TPHCM gia tăng ca sốt xuất huyết nặng, nguy cơ dịch bùng phát

Google News

Đến giữa tháng 4/2022, TPHCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue. Trong đó, 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện, 2 ca tử vong.

Số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021. So với 2019, năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc, số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. 

Các chuyên gia của Sở Y tế TP HCM cảnh báo, với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, khả năng cao là số mắc bệnh trong cộng đồng có thể nhiều hơn số ca ghi nhận.

TPHCM gia tang ca sot xuat huyet nang, nguy co dich bung phat

Số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trong 16 tuần đầu năm 2022 tại TP HCM

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, với biến đổi khí hậu, dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu mùa dịch, dự báo năm 2022, bệnh sốt xuất huyết sẽ rất phức tạp.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, để sẵn sàng ứng phó với sốt xuất huyết, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Trung tâm Kiển soát Bệnh tật TP HCM triển khai tập huấn nhắc lại nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị.

Sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh.

Các chuyên gia y tế khuyến nghị, người dân cần dành 10 - 15 phút/tuần dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, môi trường xung quanh, thu dọn vật chứa đọng nước như xô, lọ, chai cũ; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối…

TPHCM gia tang ca sot xuat huyet nang, nguy co dich bung phat-Hinh-2
Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh, đặc biệt ở những nơi nước đọng.  Ảnh: HCDC

Đậy kín các vật dụng chứa nước để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

HCDC hướng dẫn giai đoạn hết sốt (thường vào ngày thứ 5 - 7 của bệnh) là giai đoạn bệnh thường tiến triển nặng, cần chú ý theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh: Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn; chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, tiểu ra máu, đi tiêu ra máu hoặc tiêu phân đen, chảy máu âm đạo ở nữ;

Các triệu chứng nghiêm trọng khác của bệnh sốt xuất huyết bao gồm: tay chân lạnh, hết sốt nhưng vẫn mệt, ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu li bì; thay đổi tri giác (kích thích, lơ mơ, co giật...).

Mời độc giả xem thêm video Singapore mở trại nuôi muỗi chống sốt xuất huyết ( Nguồn: THDT)


An Quý

>> xem thêm

Bình luận(0)