Chị vốn là cô sinh viên trường Đại học Sư phạm. Ngày còn ngồi trên ghế giảng đường chị có yêu một anh chàng cùng quê. Nhưng rồi khi học năm cuối chị nhận ra yêu anh không có tương lai, vì thế chị quyết định chia tay. Dù khi đó, anh níu kéo, cầu xin chị đừng để anh đau khổ nhưng chị vẫn nhất quyết bỏ rơi rơi anh.
Không lâu sau đó, chị được bạn bè giới thiệu cho một chàng trai người Hà Nội. Theo giới thiệu chị biết bố mẹ anh đều là dân kinh doanh, có của ăn của để, có nhà mặt phố hẳn hoi. Chị thầm nghĩ nếu lấy được anh chị sẽ chẳng phải lo lắng gì về kinh tế và tương lai.
Chẳng ngờ, sau khi “bẫy” được anh, chị mới vỡ lẽ làm dâu nhà giày đâu có sướng. Bởi bố mẹ anh còn trẻ, họ quán xuyến kinh tế trong gia đình. Gần như ngày nào bố mẹ chồng chị cũng nhắc đến tiền, cách giữ tiền và cách kiếm tiền hiệu quả. Còn chồng chị lúc nào cũng than phiền công việc của vợ “bận rộn sao mà lương thấp?”.
Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ nhà anh chị giàu có khi sống trong căn nhà gần 12 tỷ mặt phố, nhưng thực ra giàu có như thế chỉ để “oai” với anh em làng xóm, chứ làm gì có tiền mà tiêu. Số tiền thu từ kinh doanh, lương thưởng của chồng chị đều được cho vào nguồn tích lũy như đút sổ tiết kiệm, hay mua vàng.
Chị làm dâu suốt 5 tháng trời chưa hề được chi tiêu thoải mái. Lương chị làm bao nhiêu đều phải lo ăn uống các khoản chi lặt vặt bấy nhiêu. Nhiều khi chị cảm thấy khủng hoảng vô cùng. Bố mẹ chồng chị ngày nào cũng dạy “Con phải biết tiết kiệm, biết kiếm tiền, giờ còn trẻ mà lười, mà nản sau này về già không có của ăn của để đâu”.
|
Hơn nửa năm ai cũng nghĩ chị lấy được chồng giàu, có người khen chị “chuột sa chĩnh gạo”, còn người trong cuộc như chị mới thấy thấm khổ (Ảnh minh họa). |
Còn chồng chị anh ngày càng rạch ròi, gia trưởng và luôn coi thường người nghèo khó, thậm chí coi khinh cả bố mẹ vợ, cộng thêm tính keo kiệt nhiều khi khiến chị phát điên lên. Cũng vì thế mà lấy chồng chưa được nửa năm tình cảm của chị dành cho chồng cũng vơi cạn, thay vào đó là sự ghê sợ, chán ghét.
Thậm chí cả chuyện vợ chồng chị cũng chỉ gắng gượng cho xong. Chị cũng không còn khát khao muốn sinh quý tử cho nhà giàu như trước nữa. Có những đêm nằm cạnh chồng chị lại nhớ người yêu cũ, dù đó chỉ là giây phút thoáng qua, nhưng nghĩ tới người cũ dù nghèo chị hạnh phúc hơn nhiều.
Chồng chị khó tính, từ ngày lấy chồng chị chưa một lần được đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Thậm chí chị còn không được mặc váy, trang điểm. Chị cứ đầu bù tóc rối, dọn dẹp nhà cửa, quần áo thì nhàu nhĩ mà của chồng thì lúc nào cũng phải là lượt phẳng phiu.
Nhiều lần chị bảo chồng “hay mình thuê ô sin đi anh”, chồng chị lại gắt gỏng ngay cho rằng thuê ô sin vừa tốn kém lại không hiệu quả. Thêm vào đó, câu nói của anh khiến chị giật mình “Nhà mình tiền của rải khăp nơi, nhà có osin nhỡ chúng nó thèm tiền lấy mất thì sao”.
Hơn nửa năm ai cũng nghĩ chị lấy được chồng giàu, có người khen chị “chuột sa chĩnh gạo”, còn người trong cuộc như chị mới thấy thấm khổ. Nhiều lần chị có ý định ly hôn, nhưng đời người con gái lỡ một lần đò rồi liệu chuyến sau có tốt hơn không, biết đâu “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Cứ rụt rè mãi đến tận bây giờ chị vẫn chưa có đủ dũng khí đưa tờ đơn ly hôn cho chồng ký.
Thế đây, lấy chồng giàu có phải ai cũng sướng. Phận làm con gái may mắn thì đỗ được bến nước trong, còn không may tấp phải bến đục thì phải chịu, như cuộc hôn nhân của chị là một điển hình.
Nhiều đêm nằm nghĩ nước mắt chị cứ chực rơi xuống câu nói quen thuộc của các thành viên nhà chồng cứ ám ảnh chị: “Còn trẻ biết tiết kiệm, biết kiếm tiền, giờ còn trẻ mà lười, mà nản sau này về già không có của ăn của để đâu”.