Biến dạng cẳng tay vì bó thuốc nam và loạt hậu quả đáng sợ

Google News

Bó thuốc nam để chữa gãy tay, nhiều người gặp hậu quả đáng sợ như biến dạng, thậm chí suýt mất cánh tay.

Mới đây, Khoa Ngoại tổng hợp - Chuyên khoa, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ) tiếp nhận trường hợp người bệnh L.V.T. (46 tuổi, trú tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) nhập viện trong tình trạng 1/3 dưới cẳng tay phải sưng nề biến dạng, lệch trục chi, vận động cẳng tay phải hạn chế.
Thông tin trên VTV cho biết, cách vào viện 2 tháng, người bệnh bị ngã chống tay phải xuống nền cứng và bị gãy xương quay tay phải. Tuy nhiên, bệnh nhân khi đó không tới bệnh viện điều trị mà ở nhà tự bó thuốc nam. Chỉ khi tay phải biến dạng, đau nhức, hạn chế vận động, người bệnh mới đến Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn để khám và điều trị.
Tại đây, qua thăm khám và kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị lệch 1/3 dưới xương quay phải, chỗ xương gãy bị sưng viêm, buộc phải phẫu thuật. Sau phẫu thuật, người bệnh hồi phục sức khỏe tốt, đỡ đau nhức và được hướng dẫn các bài tập vận động.
Bien dang cang tay vi bo thuoc nam va loat hau qua dang so
 Các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: VTV. 
Trước đó, nhiều trường hợp cũng phải đối diện những hậu quả nặng nề do tự ý bó thuốc nam để chữa gãy tay.
Vào tháng 8/2022, một nữ bệnh nhân ở Phú Thọ gặp họa khi đắp thuốc nam chữa gãy tay suốt 3 tuần.
Thông tin trên Vietnamnet cho biết, 3 tuần trước khi vào viện, nữ bệnh nhân (ở Phú Thọ), bị ngã. Sau đó, người bệnh thấy đau nhiều ở cẳng tay trái. Không đến viện thăm khám, người này tự điều trị tại nhà bằng cách đắp thuốc nam. Bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khám trong tình trạng cẳng tay trái sưng nề, đau đớn, vận động hạn chế.
Bien dang cang tay vi bo thuoc nam va loat hau qua dang so-Hinh-2
 Ảnh: Vietnamnet. 
Kết quả chụp X-quang cho thấy, hình ảnh gãy 1/3 trên xương trụ tay trái, các bác sĩ chỉ định mổ kết hợp xương. Sau khi điều trị, bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Vào tháng 2/2022, Bệnh viện Đa khoa An Phát (Nghệ An) tiếp nhận bệnh nhân 55 tuổi, trú tại Tân Kỳ, Nghệ An, suýt mất cánh tay vì bó thuốc nam chữa gãy tay.
Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân bị gãy xương cánh tay phải đã 10 ngày, mặc dù đã đi khám và được bác sĩ tư vấn điều trị nhưng bệnh nhân lại đi thầy lang bó thuốc. Sau khi bó thuốc, toàn bộ cánh tay phải bệnh nhân sưng nề và mất dần chức năng.
Bien dang cang tay vi bo thuoc nam va loat hau qua dang so-Hinh-3
Ảnh: BVCC/VTV.  
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng mất vận động tay phải, toàn bộ da vùng cánh tay sưng nề, thâm nhiễm. Chụp X-quang có hình ảnh gãy 1/3 trên xương cánh tay, xét nghiệm máu ghi nhận tình trạng nhiễm trùng.
Ngay sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật kết hợp xương. Sau khi tình trạng ổn định, bệnh nhân được xuất viện.
Năm 2019, anh Vũ Văn T. (43 tuổi, ở Uông Bí, Quảng Ninh) bị ngã từ độ cao khoảng 1,2m xuống nền cứng, sau ngã đau, cẳng tay trái cử động khó khăn. Bệnh nhân đã đi khám, trên phim X-quang cho thấy anh bị gãy xương cẳng tay trái. Tuy nhiên, anh không điều trị tại bệnh viện, lại mang phim chụp đến nhờ thầy bó thuốc nam với suy nghĩ chỉ cần bó thuốc nam bệnh sẽ khỏi.
Sau khoảng 20 ngày điều trị, anh T. thấy tay vẫn còn đau nhức, rất khó vận động. Anh đi kiểm tra lại tại bệnh viện, thấy xương vẫn còn lệch, bệnh chưa tiến triển. Nhưng vì chủ quan, anh vẫn tiếp tục điều trị bằng đắp thuốc nam tại nhà. Sau đợt điều trị thuốc nam lần 2, tay anh T. đau nhức nhiều, vận động khó khăn, tê bì các ngón tay, anh T. mới nhập viện để điều trị.
Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, sau khi tiến hành thăm khám các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị gãy đầu dưới xương quay trái, lệch biến chứng chèn ép thần kinh giữa cổ tay trái. Người bệnh có tiền sử đái tháo đường, tăng men gan và được chỉ định phẫu thuật chỉnh xương.
Vào năm 2018, theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, tin theo lời thầy lang chữa bệnh, bà C. (ở Hưng Yên) đi đắp thuốc, bó lá chữa gãy trật khớp vai suốt 1 tháng. Đến khi thấy chỗ khớp vai sưng nề, đau tăng lên, bà được người nhà đưa đến Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức. Khi đó, tình trạng của bà đã quá nặng, phải phẫu thuật thay khớp vai, nếu không bệnh nhân có nguy cơ bị tàn phế.
Qua những trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị các chấn thương, tổn thương đến xương khớp cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, không nên tự điều trị tại nhà bằng bất cứ phương pháp dân gian nào để tránh những biến chứng có thể xảy ra như nhiễm trùng, cong vẹo, lệch trục chi, ảnh hưởng vận động…
>>> Mời độc giả xem thêm video: Bê bối thuốc giảm cân tại Pháp

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)