Hầu hết các bà mẹ đều biết rằng trong quá trình cho con bú sẽ xuất hiện những "cục sữa" cứng, sau khi cho con bú thì cảm giác căng tức sẽ biến mất. Trong giai đoạn này, nếu có một số tổn thương ở vú, rất có thể các mẹ sẽ bỏ qua.
Cô Trương, 33 tuổi, ở Bắc Kinh (Trung Quốc), đã bỏ qua các dấu hiệu của bệnh ung thư chỉ vì đang cho con bú.
Theo thông tin đăng tải, cô Trương là một bà mẹ 3 con, luôn cho con bú sau khi sinh. Tuy nhiên, cách cho con bú của cô hơi đặc biệt - chỉ cho con bú bên ngực trái.
Theo mô tả của cô Trương, ngực phải của cô thường sưng lên rất lớn khi cho con bú, mơ hồ có thể sờ thấy một cục u nhỏ, vì không đau cũng không ngứa nên cô cho rằng đó chỉ là chuyện vặt như tích sữa. Vì vậy, để tránh tích sữa nhiều hơn, cô Trương để bầu ngực bên phải được thoải mái, không cho con bú.
|
Ảnh minh hoạ. |
Sau khi thời kỳ cho con bú kết thúc, cô Trương tham gia cuộc kiểm tra sức khỏe tại đơn vị và phát hiện một khối u ở ngực phải. Cơ quan kiểm tra y tế nói với cô rằng đó là tăng sản vú và đề nghị điều trị.
Theo lời giới thiệu của người thân và bạn bè, cô Trương đã chi rất nhiều tiền để massage, đồng thời thực hiện các bài thuốc dân gian để kích sữa ra hết. Nào ngờ sau ba tháng, cục u bên ngực phải của cô Trương ngày càng to ra. Lúc này, cô Trương mới đến Trung tâm ngực của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Thuận Nghĩa, Bắc Kinh, để điều trị.
Sau khi hỏi kỹ, bác sĩ tiếp nhận đề nghị cô Trương đi kiểm tra siêu âm vú, phát hiện ra rằng cô Trương không chỉ có một khối u lớn ở ngực mà còn có di căn hạch bạch huyết đáng ngờ. Sau cùng, cô Trương được chẩn đoán thêm là ung thư vú với hạch nách di căn, phải điều trị ngay lập tức.
Bác sĩ Phó Tuệ ở Trung tâm ngực của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Thuận Nghĩa cho biết, nuôi con bằng sữa mẹ không phải là tấm lá chắn để tránh ung thư vú và ung thư vú xảy ra trong thời kỳ cho con bú có tiên lượng xấu nên việc chẩn đoán và điều trị sớm càng quan trọng hơn.
Trên thực tế, ngay từ khi cho con bú, cô Trương đã cảm thấy có khối u ở ngực nhưng lại bỏ qua dấu hiệu báo trước cho đến khi được phát hiện mắc bệnh ung thư vú, cô mới chợt nhận ra.
Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, chị em phụ nữ không được chủ quan với những dấu hiệu khác lạ, kể cả khi mang thai và cho con bú, cũng không nên lơ là trong việc kiểm tra, đừng mù quáng nghĩ rằng cho con bú sẽ không bị ung thư vú.
Trước khi có ý định mang thai, nên đến bác sĩ chuyên khoa ngực để khám tổng thể càng sớm càng tốt, nhất là phụ nữ mang thai trên 35 tuổi, phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc phụ nữ có tổn thương cơ bản ở vú thì nên tầm soát ung thư vú trước khi mang thai, trong khi mang thai và trong thời kỳ cho con bú.