Chẩn đoán tại chỗ, chính xác và xử lý kịp thời
Theo thông tin từ BS Nguyễn Thanh Hải, Khoa Khám và Chẩn đoán bệnh tim, Bệnh viện Nhi T.Ư, 13h30 ngày chủ nhật 11/9, anh nhận được yêu cầu giúp đỡ từ các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Nhờ vậy đã góp phần cứu sống bệnh nhân 61 tuổi bằng chẩn đoán tại chỗ, nhanh chóng, chính xác và xử lý kịp thời. Phương tiện chẩn đoán hết sức thô sơ chỉ có Điện tâm đồ + Facebook + Kết nối. Sau khi chẩn đoán, bệnh nhân được chuyển tuyến gấp, hai tiếng sau được cứu sống nhờ can thiệp đặt stent động mạch vành.
Bệnh nhân là Hà Tuấn Ngọc (nam, 61 tuổi) được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) vì có cảm giác nặng ngực. Tại thời điểm vào viện, bệnh nhân chỉ có duy nhất triệu chứng nặng ngực, huyết áp bình thường (110/70), không khó thở (nhịp thở 18 lần/phút)... Vừa theo dõi bệnh nhân, bác sĩ trực vừa tìm cách trợ giúp qua Facebook tới tuyến trên bằng cách gửi hồ sơ bệnh nhân cùng những kết quả xét nghiệm, điện tâm đồ đã có. Rất nhanh chóng, BS Nguyễn Thanh Hải đã xem hồ sơ bệnh nhân; bằng kinh nghiệm của mình, anh nhận thấy điện tâm đồ có hình ảnh nhồi máu cơ tim và đề nghị Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch chuyển viện cho bệnh nhân ngay lập tức. 14h30, bệnh nhân được chuyển viện. Nửa tiếng sau, bệnh nhân đã có mặt ở phòng cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
|
Bệnh nhân Ngọc đang được BS Ngô Thị Thu Hương khám lại. |
Chụp mạch và can thiệp cấp
Trao đổi qua điện thoại, BS Ngô Thị Thu Hương, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ xác nhận: Lúc 15h ngày 11/9 có bệnh nhân tên Hà Tuấn Ngọc được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đến. Từ kết quả điện tim cộng với các xét nghiệm khác, thêm khai thác bệnh sử (bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn dung nạp đường huyết...), các bác sĩ lập tức nhận định bệnh nhân có dấu hiệu nhồi máu cơ tim. 16h30 phút, bệnh nhân được đưa lên bàn để chụp mạch. Quả nhiên, có tổn thương tới 3 thân động mạch vành, trong đó hẹp nặng 95 - 99% động mạch liên thất trước đoạn 1, hẹp 70% động mạch liên thất trước đoạn 3, hẹp 50% động mạch mũ đoạn 2 và hẹp 50% động mạch vành phải đoạn 2. Các bác sĩ đã nong bóng, đặt một stent vào đoạn động mạch liên thất trước. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng, bệnh nhân đã được can thiệp thành công, tránh được một cơn nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm.
Theo BS Ngô Thị Thu Hương, nhồi máu cơ tim là một thuật ngữ chỉ tình trạng hoại tử một phần cơ tim do giảm sút đáng kể lượng máu cung cấp đến một vùng cơ tim. Hầu hết nhồi máu cơ tim là do hẹp tắc mạch vành bởi các cục máu đông, làm ngăn chặn quá trình cung cấp máu và oxy cho tim, khiến tim không được cung cấp đủ dưỡng chất, làm chết các tế bào tim. Bệnh nhân nhồi máu cơ tim nếu không được can thiệp kịp thời thì có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Từ năm 2010, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã có thể giải quyết các trường hợp nhồi máu cơ tim nhờ can thiệp nong và đặt stent động mạch. Việc chuyển tuyến kịp thời từ trung tâm y tế huyện, bệnh nhân không phải di chuyển quá xa xuống tuyến Trung ương khiến bệnh nhân được can thiệp nhanh hơn, giảm nguy cơ tử vong dọc đường.
Nghe tin bệnh nhân đã được can thiệp kịp thời, BS Nguyễn Thanh Hải vui mừng cho biết: Các nguyên tử các bon, nếu liên kết đơn giản chỉ tạo ra được than chì, nhưng biết cách liên kết sẽ tạo ra kim cương. Các bác sĩ hãy tích cực kết nối với nhau, công cụ chỉ đơn giản là Facebook, Viber, Zalo... Điều này sẽ khiến bệnh nhân được hội chẩn nhanh và kịp thời hơn, từ đó tăng thêm cơ hội được cứu sống.
Theo các bác sĩ, mọi người cần cảnh giác với các cơn tức ngực, mỏi hàm, đau tê tay, nhất là đau xiên tay trái, hàm trái... bởi rất có thể đó là triệu chứng của nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân bị đái tháo đường càng cần thận trọng, bởi dấu hiệu nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường đôi khi không điển hình (chỉ hơi mệt, hơi khó thở...). Bệnh nhân có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp phải kiểm soát bệnh tốt để tránh biến chứng nguy hiểm.
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):