Cách ứng phó với những câu hỏi Tết nào cũng nghe

Google News

Tết là dịp đoàn viên cùng gia đình sau một năm làm việc đầy vất vả. Nhưng với nhiều người, những cuộc tụ họp gia đình đầu năm mới cũng đầy áp lực bởi những câu hỏi khó.

Với những người độc thân, câu hỏi khó nhất ngày Tết là "Bao giờ cưới?", "Khi nào lấy vợ/lấy chồng?". Còn những người mới ra trường, khi công việc chưa thực sự ổn định, câu hỏi về thu nhập hay lương thưởng có phần gây ngại ngùng, khó chịu.
Mỗi người sẽ có một cảm xúc và cách đối đáp khác nhau khi nhận được những câu hỏi "kinh điển" như vậy.
Theo các chuyên gia, giữ một thái độ bình tĩnh và chuẩn bị những câu trả lời hòa nhã là cách tốt nhất để bạn vượt qua những câu hỏi khó này.
Cach ung pho voi nhung cau hoi Tet nao cung nghe
/Uploaded/quocquan/2024_02_11/pexels_inga_seliverstova_3394310_UJWH.jpg
Áp lực so sánh
Theo Nation, thời điểm tụ họp ăn mừng năm mới là khi chúng ta dễ trải qua cảm giác khó chịu khi bị so sánh. Nhiều người có thể bị hỏi về mức thu nhập hay thành tích hiện tại, rồi đem so với bạn bè hay một người anh em nào đó.
Con người luôn có nỗi sợ bị đẩy ra khỏi vòng tròn xã hội nếu không đạt được những thứ như người bằng tuổi, như không có lương cao, không thưởng Tết hay không có chức vụ cao.
Trong buổi gặp mặt, ta sẽ phải nói xem mình đã có việc làm chưa nếu là sinh viên mới tốt nghiệp, có người yêu chưa nếu ở độ tuổi khoảng 25, bao giờ mới cưới nếu ở tuổi 27-30, đã được thăng chức chưa khi đã đi làm nhiều năm.
Áp lực này có thể xuất phát từ nhu cầu so sánh của con người, vốn đã có từ hàng nghìn năm trước. Nhà trị liệu Juulia Karlstedt giải thích rằng tâm lý đó được "kết nối" vào bộ não của chúng ta, bởi nhận thức và điều chỉnh mình cho phù hợp với tiêu chuẩn xã hội là một lợi thế về mặt tiến hóa.
Nếu một người mới ra trường nhưng chưa tìm được việc, hay mới bị sa thải, bị cắt giảm lương do kinh tế khó khăn, những câu hỏi trên thực sự nhạy cảm và khó để chia sẻ.
Nếu cảm thấy người hỏi thân thiết và thực sự quan tâm, bạn có thể thoải mái bộc bạch về tình hình hiện tại. Hãy nhớ rằng mỗi người có một "đồng hồ" trưởng thành riêng.
Trong trường hợp đối phương chỉ hỏi xã giao, hoặc thậm chí hỏi với ý soi mói, bạn có thể từ chối đề cập hoặc lái câu chuyện sang hướng khác. Tiền bạc luôn là vấn đề riêng tư và bạn không có trách nhiệm phải trả lời.
Từ bây giờ, nếu nghĩ mình sẽ được hỏi những câu trên, bạn nên dành chút thời gian để nhìn nhận lại toàn bộ cuộc sống, trọng tâm mà mình hướng tới. Như vậy, bạn sẽ không "chạnh lòng" hay chột dạ, không thấy phải vẽ ra những thứ mình không có để bằng bạn bằng bè.
Bị hỏi "Bao giờ lấy vợ/chồng?"
Giới trẻ ngày nay nghĩ thoáng hơn và không quá áp lực về chuyện lập gia đình sớm. Tuy nhiên, thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta vẫn coi dựng vợ - gả chồng là chuyện quan trọng cả đời, phải lo liệu sớm.
Tết là dịp người trẻ được hỏi câu này nhiều nhất, đặc biệt là những người đã đi làm nhiều năm hoặc có sự nghiệp tương đối ổn định.
Với một số người, "Bao giờ cưới" là câu hỏi đã phải nhận suốt nhiều năm đến mức "chán không buồn nói". Nếu đã quá mệt vì phải trả lời, hãy nói những câu chung chung về việc tìm kiếm đối tượng.
Bạn cũng có thể chuyển từ câu hỏi về mình sang câu hỏi về gia đình của đối phương, như chuyện con cái, áp lực cuộc sống để tạo sự đồng cảm.
Bị hỏi về ngoại hình
Nhiều người thường mở đầu cuộc gặp đầu xuân bằng những câu xã giao như "Dạo này béo lên hả?", "Sao dạo này lạ thế?"... Chỉ là những câu nói bâng quơ nhưng người nghe chắc chắn thấy khó chịu.
Đôi khi, người được hỏi đang gặp vấn đề sức khỏe dẫn đến tăng cân hay nổi mụn, họ sẽ tổn thương khi nghe những nhận xét này.
Nếu cảm thấy không thoải mái, bạn chỉ cần trả lời chung chung rằng "không quá để ý đến vẻ ngoài, miễn vui vẻ và khỏe mạnh là được". Nhưng nếu câu chuyện kéo dài theo hướng miệt thị ngoại hình, bạn có thể dừng nói chuyện.
Theo Đinh Phạm / Znews

>> xem thêm

Bình luận(0)