13 năm gắn bó với vùng cao Quảng Ngãi, bác sĩ Châu Nguyễn Thương - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tây Trà không thể nhớ hết những chuyến băng rừng, lội suối cấp cứu sản phụ ở các bản làng xa xôi.
Ông Thương còn nhớ, thuở ban đầu mới lên nhận công tác ở huyện miền núi nơi đây, Trung tâm y tế thiếu thốn trăm bề, đội ngũ y, bác sĩ chỉ vài người nên công tác khám chữa bệnh đối mặt với nhiều khó khăn.
|
Vợ chồng bà Hồ Thị Yến ở thôn Cát, xã Trà Thanh, huyện vùng cao Tây Trà sinh đến 13 người con (đứa lớn nhất 26 tuổi, nhỏ nhất 2 tuổi). Ảnh: Minh Hoàng. |
Băng rừng...cứu sản phụ
"Đường sá cách trở, mỗi khi có người chạy đến báo tin khẩn là nhóm y, bác sĩ cấp tốc đi bộ trèo đèo dốc, lội suối suốt nhiều giờ mới về làng cấp cứu cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp sản phụ đẻ rớt, chúng tôi phải xử lý sinh con ở dọc đường, trên nương rẫy", vị giám đốc kể.
Liên tục nhiều năm liền, ngành y tế Tây Trà về tận thôn, bản lồng ghép tuyên truyền sức khỏe sinh sản, sinh đẻ nên đến trạm y tế, bệnh viện nhưng thực tế đồng bào nơi đây có thói quen sinh con tại nhà hoặc gần đến ngày đẻ vẫn đi làm rẫy trên núi dễ gặp tình huống nguy hiểm.
Bác sĩ Thương thuật lại, giữa cuối năm ngoái, Bệnh viện nhận tin cấp báo của người dân địa phương về chị Hồ Thị Hà chuyển dạ nằm quằn quại đau đớn trên khu rẫy ở thôn Trà Ích, xã Trà Lãnh. Tổ cấp cứu nhận lệnh lên đường, khi đến nơi các y, bác sĩ trải tấm màn lớn ra bãi đất giữa rẫy keo rồi đỡ đẻ cho sản phụ "mẹ tròn, con vuông".
Nhiều sản phụ ở vùng cao nơi đây không có điều kiện khám thai định kỳ nên khi chuyển dạ, dân làng dùng võng khiêng băng rừng vượt đường xa không kịp đến Trạm y tế, bệnh viện đã đẻ dọc đường. Từ lâu, đội ngũ y, bác sĩ ở huyện vùng cao Tây Trà đã quá quen với cụm từ "xử lý đẻ rớt" cho sản phụ địa phương trên nương rẫy và ven đường làng.
|
Vợ chồng bà Hồ Thị Phương ở xã Trà Quân, huyện vùng cao Tây Trà sinh đến 10 người con. Ảnh: Minh Hoàng. |
Lập đường dây nóng...hỗ trợ sản phụ
Khó thể thay đổi vận động người dân đến cơ sở y tế sớm để sinh đẻ, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Tây Trà nghĩ cách lập đường dây nóng công khai số điện thoại ở các bản, làng để kịp ứng phó với tình huống xấu.
Ông Hồ Xuân Bạn- Phó chủ tịch UBND xã Trà Thanh (huyện Tây Trà) cho hay, ngành y tế huyện Tây Trà thống nhất với các địa phương công bố số điện thoại đường dây nóng là 0966701313 trên những tấm panô đặt ở gần trụ sở Ủy ban xã và các thôn để người dân điện thoại mỗi khi có trường hợp đau ốm, sinh đẻ gặp khó khăn.
"Dân làng thường dùng võng khiêng sản phụ hoặc người đau ốm xuống gần tuyến đường liên huyện để xe chuyên dụng của Bệnh viện kịp chở đi cấp cứu. Đối với trường hợp nhẹ, đội ngũ y, bác sĩ xử lý tại địa phương, những ca sinh khó hoặc bệnh nặng thì chuyển lên tuyến tỉnh cấp cứu", ông Bạn nói.
Theo các nhân viên y tế thôn, bản, không ít trường hợp sản phụ đẻ tại nhà đã không gọi kịp đường dây nóng gặp nguy hiểm hoặc dùng dao cắt rốn cho trẻ sơ sinh (làm bằng cây lồ ô rừng vác nhọn) gây nhiễm trùng qua đời. Sau đó họ phân bua cho rằng mình bị "sẩy thai".
Sinh con nhiều để được...hỗ trợ
Với quan niệm "trời sinh voi, sinh cỏ", thiếu hiểu biết sức khỏe sinh sản, vợ chồng bà Hồ Thị Yến (52 tuổi, ngụ xã Trà Thanh) liên tục đẻ đến 13 người con (đứa lớn nhất 26 tuổi, nhỏ nhất 2 tuổi).
Suốt ngày, chồng bà là ông Hồ Văn Kích phải bươn chải đi làm thuê khắp nơi, trong 13 lần sinh con, bà Yến đều "vượt cạn" trong điều kiện thiếu thốn tại nhà.
"Mỗi lần chồng làm thuê về nhà, tôi lại mang thai rồi lần lượt đẻ con với hy vọng sinh con nhiều thì Nhà nước hỗ trợ nhiều gạo. Sau này, con cái lớn lên đi làm thuê cuộc sống vợ chồng bớt khổ hơn", bà Yến bộc bạch.
Theo phụ nữ vùng cao Tây Trà, nhiều lần họ thuê xe tốn nhiều tiền vượt đường xa đến Trạm y tế, bệnh viện đặt vòng tránh thai nhưng khi về nhà lại đau ốm, sốt cao không làm được việc gì.
"Đặt vòng tránh thai bị đau sốt triền miên không đi làm rẫy được, mỗi lần tháo ra tôi lại mang bầu rồi con", bà Hồ Thị Phương (ngụ xã Trà Quân) - người mẹ sinh 10 người con phân trần.
Theo người mẹ này, hai vợ chồng sinh đông con hy vọng Nhà nước cấp thật nhiều gạo ăn cùng khoai, củ, rau rừng... sinh sống trước mắt, sau này chúng lớn lên đi làm thuê có tiền quay về phụng dưỡng cha mẹ già.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện Tây Trà cho hay, đồng bào thiểu số quan niệm sinh con trai để nối dõi, đảm trách việc thờ cúng nên họ sinh mãi bao giờ có con trai mới thôi.
Dù tuyên truyền nhiều nhưng họ từ chối đặt vòng tránh thai hoặc đình sản với nhiều lý do như ngại đường xa, sợ tốn tiền, đau ốm, quan niệm "trọng nam, khinh nữ" còn nặng nề...Mặt khác, họ vẫn giữ thói quen sinh đẻ tại nhà gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thậm chí dễ gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ sơ sinh.
“Do nhận thức còn lạc hậu, nhiều cặp vợ chồng không chịu kế hoạch nên liên tục đẻ con đông đúc. Đây là thực trạng đáng lo ngại gây ra hệ lụy, đói nghèo, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai con trẻ tại địa phương. Toàn huyện có hơn 4.600 hộ dân với khoảng 19.800 nhân khẩu, trong đó có gần 80% thuộc diện hộ đói, nghèo, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng khá cao”, bà Thủy lo lắng.
>>> Mời quý độc giả xem video Nuôi con bằng sữa mẹ (nguồn VTV):