Đừng vội vứt răng sữa của con!
Khi con trai 6 tuổi rụng chiếc răng sữa đầu tiên, thay vì để “bà tiên răng” đến lấy như thường lệ, ông Kyran Braken lại gói chiếc răng và gửi đến ngân hàng lưu giữ tế bào gốc tủy răng để dùng cho các trường hợp khẩn cấp trong tương lai.
“Không ai trong chúng ta có thể biết hết những nguy cơ rình rập sức khỏe của các con, là cha mẹ, tôi chỉ có thể làm điều tốt nhất để bảo vệ các con”, ông Kyran lý giải.
Ông Kyran hiểu rằng, chiếc răng sữa của con giờ đây là một nguồn tế bào gốc quý giá - những tế bào tiền thân có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, các cơ quan khác nhau của cơ thể, nhằm thay thế cho các tế bào bị mất đi do già và chết tự nhiên, hoặc do bệnh lý.
|
Chiếc răng sữa của trẻ chứa từ 10-20 tế bào gốc có giá trị. |
Trên thực tế, tế bào gốc đã được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu, một số loại bệnh ung thư và rối loạn máu. Tế bào gốc đang được kỳ vọng là có thể sử dụng để chữa các tổn thương thần kinh, phục hồi tổn thương xương, sụn và thậm chí là hồi phục mô tim sau nhồi máu cơ tim.
Ông Kyran tin rằng tế bào gốc có trong chiếc răng của cậu con trai mà ông đã gửi đi để lưu giữ có thể là cứu cánh của con khi nhỡ may trong tương lai con mắc phải bệnh gì đó, hay đơn giản là dùng để trồng lại một chiếc răng bị gãy.
“Tôi bị gãy mất một chiếc răng khi đang chơi bóng bầu dục năm 1992, và từ đó đến nay chiếc răng khuyết ấy khiến tôi gặp rất nhiều phiền toái. Chỉ đến năm ngoái khi tôi trồng răng giả thì ổn thỏa.
Nếu tình huống tương tự cũng xảy ra với hai con trai của tôi thì khả năng lớn chúng có thể mọc lại chiếc răng ấy bằng phương pháp cấy tế bào gốc. Tôi tin là trong vòng 20 năm tới điều này hoàn toàn có thể xảy ra nên tôi đã quyết định gửi răng sữa của các con đến ngân hàng lưu giữ”, ông Kyran nói.
Một nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu quốc gia Răng Hàm Mặt của Mỹ (NIDCR) đã chỉ ra rằng, răng sữa có chứa 10 đến 20 tế bào gốc có giá trị có thể sử dụng đề điều trị nhiều loại bệnh sau này.
Các nhà khoa học đã dành nhiều năm nghiên cứu về cách các tế bào gốc chữa lành cho bộ não, tủy và tim sau khi chịu tổn thương bởi các loại bệnh khác nhau.
Các chuyên gia cũng tiết lộ có một loại tế bào gốc nằm trong răng của người lớn. Qua nghiên cứu những chiếc răng sữa mới nhổ của trẻ 7-8 tuổi, các nhà khoa học tìm thấy những loại tế bào gốc hoàn toàn khác với răng người lớn.
Những tế bào gốc tìm thấy bên trong tủy răng có thể tái sinh các tế bào thần kinh, tế bào xương, sụn và thậm chí là tế bào tim.
Trên thực tế, phát hiện này đã được ứng dụng để điều trị thành công bệnh tiểu đường loại 1, các tế bào gốc trong tủy răng có thể phân chia thành các tế bào tuyến tụy để sản sinh ra insulin (1 loại hormone vận chuyển glucose từ máu đem vào tế bào, mà tiểu đường là bệnh mất kiểm soát lượng đường trong máu).
Lưu giữ tế bào gốc trong tủy răng như thế nào?
Các chuyên gia cho biết, việc bảo vệ các tế bào gốc là một quá trình phức tạp bởi nó đòi hỏi các tế bào phải sống thì mới có giá trị. Tế bào gốc trong răng sữa chỉ có thể tồn tại trong 48 giờ đồng hồ sau khi nhổ khỏi hàm răng của trẻ, nếu chậm bảo quản sau 48 giờ thì tế bào gốc sẽ chết.
Hiện đã có rất nhiều ngân hàng tế bào gốc tủy răng có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Tại đây, các nhà nghiên cứu tiền hành đông lạnh răng trong ni-tơ lỏng ở nhiệt độ -170 độ C và khi nào bạn cần thì có thể lấy chúng ra sử dụng. Việc lưu giữ này có thể kéo dài sự sống của tế bào gốc ít nhất là 20 năm hoặc lâu hơn.
|
Lưu giữ tế bào gốc trong răng sữa có thể sử dụng để chữa bệnh. |
“Tỷ lệ lưu giữ thành công từ chiếc răng đầu tiên là đến 90%, chưa có phụ huynh nào phải gửi đến chiếc răng thứ 4. Nguyên nhân khiến chiếc răng gửi đến không đạt yêu cầu là do phụ huynh gửi muộn, sau 48 giờ nhổ răng hoặc chiếc răng đó đã bị sâu”, chuyên gia của một ngân hàng chuyên lưu giữ tế bào gốc tủy răng cho biết.
Tế bào gốc có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau như từ phôi, thai, dây rốn và người trưởng thành. Đối với người trưởng thành, thường lấy tế bào gốc từ tủy xương, máu ngoại vi, mô mỡ.
Ưu điểm của việc sử dụng tế bào gốc từ răng sữa là bạn biết có bao nhiêu tế bào gốc trong đó. “Các tế bào gốc này tinh khiết hơn tế bào gốc lấy từ máu dây rốn”, Giáo sư lâm sàng John Hunt, Đại học Liverpool cho biết. Cả tế bào gốc tủy xương và tế bào gốc dây rốn đều chậm phát triển hơn.
Giáo sư Claire Stewart, chuyên gia về tế bào và sinh học phân tử tại Đại học Manchester Metropolitan rất lạc quan về ứng dụng của tế bào gốc có trong răng sữa.
“Tôi tin rằng việc khám phá ra tế bào gốc có trong răng sữa sẽ mở ra các phương pháp điều trị mới, giống hệt như phát hiện cấy ghép tủy xương 40 năm trước”, giáo sư nhận định.
>>> Mời quý độc giả xem video Nuôi con bằng sữa mẹ (nguồn VTV):