Cả thôn Yên Nội, cả cái Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai ai cũng mừng cho ca sinh nở có một không hai của cháu bé, ca sinh được chính các chiến sĩ của Công an huyện Quốc Oai trực tiếp đỡ.
Chuyến tuần tra ấn tượng
Vào 4h sáng 22/6, Thiếu úy Nguyễn Văn Tiệp và Thượng sĩ Đoàn Thanh Tùng (cán bộ đội cảnh sát hình sự công an huyện Quốc Oai - Hà Nội) bắt đầu chuyến tuần tra của mình như thường lệ. Cung đường mà những người lính này phải chịu trách nhiệm đảm bảo ANTT dài hơn 10 km thuộc tỉnh lộ 419 từ thị trấn Sài Sơn đến xã Tân Hòa. Khi đó trời bắt đầu trở gió, sấm chớp nhằng nhịt báo hiệu một cơn dông lớn. Khi xe chạy ngang qua, Thiếu úy Tiệp nhận ra đó là 2 người phụ nữ, người ngồi sau đang kêu khe khẽ: “Chị ơi, em đau quá”. Thấy lạ, cả hai anh bàn nhau vòng xe lại thì được biết, đó là chị Nguyễn Thị Xuân đang đưa em dâu là Hoàng Thị Phương (đều trú tại xóm Núi - xã Cộng Hòa - huyện Quốc Oai) đến bệnh viện sinh nở. Thiếu úy Tiệp nhận thấy sản phụ không thể tiếp tục ngồi xe máy được nữa nên nhanh chóng đỡ chị Phương xuống ven đường rồi động viên: “Chị cố gắng một chút, để chúng tôi gọi taxi”. Nói rồi anh giục Thượng sĩ Tùng gọi ngay một lái xe taxi quen biết gần đó đến gấp. Thế nhưng lúc này chị Phương đã không thể chịu đựng được những cơn đau. Hai anh vội trải chiếc áo mưa xuống đất rồi đỡ chị Phương nằm tạm xuống đó, và ngay lập tức, một ca đỡ đẻ vô tiền khoáng hậu đã diễn ra.
|
Thiếu úy Nguyễn Văn Tiệp và Thượng sĩ Đoàn Thanh Tùng - người trực tiếp đỡ đẻ cho chị Phương đêm 22/6. |
Kể lại câu chuyện, Thiếu úy Tiệp cười bảo: “Sự việc diễn ra khá nhanh. Lúc đó, chị Phương đau quá nên bắt đầu la hét ghê lắm. Nhưng giữa bờ đê trống trải, tiếng hét của chị ấy bị những tiếng sấm của cơn dông nuốt chửng. Trong chốc lát tôi đã thấy đầu đứa bé chui ra, còn sản phụ thì đẫm mồ hôi và thở dốc. Tôi bảo cậu Tùng và chị Xuân ra phía sau lưng đỡ sản phụ, còn mình thì đỡ lấy đầu cháu bé, đồng thời bảo chị ấy đừng kêu la để giữ sức rặn đẻ. Cứ thế, chúng tôi thành những bà đỡ bất đắc dĩ. Cũng may mọi việc khá thuận lợi, chưa đầy 10 phút cháu bé đã chào đời và khóc oe oe. Bây giờ kể lại thì chỉ có vậy, nhưng lúc đó, anh em chúng tôi cũng toát mồ hôi vì… hoảng”.
Kể lại việc làm của mình, đến tận bây giờ Thượng sĩ Tùng vẫn đỏ mặt vì… xấu hổ. Anh bảo: “Thú thực, lúc ấy em cũng không ngờ là chị Phương sẽ sinh cháu bé ngay tại đó. Cả 2 anh em đều còn trẻ, chưa vợ con nên cũng chẳng có kinh nghiệm phải bắt đầu ca đỡ thế nào. Thấy sự việc như vậy thì phải xắn tay mà làm thôi. Lúc nghe tiếng chị ấy la hét vì đau đớn, em cũng thấy sợ. Trời thì tối mịt mùng, em phải nổ máy cả 2 chiếc xe rồi rọi đèn vào cho anh Tiệp đỡ cháu bé. Lúc đứa trẻ chui ra, bọn em còn đang lúng túng không biết lấy gì để cắt dây rốn thì may sao người nhà của 2 chị và chiếc taxi cũng vừa kịp đến. Thế là tất cả xúm vào bế cả 2 mẹ con sản phụ đi thẳng tới bệnh viện. Xe vừa sập cửa cũng là lúc cơn mưa ập xuống”.
Niềm vui nhân đôi
Chiều 22/6, Ttượng tá Phạm Danh Mạnh - Trưởng công an huyện Quốc Oai đã đến thăm và tặng quà gia đình cháu bé. Ông bảo, đây là cơ duyên rất đặc biệt mà chiến sĩ của ông gặp được và làm rất tốt để giúp người dân đúng vào lúc họ cần. Còn bà Trần Thị Hợp thì cứ cười suốt vì phấn khởi. Bà nhớ lại: “Cháu Phương theo chồng đi làm ăn xa, gần đến ngày sinh mới xin công ty nghỉ để về quê. Theo lịch thì phải 1 tuần nữa mới đến ngày sinh nở. Đêm ấy, khi thấy cháu kêu đau, gia đình cứ ngỡ là đưa đi thế thôi, chứ vào viện chắc gì đã sinh ngay. Vì thế không ai ngờ là cháu sẽ sinh dọc đường. Phần nữa, nhà neo người chỉ có 2 ông bà già, chồng cháu còn đang mãi tận Hưng Yên nên đành nhờ chị dâu là cô Xuân đưa đi bằng xe máy. Hai chị em đàn bà con gái, lại giữa đêm dông gió như thế, không gặp 2 chú công an thì chẳng biết sự việc sẽ thế nào”. Bác sĩ Đỗ Văn Vi - Giám đốc bệnh viện đa khoa Quốc Oai thì tỏ ra hết sức ngạc nhiên: “Tôi không ngờ 2 chú công an còn trẻ mà đỡ đẻ… chuẩn đến thế. Cháu bé nặng 3,4 kg, sức khỏe của cả 2 mẹ con khi vào viện đều rất tốt”. Riêng đối với chị Phương thì đây sẽ là một kỷ niệm chẳng bao giờ quên. “Em vẫn còn nhớ khi sinh xong, một anh đã cởi chiếc áo đang mặc để ủ ấm cho con em. May mà có chiếc áo đó chứ không thì cháu lạnh chết mất”, chị Phương nói. Còn chị Nguyễn Thị Xuân thì cảm động: “Anh cứ hình dung cảnh tượng 2 người đàn ông lúi húi trên triền đê soi đèn đỡ đẻ cho 1 sản phụ giữa ánh chớp nhằng nhịt và gió lạnh ào ào thì mới hiểu nó ám ảnh em đến thế nào. May sao, cháu em có phúc lớn nên cuối cùng vẫn mẹ tròn con vuông. Em chỉ tiếc là lúc đưa hai mẹ con thằng cu vào nhập viện xong xuôi, 2 anh công an ấy phải cởi trần đội mưa về đơn vị bởi chẳng còn cái áo nào mà mặc”.