Hông
Khi đi giày cao gót, lưng được đảy về phía trước làm sự liên kết của hông và cột sống bị thay đổi. Việc giữ thói quen đi giày cao gót hàng ngày sẽ khiến các cơ bị rút và co lại, lâu dần khiến chị em bị đau hông kinh niên.
Khớp gối và cột sống
Nghiên cứu chỉ ra rằng, thường xuyên đi giày cao gót và đi trong liên tục trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa khớp.
Như đã nói ở trên, đi giày cao gót khiến cơ thể giảm độ thăng bằng, trọng tâm được đẩy về phía trước. Ở tư thế này, hông, cột sống và khớp gối bị lệch khỏi trục sinh lý vốn có. Về lâu dài, nó khiến chị em bị đau lưng, đồng thời làm cột sống và khớp gối yếu đi, nhanh lão hóa.
Một nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng, giày cao gót khoảng 7cm, dù gót to hay gót nhọn đều gia tăng 30% áp lực lên xương bánh chè so với các loại giày đế thấp.
Bàn chân
Khớp cổ chân và gót chân cũng bị ảnh hưởng khi đi giày cao gót. Do trọng tâm dồn nhiều vào mũi chân, khớp cổ chân ở tư thế gập quá lâu sẽ khiến bạn bị đau nhức.
Đi giày cao gót còn làm ảnh hưởng đến gân mặt sau của chân (còn gọi là gân Achilles). Khi bàn chân bị dốc về phía trước, gân Achilles sẽ bị co lên. Gót giày càng cao, gân càng bị dồn nén gây hiện tượng đau nhức gót.
Đi giày cao gót trong thời gian dài, đặc biệt là các loại giày kín mũi sẽ khiến bàn chân bị gò bó, gây ra hiện tượng phù nề, đau nhức mũi chân.
Giày cao gót còn có thể tạo ra các u dây thần kinh Morton và dị dạng bàn chân nhất là khi chị em thường xuyên đi giày cao gót mũi nhọn, hẹp khiến các tổ chức xung quanh các dây thần kinh của ngón chân 3 và 4 bị bó ép.
Người có ngón chân cái to đi giày cao gót chật khít trong thời gian dài có thể bị trồi xương ngón chân.
Ngoài ra, loại giày cao gót quay hậu bót khít, làm bằng da cứng còn có thể khiến xương gót bị phình ra và được gọi là biến dạng Haglund.