Tuổi trẻ là những năm tháng cơ cực
Chúng tôi tìm về xã Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) hỏi thăm gia đình cụ bà Dương Thị Chạo (sinh năm 1904) thì hầu hết bà con nơi đây đều biết cụ. Bởi theo người dân sống ở đây, người 111 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, tinh thần minh mẫn giống như cụ Chạo là rất hiếm. Bí quyết sống khỏe, bí quyết trường thọ của cụ Chạo được nhiều người dân học tập.
|
Cụ Dương Thị Chạo. |
Được biết, cụ Dương Thị Chạo sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo ở thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa. Sinh ra đúng thời đất nước chiến tranh, loạn lạc nên tuổi trẻ của cụ Chạo là những tháng ngày cơ cực, quanh năm suốt tháng kiếm miếng ăn sống qua ngày.
Năm 19 tuổi, cụ Chạo lập gia đình. Sau đó, cụ lần lượt sinh được 9 người con. Tuy nhiên, do sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, miếng ăn không đủ, bệnh tật lại đeo bám nên 6 người con của cụ lần lượt chết trẻ. Nỗi đau trong lòng chưa kịp nguôi ngoai, năm 1946, chồng của cụ Chạo tham gia du kích bị địch bắt và bị chúng tra tấn cho đến chết. Mất con, mất chồng, cụ Chạo sống như người mất hồn nhiều tháng trời.
Được sự động viên của người thân, bạn bè, cụ Chạo cố gắng vượt qua nỗi đau. Những tháng ngày tiếp theo, một mình cụ tần tảo nuôi những người con còn lại (cụ Chạo có nhận thêm một cô con gái nuôi cho "có nếp, có tẻ", cả con đẻ và con nuôi là 4 người con).
Trong những năm thôn Hòa Loan bị địch tạm chiếm, cụ Chạo đã đào hầm nuôi giấu cán bộ ngay dưới nhà mình. Còn những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cụ Chạo vừa phụ giúp con dâu làm công việc nhà để con đi học y về giúp bà con chữa bệnh, lại nhiệt tình tham gia công việc bên hợp tác xã.
|
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cụ Dương Thị Chạo vì những đóng góp cho kháng chiến. |
Trải qua bao năm tháng khó khăn, đến nay, cụ Chạo đã được vui hưởng tuổi già bên con cháu. Hiện cụ có hơn 100 người con, cháu, chắt. "Nhìn thấy các con, cháu... về nhà cười đùa là tôi vui rồi", cụ Chạo nói to từng tiếng.
Hiện tại, cụ Chạo sống trong ngôi nhà khang trang với không gian rộng rãi, thoáng mát cùng con trai Nguyễn Văn Thăng và con dâu Dương Thị Thịnh.
|
Ngày ngày, bà Dương Thị Thịnh (trái) vẫn ân cần chăm sóc chu đáo cho mẹ chồng. |
Sở thích nghe nhạc, ăn trầu
Vất vả từ nhỏ, đến nay đã bước sang tuổi 111, nhưng cụ Chạo vẫn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, da dẻ hồng hào. Cụ nói chuyện không hề bị hụt hơi và rất rõ ràng, mặc dù tai và mắt cụ hơi kém. Đặc biệt, cụ Chạo vẫn có thể tự đi lại được và tự làm vệ sinh cá nhân cho mình.
|
Cụ Chạo năm nay đã 111 tuổi. |
Nói về sinh hoạt của mẹ chồng, bà Dương Thị Thịnh cho hay: "Sau khi tắm xong, quần áo cụ tự giặt lấy mà không muốn chúng tôi làm thay. Chỉ lúc nào cụ thấy người hơi mệt mới nhờ chúng tôi làm giúp".
"Quanh năm, dù trời nóng hay trời lạnh, mẹ chồng tôi vẫn thích tắm nước lạnh, nhiều lần con cháu khuyên nhưng cụ vẫn dội gáo nước lạnh ào ào và nói tắm như thế cho khỏe người", bà Thịnh cho biết.
Theo người nhà của cụ Chạo chia sẻ, mỗi ngày cụ có thể ăn từ 2 đến 3 bát cơm, sinh hoạt điều độ, cụ sống rất lành mạnh, gọn gàng và cực kỳ ngăn nắp.
|
Cụ Chạo vừa nhai trầu, vừa nghe nhạc - một sở thích rất đặc biệt. |
Điều đặc biệt hơn, là cụ Chạo còn thích ăn trầu và nghe nhạc. "Cụ nghiện trầu từ lúc còn trẻ. Cụ ăn trầu phải kèm với thuốc, cụ có thể nhai ngày, nhai đêm, thậm chí đến khi đi ngủ cụ vẫn ngậm miếng trầu trong miệng. Mặc dù bây giờ răng cụ không còn nữa nhưng nhai trầu thì cụ vẫn cứ nhai. Cụ nhá bằng lợi nếu là cau tươi, còn cau khô thì cụ dùng đồ giã để giã và một ngày cụ có thể nhai hơn chục miếng trầu", ông Nguyễn Văn Thăng (con trai cụ Chạo) chia sẻ.
Còn nghe nhạc, ông Thăng nhờ con, cháu tải nhiều bài hát (chủ yếu là bài hát thời chiến tranh) vào một chiếc điện thoại đa chức năng rồi hàng ngày mở thật to, đặt trên đầu giường để cụ Chạo nghe. "Thích lắm! Nghe hay lắm", cụ Chao nói.
Chia sẻ về sự trường thọ của cụ Chạo, bà Dương Thị Thịnh cho rằng: "Có lẽ nhờ lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ cả về dinh dưỡng và tinh thần, đặc biệt là những sở thích như ăn trầu, nghe nhạc, tắm nước lạnh đã giúp cho mẹ tôi sống vui vẻ cùng các con, các cháu... đến bây giờ. Chúng tôi vui lắm, mong mẹ sẽ sống thật lâu để chúng tôi được chăm sóc cho mẹ, bù đắp lại phần nào nỗi khổ cực vất vả mà mẹ đã trải qua".
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Đào Văn Nhận - Trưởng thôn Hòa Loan - cho biết: "Thôn Hòa Loan 5, 6 cụ gần 100 tuổi, cao tuổi nhất là cụ Chạo 111 tuổi. Hằng năm, mỗi dịp Tết đến Xuân về, phía đoàn thể cán bộ xã, thôn cũng tổ chức thăm nom, mừng thọ cụ. Phải nói rằng, sức khỏe của cụ Chạo đúng là "trời phú", hiếm ai ở độ tuổi như cụ mà còn khỏe mạnh, minh mẫn như vậy".