25 tuổi tôi kết hôn với người đàn ông theo đuổi mình suốt thời sinh viên. Bốn năm dài theo đuổi tôi anh luôn tỏ ra là người đàn ông thủy chung đáng tin cậy, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho tôi sau này.
Tôi sinh con gái đầu lòng ở tuổi 27. Không may tôi bị nhiễm trùng sau mổ đẻ, phải cắt bỏ tử cung, không còn khả năng sinh sản. Cú sốc này khiến tôi lâm vào tình trạng trầm cảm sau sinh.
Ảnh minh họa: Pexels
“Hai vợ chồng son đẻ một con thành bốn”, các cụ nói không có sai. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà một mình chồng tôi gánh vác. Vì bố mẹ đẻ của tôi vẫn đang đi làm nên chúng tôi phải đón mẹ chồng ở quê lên hỗ trợ.
Bố chồng tôi bị bệnh gout và tiểu đường nên cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Mẹ chồng lên ở cùng chúng tôi, nên chồng tôi phải thường xuyên về quê chăm lo cho bố và em trai.
Chồng tôi luôn coi trọng Long - em trai anh hơn tôi. Anh bảo ngày còn bé, Long vì cứu anh mà bị thương ở chân, đi bên cao bên thấp. Lúc nào anh cũng mang trong mình cảm giác mắc nợ, thương và muốn bù đắp cho em trai.
Từ nhỏ, được cả gia đình chiều nên tính tình của Long ngang ngược. Dù đã 25 tuổi nhưng Long vẫn suốt ngày lông bông chơi bời với đám thanh niên không nghề nghiệp.
Khi con gái tôi được 18 tháng, mẹ chồng về quê. Tôi bận bịu trở lại với công việc sau thời gian dài nghỉ sinh và dưỡng bệnh. Chồng tôi vẫn giữ nếp tuần 2 lần về thăm nhà nội. Anh kể với tôi: “Chú út mới đưa một cô gái về ra mắt, cô ấy có bầu được 5 tháng rồi, không cưới xin gì cả, chỉ đưa nhau về xin phép vậy rồi lại đi. Vợ chú ấy nhìn nhỏ nhắn xinh xắn như em vậy”.
Tôi bất ngờ nhưng vui khi nghĩ cảnh chú Long yên bề gia thất sẽ tu chí làm ăn, không gây rắc rối cho gia đình.
Một hôm, mẹ chồng tôi gọi điện thoại lên, bảo Long vỡ nợ đang bị chủ nợ truy tìm ráo riết. Khoản tiền hơn 2 tỷ đồng nếu không trả thì chúng sẽ không để cả nhà yên ổn.
Chồng liền bàn với tôi bán căn nhà mới mua hơn 1 năm để lấy tiền trả nợ cho em trai. Tiền mua căn nhà này một nửa là của bố mẹ tôi cho, nửa còn lại là vợ chồng đi vay và tích cóp trong những năm qua.
Tôi không đồng ý. Vậy là chồng tôi ngay lập tức đề nghị ly hôn để anh bán căn nhà lấy nửa tài sản trả nợ cho em. Quá bất ngờ vì đề nghị của chồng, tôi tức giận cãi lại rồi ôm con bỏ về nhà bố mẹ đẻ.
Buồn chán, tôi mở chiếc laptop từ ngày về ngoại dưỡng thai rồi để ở đây. Thấy Zalo vẫn đăng nhập tài khoản của chồng, tôi tò mò vào đọc.
Sự thật được phơi bày khiến tôi bàng hoàng. Long và chồng tôi đã có một thỏa thuận mà tôi không hề hay biết. Cô gái mà Long mang về nhà giới thiệu thực ra là bồ của chồng tôi. Trong những lần về quê chăm bố khi tôi đang nghỉ thai sản và điều trị trầm cảm, chồng tôi đã qua lại với cô ta.
Để giữ lại vỏ bọc một người đàn ông thành đạt, để giữ những mối làm ăn do bố đẻ tôi giới thiệu, anh ta đã làm một thỏa thuận với em trai mình.
“Chú đã cứu anh một lần khi xưa, hãy giúp anh lần này. Vợ anh không còn khả năng sinh con nữa. Giờ Hương đang mang thai con trai của anh. Chú đứng ra chăm sóc mẹ con cô ấy thay anh, anh sẽ chu cấp tiền trả nợ cho chú”, những dòng tin nhắn của chồng tôi nhảy múa trước mắt khiến tôi không tin nổi.
Ngày chồng tôi đề nghị ly hôn chính là ngày Long bị xã hội đen đòi nợ. Bị ép tới đường cùng, Long đòi chồng tôi đứng ra trả nợ, và cũng trả lại cho chồng tôi mẹ con Hương để chú ấy rời quê đi làm ăn xa.
Đó là lí do vì sao chồng tôi đột ngột đòi bán nhà và ly hôn. Hợp đồng với đối tác lớn bố tôi giới thiệu vừa ký xong xuôi, giờ đây hôn nhân có đổ vỡ anh ta cũng không bị ảnh hưởng gì.
Việc ly hôn với tôi còn giúp anh tự do đến với Hương, người sắp sinh cho anh ta và dòng họ cậu con trai nối dõi tông đường.
Một con người tâm cơ thủ đoạn như vậy, tôi thà buông bỏ. Đau một lần còn hơn tôi phải chịu khổ một đời.