Căn bệnh khiến bác sĩ trẻ bất ngờ tử vong khi đang đá bóng

Google News

Chiều 23/4, PGS. TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin về một nam bác sĩ trẻ đang tham gia một trận bóng thì đột ngột ngã xuống, nhanh chóng rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn.

“Kết quả chiếu chụp cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện và tử vong. Đây là một trường hợp rất đáng tiếc ở người đồng nghiệp trẻ, vừa mới xảy ra. Bệnh nhân không hề có bằng chứng, triệu chứng nào của yếu tố nguy cơ như cao huyết áp hay tiểu đường.
Trận đá bóng đó dưới thời tiết nắng nóng dù không phải là nguyên nhân gây ra cơn đột quỵ cho bệnh nhân (vì đã có sẵn nguy cơ bất thường mạch), song thời điểm xảy ra vỡ mạch máu gây xuất huyết não trong thời tiết nắng nóng hay gắng sức chơi thể thao có thể chỉ là yếu tố tăng nguy cơ”, PGS Chi cho biết.
Can benh khien bac si tre bat ngo tu vong khi dang da bong
 Ảnh minh họa
PGS Chi cũng chia sẻ thêm, không ai biết được mình có bất thường dị dạng phình mạch máu não hay không. Muốn biết phải được tầm soát và bác sĩ thường đưa ra lời khuyên người trong gia đình của bệnh nhân đã có tình trạng này có thể đi tầm soát. Việc tầm soát dị dạng phình mạch không cần thực hiện rộng rãi trong cộng đồng.
Chuyên gia này cũng đánh giá trường hợp của bác sĩ trẻ ổ vỡ lớn, diễn biến nghiêm trọng. Vì thế, khi vừa ngã xuống bệnh nhân đã rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn sớm và tử vong do tổn thương quá lớn.
PGS Chi cũng lưu ý người dân trong điều kiện nắng nóng bất thường như hiện nay cần chú ý đến tập luyện. Bởi trong môi trường nắng nóng nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể và gây ra nhiều biến cố.
Trong đó, sốc nhiệt (còn gọi là say nắng) là dễ gặp nhất, nhưng thường chỉ gặp ở những người hoạt động trong trời nắng nóng trong thời gian dài. Khi đó, tình trạng sốc nhiệt có thể xảy ra, người bệnh có thể rơi vào hôn mê.
Vì thế, trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, ở môi trường làm việc khác nhau mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể. Như làm thông thoáng, quạt mát, che chắn, chống nắng khi làm việc ngoài trời. Người chơi thể thao cũng nên lựa chọn thời tiết tắt nắng, dịu mát rồi mới nên chơi.
“Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước khi thời tiết nắng nóng để phòng sốc nhiệt. Trong mùa nóng, lượng nước cơ thể mất đi nhiều qua nước tiểu, mồ hôi, nếu bổ sung không đủ nước sẽ gây hại cho sức khỏe”, PGS Chi khuyến cáo.
Khi gặp bệnh nhân sốc nhiệt, hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, phải tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng cách hà hơi, ép tim cho người bệnh trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu đến, trong quá trình đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
“Nếu cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh. Và khi xảy ra ngừng tuần hoàn, người thân, cộng đồng là những người tiếp cận sớm nhất với bệnh nhân để tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn. Tuyệt đối không đợi bác sĩ đến, hay đến BV mới cấp cứu. Mỗi người nên chủ động học các cách cấp cứu ngừng tuần hoàn (có thể gặp khi đuối nước, đột quỵ) để khi gặp tình huống xấu kịp thời cấp cứu cho người thân. Trên thế giới, việc cấp cứu ngừng tuần hoàn được phổ cập nhiều cho cộng đồng, bởi cộng đồng mới là người tiếp cận bệnh nhân sớm nhất, không phải bác sĩ”, PGS Chi khuyến cáo.
Trong trường hợp thấy mọt người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai nhấn mạnh cần ưu tiên hàng đầu là sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.
"Lúc này, đừng cố cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì thuốc hạ sốt không có giá trị trong trường hợp này. Việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào cùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào. Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh"- TS. Tuấn tư vấn.
Ngoài ra, theo TS Tuấn, người thân cần đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng. Trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và tiến hành các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C rồi chuyển bệnh nhân đến viện nhanh nhất.
Theo N.Huyền/ Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)