Đài TV5 của Philippines ngày 23/12 đưa tin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này vừa cấp phép lưu hành vacxin phòng sốt xuất huyết Dengvaxia của Sanofi Pasteur, phân nhánh chế tạo vacxin thuộc Hãng dược Pháp Sanofi SA.
Philippines trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới và đầu tiên tại châu Á cho phép lưu hành Dengvaxia.
"Vẫn còn một số lo ngại khác và chúng ta phải chờ một đến hai năm nữa để xem phản ứng của việc sử dụng vacxin tại Mexico như thế nào"
TS MISHRA, cựu giám đốc Viện Virút học Ấn Độ
|
Bệnh nhi bị bệnh sốt xuất huyết nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Cần thận trọng
Trước đó, Mexico đã đi tiên phong sử dụng loại vacxin này. Bộ Y tế Mexico đánh giá mỗi năm Dengvaxia giúp hơn 8.000 người Mexico tránh bị mắc bệnh, cứu sống khoảng 100 bệnh nhân, có thể giúp chính phủ nước này tiết kiệm khoản chi phí điều trị lên tới 64 triệu USD.
Các nước bị dịch sốt xuất huyết hoành hành cũng đang tiến hành các quy trình kiểm tra riêng của mình đối với Dengvaxia.
Vacxin Dengvaxia được Hãng dược Sanofi nghiên cứu và phát triển hơn hai thập kỷ với 25 nghiên cứu lâm sàng trên 40.000 người (chủ yếu ở các nước có dịch như Mexico, Philippines, Ấn Độ...).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ tạo miễn dịch đối với cả bốn chủng virút sốt xuất huyết của Dengvaxia là 60,8% - tương đối thấp so với các vacxin khác, nhưng Dengvaxia phát huy tác dụng tối đa khi ngăn chặn bệnh diễn biến trầm trọng - với tỉ lệ lên tới 93,2%.
Bên cạnh đó, nguy cơ phải nhập viện của người mắc bệnh giảm đến 80%.
Hiện Dengvaxia mới được thử nghiệm ở người trong nhóm tuổi từ 9-45. Các nhà nghiên cứu cho rằng cần vài năm nữa để vacxin này được phân tích thêm và chứng tỏ hiệu quả bảo vệ trước khi áp dụng cho mọi lứa tuổi.
Dengvaxia đang được Sanofi sản xuất tại Pháp, nhà máy có công suất 100 triệu liều mỗi năm.
Theo AFP, công trình nghiên cứu của Sanofi tiêu tốn hết 1,6 tỉ USD nhưng họ có thể kiếm lại doanh thu 1 tỉ USD hằng năm bắt đầu từ năm 2018 hoặc 2019.
Có nhiều hãng dược đang phát triển vacxin phòng sốt xuất huyết như Merck của Mỹ, Takeda của Nhật, GlaxoSmithKline của Anh... tuy nhiên Sanofi cán đích trước các đối thủ.
Tại Ấn Độ, theo báo Indian Express, các chuyên gia của Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ cho rằng cần có thời gian trước khi đưa vacxin Dengvaxia vào cộng đồng.
Họ yêu cầu phải có đủ dữ liệu và nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của vacxin đối với các chủng sốt xuất huyết tại Ấn Độ.
Tiến sĩ Cecilia Dayaraj, nhà virút học Ấn Độ, trong một bài báo năm 2014 đăng trên tạp chí Public Health của WHO Đông Nam Á chỉ ra rằng bệnh sốt xuất huyết có thể phức tạp hơn nhiều người tưởng.
Chuyên gia Dayaraj nhận định khi một người mắc sốt xuất huyết và khỏi bệnh, họ chỉ được miễn dịch với một chủng của virút, nhưng sau ba đến bốn tháng họ vẫn có thể bị lây nhiễm bởi ba chủng còn lại. Lần mắc bệnh thứ hai thường gây nguy hiểm hơn lần đầu.
Độc tính của virút sốt xuất huyết khác nhau ở mỗi chủng, một trong số chúng sẽ vượt trội “người anh em” của mình.
Đến tháng 11 năm nay, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 90.000 ca sốt xuất huyết với gần 200 người chết. Con số trên thực tế còn cao hơn.
Tiến sĩ Mishra, cựu giám đốc Viện Virút học Ấn Độ, đánh giá thành tựu của các nhà khoa học trong nghiên cứu căn bệnh sốt xuất huyết đến nay là đáng kể và vacxin Dengvaxia có thể xem như một cột mốc.
Bộ Y tế Việt Nam
còn cân nhắc
Liên quan đến vacxin ngừa sốt xuất huyết, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế VN rất chú ý đến vacxin này.
Theo ông Phu, năm 2015 VN có 80.000 ca mắc sốt xuất huyết, so với năm 2014 số mắc năm 2015 tăng rất mạnh, riêng ở Hà Nội số mắc tăng hơn cùng kỳ trên 4 lần và số ca mắc vẫn ở mức cao, dù thông thường đỉnh dịch sốt xuất huyết Hà Nội từ tháng 9-11.
Nhưng so với các nước trong khu vực như Campuchia hay Philippines thì mức độ gia tăng số ca mắc tại VN chưa trầm trọng bằng.
Tuy nhiên đây không phải là lý do VN chưa sử dụng vacxin này, mà theo ông Phu, một phần còn do hiệu lực bảo vệ của vacxin.
“Hiệu lực bảo vệ ở type cao nhất đạt trên 60%, các type còn lại đạt thấp hơn, có type chỉ đạt trên 40%. Thông thường khi mắc lại sốt xuất huyết (sau khi đã mắc bệnh nhưng ở type khác, sốt xuất huyết có 4 type từ D1-D4) thì biểu hiện bệnh nặng hơn.
“Có khi nào tiêm vacxin phòng được type này nhưng vẫn mắc các type còn lại, và khi đó bệnh cảnh sẽ nặng lên”- ông Phu băn khoăn.
Trong báo cáo mới đây về vacxin ngừa sốt xuất huyết, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết văcxin này đã được nghiên cứu trong 20 năm và được thử nghiệm tại 17 nước, gồm cả VN. Trong đó, mỗi liệu trình tiêm văcxin sốt xuất huyết gồm 3 mũi chích cách nhau 6 tháng/mũi.
Văcxin này hiệu quả ở nhóm 9-45 tuổi. Trẻ em dưới 9 tuổi, nhóm hay mắc sốt xuất huyết, lại không được khuyến cáo tiêm ngừa vacxin này do hiệu quả bảo vệ thấp.
Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cho biết các chuyên gia về chiến lược tiêm chủng của WHO đang nghiên cứu và tháng 4/2016 sẽ tư vấn cho tổ chức này về hiệu quả bảo vệ, chi phí, gánh nặng bệnh sốt xuất huyết và sử dụng vacxin một cách an toàn.
Sau khi WHO có khuyến cáo, VN sẽ có quyết định của riêng mình. Nhưng theo ông Phu, muốn được lưu hành tại VN thì vacxin này phải trải qua quá trình nghiên cứu lâm sàng, đánh giá hiệu quả và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục dự kiến sẽ kéo dài hàng năm.
400 triệu ca nhiễm mỗi năm
Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến tại các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới tại châu Á, Mỹ Latin. WHO ước tính muỗi mang virút sốt xuất huyết gây ra gần 400 triệu ca lây nhiễm mỗi năm, giết chết khoảng 22.000 người.
Trong 50 năm trở lại đây, sốt xuất huyết đã “có mặt” tại 128 quốc gia so với chỉ vài vùng lãnh thổ ban đầu, trong khi tỉ lệ mắc bệnh tăng lên 30 lần.
Châu Á là khu vực có dân số mắc sốt xuất huyết nhiều nhất thế giới, khoảng 67 triệu người mỗi năm và phải chi khoảng 6,5 tỉ USD mỗi năm cho chi phí thuốc men và các khoản khác liên quan đến sốt xuất huyết.