Ngày 14/8, Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công văn nhắc nhở toàn ngành liên quan đến việc Bệnh viện 108 bỏ lọt ca COVID-19.
Theo đó, ca bệnh COVID-19 thứ 867 đã đến BV Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Thanh Nhàn khám. Sau hai lần được CDC Hà Nội và BV Thanh Nhàn lấy mẫu, đến ngày 11/8 có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.
Theo điều tra dịch tễ, ngày 8/8, bệnh nhân 867 đi taxi (cùng vợ) đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ 7h30-11h. Theo thông tin BV Trung ương Quân đội 108 cung cấp, khi đến khám, bệnh nhân được phân luồng ngay từ cổng và đưa thẳng vào Phòng khám COVID-19 sàng lọc riêng biệt. Tuy nhiên, bệnh viện đã “bỏ lọt” bệnh nhân COVID-19 này.
Đến khi bệnh nhân tới khám ở BV Thanh Nhàn, cơ sở này đã chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2, lấy mẫu gửi lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, kết quả âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 (hôm 10/8).
Tuy kết quả âm tính nhưng hình ảnh chụp phim phổi vẫn thấy nghi ngờ nên bệnh viện tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày 11/8, cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Cùng ngày CDC Hà Nội đã xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này và cũng cho kết quả dương tính.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, sau khi nhận được báo cáo và phân tích ca bệnh này, Cục quản lý Khám, chữa bệnh hoan nghênh và biểu dương BV Thanh Nhàn đã đề cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn sàng lọc, phân luồng, cách ly phòng chống dịch COVID-19. Việc sàng lọc đúng, chỉ định xét nghiệm sớm và kỹ lưỡng 2 lần (lần đầu kết quả âm tính) đã tránh được BV lớn của Thủ đô nguy cơ bị phong tỏa và bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.
|
Để phòng tránh COVID-19, bệnh nhân cần đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và khai báo y tế trung thực khi đến bệnh viện thăm khám. Ảnh: BV Bãi Cháy. |
Liên quan đến ca bệnh này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Cục Quân y - bộ Quốc phòng, BV Trung ương Quân đội 108 và các bệnh viện thuộc bộ, ngành có người bệnh đến khám cần khẩn trương rút kinh nghiệm việc sàng lọc, phân luồng, cách ly, lấy bệnh phẩm xét nghiệm và quản lý các ca nghi nhiễm COVID-19, tuyệt đối không để người nghi nhiễm tự ý di chuyển.
Bộ Y tế cũng yêu cầu toàn bộ bệnh viện trên toàn quốc cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học của hai bệnh viện trên.
Bệnh nhân cần làm gì khi đi đến bệnh viện thăm khám
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp nhưng việc khám chữa bệnh là nhu cầu thiết yếu của người dân. Bên cạnh những biện pháp chủ động phòng tránh dịch bệnh quyết liệt của các bệnh viện và nhân viên y tế trong quá trình thăm khám nhằm bảo vệ sức khỏe cho người bệnh thì đòi hỏi sự chủ động, ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân của mỗi người bệnh.
Những điều người bệnh, người nhà người bệnh cần làm để bảo vệ sức khỏe khi đến bệnh viện khám chữa bệnh.
Đối với người bệnh đến thăm khám
Đeo khẩu trang trong quá trình thăm khám tại bệnh viện.
Sát khuẩn tay nhanh khi vào khu vực thăm khám và sau khi hoàn tất quy trình thăm khám.
Khai báo y tế trung thực và đo thân nhiệt theo hướng dẫn của nhân viên y tế của bệnh viện. Những trường hợp nghi nhiễm COVID-19 có triệu chứng và yếu tố dịch tễ rõ ràng sẽ được chuyển tới phòng khám cách ly với bác sĩ trang bị đầy đủ đồ bảo hộ Y tế; được cách ly tạm thời và nhanh chóng chuyển đến cơ sở điều trị COVID-19 theo quy định của Sở Y tế và Bộ Y tế.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể khai báo y tế online trước khi đến khám, giúp bạn tiết kiệm thời gian khi đăng ký khám bệnh, tránh tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Người dân sẽ khai báo trên thiết bị điện tử và chỉ cần đưa kết quả khi đến bệnh viện mà không cần khai báo gì thêm.
Tuân thủ khoảng cách an toàn trên 2m đối với người bệnh đến khám và nhân viên y tế, đặc biệt tại các khu vực Khám bệnh cấp cứu, Khu vực Bếp ăn.
Người bệnh điều trị nội trú được 1 người chăm sóc
Mời độc giả theo dõi video "Bluezone: Ứng dụng truy dấu Covid-19 đạt 2 triệu lượt tải". Nguồn: VTC1.
Đối với người nhà chăm sóc bệnh nhân
Thực hiện đo thân nhiệt mỗi ngày theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Đeo khẩu trang trong quá trình chăm sóc người bệnh và khi di chuyển tại các khoa, phòng trong bệnh viện.
Rửa tay thường xuyên với dung dịch sát khuẩn khuẩn tay nhanh.
Hạn chế đi ra ngoài khu vực bệnh viện trong thời gian chăm sóc người bệnh.