Trời lạnh, bệnh nhi liệt dây thần kinh số 7 gia tăng
Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ thông tin tiếp nhận trường hợp bé gái 2 tuổi nhập viện trong tình trạng méo miệng, không thể nhắm kín mắt do bị lạnh đột ngột khi bố mẹ cho đi xe máy buổi tối. Sau thăm khám, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Bệnh nhi được điều trị bằng các phương pháp như châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt,... Sau 3 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhi tiến triển, ăn uống tốt, cơ mặt cải thiện nhiều, ăn uống không rơi, mắt nhắm kín, miệng hết lệch,...
Tháng 8/2023 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Bạc Liêu cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 8 tuổi với biểu hiện liệt nửa mặt trái, mắt trái nhắm không kín, miệng méo sang phải. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
|
Trời lạnh, bệnh nhi liệt dây thần kinh số 7 gia tăng. Ảnh: NLD |
Được biết, dây thần kinh số 7 là dây vận động, chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt. Liệt dây thần kinh số 7 có hai loại là liệt dây thần kinh số 7 trung ương (do đột quỵ, tai biến) và liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (do lạnh, số ít do viêm tai giữa, zona thần kinh).
Ước tính, 80% trường hợp nhập viện điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nhiễm lạnh. Tình trạng này bắt nguồn từ việc dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh co lại gây tổn thương.
Những người có nguy cơ cao với liệt dây thần kinh số 7 là người có hệ miễn dịch yếu, thai phụ, người thường xuyên căng thẳng, thức khuya, hay uống rượu bia, người có tiền sử bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp.
Liệt dây thần kinh số 7 có thể ảnh hưởng mọi lứa tuổi, khá phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 15-60. Tuy vậy, tỷ lệ trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 gia tăng hơn trước do chủ quan về mặt sức khỏe, không giữ ấm cơ thể.
Chăm sóc trẻ trời lạnh
Thời gian qua, rét đậm, rét hại liên tục bao trùm miền Bắc. Nhiệt độ giảm sâu khiến các ca bệnh do nhiễm lạnh như liệt dây thần kinh số 7 gia tăng. Trẻ em là đối tượng có sức đề kháng yếu, dễ tổn thương sức khỏe khi gặp thời tiết cực đoan.
|
Để tránh liệt dây thần kinh số 7, việc quan trọng nhất là giữ ấm cho trẻ. Ảnh minh họa |
Liệt dây thần kinh số 7 khi còn nhỏ có thể gây ra các di chứng nặng nề như viêm kết mạc, viêm giác mạc; Co thắt nửa mặt sau liệt mặt; Hội chứng nước mắt cá sấu, chảy nước mắt khi ăn,... gây mất thẩm mỹ. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ trời lạnh, tránh liệt dây thần kinh số 7 rất quan trọng.
Chia sẻ trên trang Nhandan.vn, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng làm việc tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương khuyến cáo việc làm quan trọng nhất là giữ ấm đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Trẻ nhỏ ra ngoài trời cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn.
Tránh cho trẻ ngồi nơi gió lùa, đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.
Trời lạnh, nên tắm, rửa mặt, đánh răng bằng nước ấm. Tốt nhất không nên tắm cho trẻ khoảng 11-13 giờ, sáng sớm hay chiều muộn. Thời gian tắm tốt nhất đối với trẻ nhỏ là 5-10 phút. Trong khi đó, thời gian tắm cho trẻ sơ sinh không quá 2-3 phút.
Chăm sóc sức khỏe tổng thể bằng cách tăng cường vận động, ăn uống đa dạng, đủ dinh dưỡng.
Điều trị dứt điểm các bệnh như viêm tai giữa, viêm mũi họng, thủy đậu và zona.
Tránh các tác nhân kích thích như các chất gây dị ứng, hút thuốc lá thụ động.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Bệnh bại liệt quay trở lại Malaysia