Mẹ chồng tôi sinh được 4 người con trai, ai bà cũng cho đất và vốn làm ăn.
Cuộc đời mẹ bôn ba nên chỉ mong các con có cuộc sống hạnh phúc. Tài sản làm lụng cả đời, bà chia đều hết cho con, chỉ giữ lại chút ít dưỡng già.
Tôi là con dâu út, hợp với bà nhất. Mọi chuyện trong nhà, tôi đều được mẹ chia sẻ.
|
Ảnh: B.N |
Năm 65 tuổi, khi sức khỏe và tinh thần còn minh mẫn, mẹ nằng nặc đòi vào viện dưỡng lão ở. Tài chính trích từ sổ tiết kiệm của bà gửi ngân hàng, các con không ai phải lo.
Mẹ chồng bảo, vào viện dưỡng lão có nhiều bạn bè cùng độ tuổi hàn huyên. Vài năm nữa sức khỏe bà kém đi, trong đó có nhân viên y tế theo dõi chuyên nghiệp, sẽ tốt hơn ở nhà.
Mặc dù tôi hứa sẽ chăm sóc bà tử tế, kể cả khi ốm đau, bệnh tật nhưng mẹ vẫn rời nhà đi. Trái ngược với sự buồn bã của tôi, chồng và các anh lớn lại chẳng có ý kiến gì. Họ coi đó là chuyện bình thường, còn ủng hộ mẹ nhiệt tình.
Họ đâu biết, bà cô đơn thế nào. Sinh bốn người con nhưng từ ngày con trưởng thành, chưa bao giờ cả gia đình có bữa cơm tụ họp đông đủ. Nay được người này, lại thiếu người kia vì bận rộn.
Mỗi lần gặp mặt, bà muốn hỏi chuyện, muốn tâm sự với các con nhưng đáp lại là khuôn mặt cau có, đôi khi là sự thờ ơ. Lúc nào, tôi cũng thấy chồng mình và các anh nói câu cửa miệng: “Bà già rồi, biết cái gì mà nói” hay “bà già rồi, sống bao lâu nữa mà nhiễu sự”…
Những câu nói vô tình khiến tim mẹ chồng tôi đau nhói. Bà thường ngồi hàng giờ xem ảnh các con hồi nhỏ, kể những chuyện xa xưa và người duy nhất lắng nghe là tôi.
Mẹ vẫn nói, nỗi buồn lớn nhất của cha mẹ khi già đi, chính là bị con cái coi thường. Thuở ấu thơ, trong mắt trẻ, mẹ cha là người biết mọi thứ, mạnh hơn tất cả. Cha mẹ là hai ngọn núi, che chở, mang lại bình yên cho con.
Thế nhưng có một ngày, những "ngọn núi" ấy không còn sừng sững nữa. Đó là khi bố mẹ về già. Họ có nhiều điều không dám hỏi, không dám đề cập với con.
Tuổi tác khiến họ dễ tổn thương hơn và con cái dần thay đổi, trở nên thiếu kiên nhẫn, nhiều kiến thức hơn và dần xem thường cha mẹ.
Tôi vẫn nhắc nhở chồng, khuyên anh quan tâm và dành thời gian cho bà nhiều hơn. Chồng chỉ ậm ừ rồi lại bị những dự án kiếm tiền cuốn đi.
Anh vô tâm không nhận ra, quỹ thời gian của mẹ sẽ chẳng còn nhiều. Mẹ già yếu rồi mất đi, anh liệu có lấy lại được năm tháng đã qua hay không?
Từ ngày mẹ vào viện dưỡng lão, Chủ Nhật hàng tuần, gia đình tôi vào chơi với bà, đưa bà đi ăn uống. Tuy nhiên, thi thoảng chồng tôi mới vào cùng, chủ yếu là ba mẹ con tôi.
Miệng mẹ cười nói nhưng đôi mắt vẫn đượm buồn vì các con trai ít thăm hỏi.
Năm 72 tuổi, mẹ tôi lên cơn tai biến rồi nằm liệt một chỗ. Tinh thần vẫn nhận biết được nhưng tay chân thì bất động.
Tôi vào đón bà về nhà, thuê điều dưỡng tập phục hồi chức năng. Các anh chồng tôi ban đầu cũng cuống cuồng, tỏ ra lo lắng nhưng sự thăm viếng dần thưa thớt.
Thế rồi, ngày ấy cũng đến. Tôi đau xót như mất đi một chỗ dựa tinh thần. Các anh chồng đưa vợ con đến khóc lóc một hồi rồi bàn bạc hậu sự.
Trong lúc sắp xếp đồ đạc, tôi thấy tủ bà có 3 chỉ vàng, liền thông báo cho mọi người.
Sau đám tang, cả nhà ngồi tính toán chi phí, chồng tôi và các anh mang chuyện 3 chỉ vàng ra nói.
Người thì đề nghị bán đi, thêm vào tiền tổ chức đám tang, người đưa ra ý kiến bán, chia đều cho 4 con, người lại đề cập chia vàng cho 2 nhà sinh được con trai nối dõi, nhà nào sinh con gái thì thôi.
Ba chỉ vàng có giá trị nhưng không nhiều, cuối cùng thành nguồn cơn để 4 anh em ruột lăng mạ, ẩu đả.
Giờ ai cũng nóng, chưa muốn làm hòa. Tôi là dâu út, lời nói ít trọng lượng, chẳng biết làm sao để hóa giải mọi chuyện.
Mẹ chồng tôi ở nơi xa, có lẽ đau lòng lắm!