Tài chính, kinh tế chính là một trong những áp lực lớn nhất của đời sống hôn nhân. Những bất đồng trong chi tiêu sinh hoạt giữa hai vợ chồng mà không khéo giải quyết rất dễ dẫn tới cãi vã, đẩy gia đình tới bên bờ đổ vỡ. Nhất là khi người chồng luôn tự cho mình quyền định đoạt vì nghĩ bản thân kiếm ra tiền, là trụ cột.
Mới đây, tâm sự của 1 cô vợ trên nhóm kín đã thu hút chú ý của cư dân mạng: "Sau khi sinh bé đầu lòng, vì không muốn thuê giúp việc nên chồng em bảo vợ nghỉ làm công ty ở nhà chăm con, đợi khi nào thằng bé cứng cáp hẳn cho đi lớp được thì em mới đi làm lại. Kinh tế trong thời gian đó anh sẽ lo, em chỉ cần tập trung vun vén nhà cửa, con cái là được.
Bài chia sẻ của người vợ
Đúng là sau khi vợ nghỉ làm, chồng em lo tài chính nhưng anh ấy cũng quản lý tiền nong chặt chẽ tới mức em không thể nào ngờ được. Lúc trước em đi làm, kinh tế chủ động thì anh thoải mái không quản chuyện chi tiêu của vợ. Tới giờ em ở nhà, mỗi khi anh đưa tiền chi tiêu sinh hoạt là như thể ban phát, coi em không khác gì đứa ăn bám. Nhất là tháng nào có khoản phát sinh, vợ giục đưa thêm tiền là y như rằng anh cau có nói vợ không ra gì với những điệp khúc muôn thuở như: 'Em làm gì mà tiêu lắm thế', rồi 'anh có phải cái cây ATM đâu mà em cứ nhìn thấy chồng là hỏi tiền'.
Cách đây hơn tuần, mẹ đẻ em ốm, em bận chăm con không về thăm bà được nên chuyển khoản cho em gái 2 triệu nhờ nó mang về biếu mẹ. Không ngờ lúc em gọi điện nói chuyện với em gái, anh nghe thấy liền quát tháo, đay nghiến vợ rằng anh 'nuôi ong tay áo'. Sau đấy chồng em tuyên bố sẽ cắt tiền chi tiêu sinh hoạt cho em tự lo, anh không đưa cho nữa để xem em lấy gì mà 'bòn rút' cho nhà ngoại.
Thái độ của chồng hôm ấy làm em ức vô cùng. Tuy nhiên với tính anh ấy, em mà nói lại ngay lúc đó chắc chắn vợ chồng sẽ cãi nhau to nên em tạm thời nhịn. Hôm sau là ngày đưa tiền chi tiêu cho vợ, đúng như tuyên bố, anh ấy không đưa cho em đồng nào. Em cũng không hỏi, ngày hôm đó mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, em vẫn chợ búa, cơm nước tinh tươm. Tối chồng em đi làm về, vừa tới cửa phòng khách, anh đã cuống cuồng gọi vợ hỏi: 'Cái tivi đâu rồi?'.
Em ngồi bên nhà hàng xóm chơi thấy thế chạy về. Giọng anh vẫn chưa hết hốt hoảng: 'Tivi đâu, cô lại mở phanh cửa đi chơi để trộm vào lấy đồ mà không biết hả?'.
Mắt anh ấy nhớn nhác tìm, em tỉnh bơ bảo: 'Chẳng trộm cắp nào vào đây được. Em bán đó'. Mắt chồng em trợn càng to, anh quát: 'Cô bán là sao? Sao tự nhiên lại bán. Tôi mới mua xong'.
Nhìn thẳng mặt chồng, em trả lời: 'Anh không đưa tiền chi tiêu chợ búa cho tôi, tôi chẳng phải bán đồ đạc trong nhà đi để lấy tiền mua thức ăn chứ để con nhịn à? Tiêu hết tiền bán tivi, tôi sẽ bán tủ lạnh, máy giặt. Mà mấy đồ điện tử này bán lỗ thật, tivi mua 20 triệu sử dụng có vài tháng bán chỉ còn vài triệu. Nhưng thôi, giải phóng dần tài sản chung đi để mấy nữa ly hôn khỏi phải chia chác. Nói thật, sống với người chồng tính toán, trọng tiền coi thường vợ như anh tôi mệt mỏi lắm rồi'.
Ảnh minh họa
Với việc em làm thì chồng em thừa hiểu vợ mình đang nghiêm túc tới mức nào. Miệng nói vợ điên nhưng anh không dám làm căng hay to tiếng như hôm trước. Đêm đó hai đứa ngủ riêng phòng nhưng sáng hôm sau trước khi đi làm anh ấy đặt mặt bàn 10 triệu bảo: 'Vợ cầm lấy để chi tiêu, đừng giận anh nữa'.
Đấy, lần này em mà không cứng lên thì có phải còn bị bắt nạt. Nhưng thực chất tivi em gửi nhờ nhà hàng xóm thôi".
Câu chuyện của người vợ thu hút sự chú ý của rất nhiều người, đặc biệt hầu hết ai cũng ủng hộ cho cách hành xử của cô. Bởi hôn nhân luôn cần sự bình đẳng và tôn trọng. Phụ nữ vốn nhu mì, chấp nhận nhún nhường, cam chịu nhưng khi họ quá uất ức, kìm nén trong lòng bùng phát thì sẽ dữ dội vô cùng. Lúc ấy các anh chồng khó còn cơ hội "dàn hòa" được nữa.