Nghe chuyện của Mai Khánh (Hà Đông, Hà Nội) thì ai cũng xúi Khánh bỏ chồng, bỏ ngay tức khắc. Khánh nói rằng mình cũng muốn ly hôn. Thế nhưng từ lúc cô nói đến giờ đã qua 12 năm, cô sinh thêm cả một em bé, tăng thêm sự đau đớn nhưng vẫn chưa bỏ nổi.
Khánh tỉnh giấc sớm thấy chiếc dép bẩn cô mang đi đánh sạch sẽ. Giữa mùa đông, chồng cô tỉnh giấc xỏ chân vào dép rồi ướt tất và thế là giáng 1 cú tát cùng tiếng la mắng "sao tự dưng giữa mùa đông rét mướt đi cọ dép làm gì hả, ngu thật đấy".
Khánh không phải là người sống lệ thuộc, cô chỉ là người không dám lên tiếng. Chồng cô khỏe hơn cô và những trận đòn như thế khiến Khánh chỉ biết tự vệ bằng cách im lặng.
Có những hôm vì tính chất công việc cô về muộn, chồng cô biết nấu cơm cho mình và các con ăn. Lúc mở chiếc lồng bàn ra, cô thấy còn 2 miếng đậu luộc xô lệch và chút xíu canh chua cùng bát đĩa ngổn ngang.
Chồng cô nói thẳng: "Tôi không có nghĩa vụ phục vụ cô. Làm vợ không nấu được bữa ăn cho chồng con thì tự kiếm cái gì mà ăn". Khánh gạt nước mắt ăn phần cơm còn lại.
Bạn bè ai nghe chuyện cũng bảo Khánh nhu nhược, sao để chồng đè đầu cưỡi cổ mà không biết phản kháng, không biết tự vệ, không biết đấu tranh, thậm chí không cả biết... rời đi?
Ai cũng khuyên Khánh ly hôn. Ừ, ly hôn không phải là điều Khánh không nghĩ tới. Nhưng Khánh vẫn cự nự: "Ly hôn xong tớ ở đâu?". Bạn bè phát tức với câu hỏi vô nghĩa ấy mà nói rằng nhà là của 2 vợ chồng cùng mua, Khánh có một nửa.
Bây giờ ai ở lại thì người kia sẽ trả nốt phần tiền còn lại. Hoặc không thì bán đi chia đôi. Hoặc thậm chí tệ nữa thì cũng không cần cả cái nhà đó, ra ngoài thuê nhà mà ở. Cái chính là cô cần tư vấn luật sư trước khi đưa đơn ra tòa. Khánh ậm ừ như thể hiểu ra vấn đề mà cuối cùng để 12 năm nữa trôi qua.
Đau khổ như càng lún sâu, mâu thuẫn càng như đỉnh điểm. Chồng cô khinh cô ra mặt. Khánh cũng không hề còn cảm xúc với chồng nữa nhưng vẫn ở chung nhà, vẫn ngủ chung giường.
Một người bạn trước câu hỏi: "Ly hôn xong tớ ở đâu?" đã kể cho Khánh nghe câu chuyện của chính mình. Cô thậm chí đã chấp nhận điều tiếng "bỏ chồng theo bồ" để quyết tâm dứt khoát ra khỏi một cuộc hôn nhân, dù tình yêu đến từ thời thanh mai trúc mã.
Những món nợ chồng mang về khiến cô tuột dốc, cho đến ngày cô nhận ra không thể để đời mình héo tàn hơn vì những gì người đầu gối tay ấp mang đến.
"Một người bạn đã nói với tớ rằng, cô hoa khôi ngày xưa đã úa tàn. Lúc đó tớ thực sự nhận ra mỗi vết nhăn trên khuôn mặt là mỗi lần người tớ gọi là chồng vẽ lên bằng những món nợ, bằng những lần ngoại tình.
Anh ta chưa bao giờ dám động tay động chân với tớ, anh ta biết nấu ăn ngon và cũng biết chiều chuộng vợ con khi anh ta bình thường. Nhưng như thế không bao giờ là đủ.
Đau quá tớ tự biết cách buông và không gì có thể níu được tớ, kể cả anh ta có quỳ một ngày một đêm trước cửa nhà. Kể cả mẹ chồng xỉa xói rằng 'bỏ chồng theo trai'. Tớ bất chấp và thực hiện điều mình muốn lúc đó, sự tự do.
Lúc đó tớ mang 2 đứa con và 1 món nợ. Nhưng như cậu thấy đấy tớ giờ đây rất ổn, không chỉ là chuyện kinh tế mà còn là tinh thần. Đừng nói không có chỗ ở, chỉ là cậu có thực sự dám buông tay cuộc hôn nhân rách nát mà cậu đang có chưa?", bạn nói với Khánh những điều chân thành như thế.
Khánh cũng thực sự giật mình, hóa ra việc "không có nhà" chỉ là sự bao biện cho việc cô chưa dám đối mặt với tiếng "gái bỏ chồng", cô cũng sợ con cô không đủ bố đủ mẹ nhưng toàn trình diễn những cuộc cãi vã cho chúng xem...
Hóa ra, nếu người ta nhận ra rằng mình đang bám víu vào những điều quá mơ hồ, tức là mình đã tước đi của chính mình 1 cơ hội.
Người ta bảo khi muốn bạn sẽ tìm cách, còn khi không muốn bạn sẽ tìm lý do. Nếu còn đưa chuyện chỗ ở ra để thành vấn đề cho chính mình, nhưng không hề đi tìm sự tư vấn từ luật sư và không có bất cứ động thái nào cho việc sang trang mới thì tức là chính bạn đã không quyết định cho việc đó.
Bạn đã lãng phí thanh xuân đến mức không còn cả tiếc mình thì ai có thể tiếc hộ bạn đây?
12 năm đã trôi qua và người phụ nữ kia vẫn còn ở lại trong 1 cuộc hôn nhân tồi tệ với những lý do do chính mình tự vẽ ra cho việc không thể rời đi. Có nhiều người đã bắt đầu với xuất phát điểm âm, chứ không phải là quay trở về vạch xuất phát, nhưng họ đã thành công là vì họ có sự quyết tâm.
Không ai cổ động bạn phá tan 1 gia đình hạnh phúc nhưng nếu nó thực sự là nấm mồ chôn sống chính bạn thì sao lại còn ngồi đó để đào thêm huyệt rộng ra?
Chẳng có gì là dễ dàng cho sự bắt đầu lại, nhưng nó cũng không thực sự khó khăn như cách bạn chẳng thể dứt áo ra đi và chọn ngồi lại rồi khóc. Khi bạn còn khát vọng bước tiếp tức là sẽ có cánh cửa khác mở ra đang chờ bạn ở phía trước. Định luật đơn giản đó thực sự phụ nữ phải biết để thôi ngại ngần cho những kết thúc hay bắt đầu.
Và chỉ có khi là chính bạn huyễn hoặc chính mình hoặc không dám dứt áo vì những lý do chủ quan và khách quan mà bạn vẽ lên rất khéo rồi ngồi... khóc tiếp!