PGS. TS Trần Thị Khánh Tường - Trưởng Khoa Y, Trưởng Bộ môn Nội, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết hiện nay hầu như người trẻ ai đi khám bệnh cũng thấy gan có bất thường từ tăng men gan, gan nhiễm mỡ thậm chí nhiều trẻ nhỏ 7 – 8 tuổi cũng đã mắc bệnh lý về gan như men gan tăng, siêu âm gan nhiễm mỡ không do rượu. Những đứa trẻ này đều có đặc điểm chung là dư cân.
Đặc biệt, bác sĩ Tường cho biết, trong đại dịch vừa qua, rất nhiều bệnh nhân tự ý ngưng thuốc khiến cho bệnh nặng, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Thậm chí đã có nhiều người trong một gia đình đều mất vì viêm gan B.
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh lý gan ở người trẻ như xu hướng chuyển dịch giới trẻ thích sống theo kiểu “Tây hoá”. Hai nguyên nhân chính được bác sĩ Tưởng chỉ ra như sau:
Thứ nhất, gan nhiễm mỡ phổ biến không do rượu. Bệnh này liên quan tới lối sống, ăn uống như béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp. Trong khi đó, trẻ em bị thừa cân, béo phì đã bị rối loạn mỡ máu, cha mẹ chỉ đưa đi khám bệnh định kỳ bác sĩ cũng thấy men gan tăng, siêu âm gan nhiễm mỡ.
BS Tường cũng chỉ ra thói quen của người trẻ rất nguy hiểm như lối sống thức khuya, ăn nhiều đồ ăn nhanh. Nếu bạn thức đêm, ngủ bù vào ngày hôm sau hoặc không có ngủ bù, khi thiếu ngủ làm tăng coritsol, tăng các hooc môn làm bạn thèm ăn và ăn nhiều gây béo phì, quá cân dẫn tới bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Ngoài ra, khi bạn thức khuya lại thích các loại thức ăn nhanh càng dễ tăng cân. Chính thói quen thức khuya, ăn thức ăn không khoa học làm gia tăng bệnh lý gan nhiễm mỡ.
|
Ảnh minh hoạ. |
Khi bị gan nhiễm mỡ nếu bạn không can thiệp, điều trị thì bệnh sẽ có nguy cơ bị xơ gan, ung thư gan trong tương lai.
Thứ hai, dân trí của người dân ngày càng nâng cao. Họ đã biết quan tâm tới sức khoẻ hơn và đi khám chữa bệnh thường quy thay vì chờ tới khi có triệu chứng mới đến khám. Khi đó bệnh chưa có triệu chứng đã phát hiện bệnh.
Ngày xưa, người bệnh chỉ phát hiện ở người lớn tuổi, giai đoạn muộn như xơ gan, cổ trướng, báng bụng là do họ không có thói quen khám bệnh vì vậy bệnh gan chúng ta hay gặp ở người già, nhiều tuổi hơn so với hiện nay.
Thời gian để gan nhiễm mỡ tới xơ gan và ung thư gan khoảng 20 – 25 năm nhưng trường hợp bạn cộng thêm các yếu tố như uống rượu, bị thêm viêm gan virus B, C thì tình trạng xơ gan sẽ đến nhanh hơn.
BS Tường đã gặp có bệnh nhân bị mắc viêm gan B từ mẹ lây sang con nhưng không có dấu hiệu gì nên người bệnh không đi kiểm tra. Tới 30 tuổi đi khám sức khoẻ men gan tăng kiểm tra đã thấy có dấu hiệu của xơ gan. Bệnh nhân này cũng thường xuyên uống rượu.
Một người bị bệnh gan mãn tính ở giai đoạn đầu hầu như họ không có triệu chứng. BS Tường cho biết đa số người bệnh chỉ thấy hơi mệt mỏi thoáng qua, chán ăn. Dấu hiệu vô cùng mơ hồ nên người trẻ phát hiện các bệnh lý về gan hầu như qua khám sức khoẻ định kỳ.
Rượu chuyển hóa thành acetaldehyde gây ảnh hưởng xấu đến gan. Ngoài ra, rượu làm thay đổi vi khuẩn có lợi trong ruột, thay đổi tính thấm của màng ruột khiến các vi khuẩn gây hại chui qua màng rào và đi vào tuần hoàn và đi vào gan. Các thụ thể ở gan sẽ nhận thấy các bất thường tiết ra các chất tiền viêm. Chất này làm ảnh hưởng tới gan.
Bệnh gan nguy hiểm ở chỗ hầu như không có triệu chứng rõ ràng, bởi đây là cơ quan có thể hoạt động bù trừ, những hư hại của lá gan dưới 25% có thể tự phục hồi. Nhưng nếu không lưu ý và để gan hư hại quá nhiều, khi đã tổn thương trên 50% mới có triệu chứng.
Để phòng ngừa bệnh gan, bác sĩ Tường khuyến cáo người trẻ, phụ huynh cần loại trừ các yếu tố ảnh hưởng tới gan từ sớm.Trẻ nhỏ cần được quan tâm giảm cân để tránh bệnh gan. Hạn chế thức ăn nhanh. Với trường hợp có bệnh lý gan bạn cần theo dõi khám sức khỏe mỗi 3-6 tháng tùy tình trạng bệnh.