Những chiếc bánh chưng cứu trợ bà con Miền Trung đang bị ngập lụt được xem như giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay. Đây là món ăn no lâu mà nhiều dưỡng chất có thể giúp người dân vùng lũ đổi món sau nhiều ngày phải ăn mì tôm vì thiếu điện nước.
|
Những chiếc bánh chưng được tập kết để nguội trước khi gửi cho đồng bào miền Trung. Ảnh: Zing. |
Tuy nhiên, một số đoàn từ thiện cho biết, có hàng nghìn chiếc bánh chưng chưa kịp tới tay người dân đã bị hỏng, ôi thiu do thời tiết và quá trình vận chuyển. Điều này gây ra tình trạng lãng phí trong khi đồng bào đang rất cần những vật phẩm thiết thực này.
Cách bảo quản bánh chưng được lâu
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chia sẻ cách bảo quản bánh chưng:
Nên dùng lá dong đã được luộc
Theo ông Phong, trước hết, lá dùng để gói bánh cần phải được được rửa kĩ và để ráo nước. Bình thường mọi người không quen gói bằng lá dong đã được luộc, tuy nhiên, đó là cách giúp bánh có thể để được lâu hơn.
Luộc chín bánh phải rửa sạch bằng nước sạch
Sau khi bánh chưng đã được nấu chín, nên rửa bánh lại bằng nước sạch. Như vậy, những nước nhớt khi luộc bánh sẽ không bị bám trên bánh, giữ cho bánh tránh được bị ôi thiu nhanh, nhất là khi thời tiết nắng nóng.
Ép bánh
Ép bằng vật nặng để bánh ém chặt lại hơn. Có thể dùng mâm hoặc vải ni long phủ lên trên, sau đó đặt vật nặng đề lên trên. Cần để vật nặng đè đều lên tất cả số bánh vừa luộc trong vài giờ. Bánh không được ép thường sẽ nhão và dễ thiu.
Treo bánh
Treo bánh nơi mát và thoáng gió sẽ giúp bánh được khô se phần mặt, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa giữ được lâu.
Hút chân không
Sau khi hoàn tất công đoạn ép bánh chưng, cần làm nguội bánh trước khi hút chân không hoặc vận chuyển đi (thông thường 6- 7h). Trước khi gửi đi cho đồng bào, mọi người phải để bánh nguội mới đóng sọt nhựa, sọt tre thoáng khí gửi đi.
|
Sau khi hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh được làm nguội trước khi hút chân không hoặc vận chuyển đi. Ảnh: Internet. |
Để hạn chế tình trạng vận chuyển bánh chưng chưa vào tới nơi đã hư hỏng, ôi thiu, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ trên Infonet rằng các cá nhân, tổ chức nên có kế hoạch phân phối làm sao bánh có thể tới với người dân nhanh nhất, tránh để lâu, công bà con làm, gửi gắm bao nghĩa tình trong đó để mốc thì rất lãng phí.
“Hiện có công nghệ để nguội, đóng gói, hút chân không mà vận chuyển nhanh, đảm bảo thì bánh chưng có thể để được hơn chục ngày”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho biết.
Nếu không may bánh bị ôi thiu, tuyệt đối không sử dụng nữa. Tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm. Vì thế, người dân không nên tiếc mà cần mạnh dạn vứt bỏ những thực phẩm đã bị nấm mốc, tuyệt đối không ăn.