫn trong giới hạn cho phép. Sau ca ghép, anh Hải phải dùng thuốc trợ tim dài gấp đôi người ghép bình thường.
Anh Hải tâm sự, gia đình anh không khá giả, anh có 3 con, cháu nhỏ nhất mới 5 tháng. Khi phát hiện bị bệnh, cả nhà đã họp bàn và quyết định gom góp tiền cho vợ chồng anh Hải vay để đi làm phẫu thuật ghép tim.
Nằm viện cấp cứu cả tháng trời, người bầm dập vì những vết chọc kim tiêm lúc cấp cứu, sự sống chỉ tính bằng gang tấc, nhưng nhờ có quả tim người hiến, anh Hải đã hồi sinh thực sự. Đưa tay lên ngực mình, anh Hải xúc động "Tôi cảm ơn người hiến tạng tim cho mình suốt đời. Tôi thấy mình khỏe lại như ngày xưa". Sau khi phẫu thuật xong, anh Hải trở về nhà tiếp tục công việc cắt may của mình. Mặc dù thu nhập gia đình 5- 7 triệu đồng/ 1 tháng, vay chạy tiền đi ghép tim nhưng với anh Hải còn sức khỏe là có tất cả.
Những hình ảnh của hai bệnh nhân Trần Ngọc Hải và Nguyễn Văn Hải đều mang đến tia hi vọng cho người nhà của những bệnh nhân khác đang chờ hiến tạng, cũng như là niềm hạnh phúc thiêng liêng của gia đình người hiến tạng.

Theo Infornet

Bình luận(0)