Bé trai 2 tuổi suýt chết vì thói quen đeo dây chuyền cho con

Google News

Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở, có một dị vật mắc trong cổ được xác định là mặt dây chuyền.

Theo lời cô giáo trông trẻ, vào trưa 26/10, bé B.Đ.N.N (2 tuổi, ngụ Tân Tạo, Bình Chánh) bắt đầu kêu la, khóc không ngừng, liên tục chỉ tay vô cổ. Tình trạng này xảy ra sau khi bé ngồi cầm chơi và ngậm mặt dây chuyền.
Sau khi tìm khắp nơi không thấy mặt dây chuyền, cô giáo nhanh chóng đưa cháu đến khám phòng khám đa khoa gần trường. Kết quả chụp X-quang ngực phát hiện dị vật, bé được chuyển ngay đến Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố để cấp cứu.
Tại bệnh viện, sau khi hội chẩn xác định dị vật mắc trong cổ bé rất to, hình tròn nằm chiếm hết lòng đầu trên thực quản, gần ngay ngã ba thông với đường thở, các bác sĩ nhận định khả năng dị vật gây trầy, rách thực quản, hay hóc ngược vào đường thở rất cao nếu xử trí không khéo.
Sau đó, e-kip nội soi trực tai mũi họng do bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Thiện Nhơn quyết định tiến hành gây mê nhẹ nhàng, dùng ống soi gắp dị vật ra khỏi thực quản cho bệnh nhi. Kết quả kiểm tra cuối cùng cho thấy lòng thực quản của bé chỉ tổn thương nhẹ niêm mạc, có thể nhanh chóng bình phục và xuất viện trong nay mai.
Be trai 2 tuoi suyt chet vi thoi quen deo day chuyen cho con
Hình ảnh chụp X-Quang của bé trai. 
Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Bạch Thiên Phương, trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, dấu hiệu nhận biết trẻ bị hóc dị vật là trẻ đột ngột ho, sặc sụa, thở hổn hển hoặc kêu không thành tiếng, không thở được, lịm dần, mắt trợn ngược, môi tái rồi tím dần… Cấp cứu đúng cách là bước quan trọng quyết định thành công trong việc cứu trẻ bị hóc dị vật.
Qua trường hợp trên, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố khuyến cáo các bậc phụ huynh khi trông coi con em nên cẩn thận với đồ chơi trong tay các bé. Gia đình, nhà trẻ không để những đồ vật sắc nhọn, có kích thước nhỏ trong tầm với của trẻ em, dễ làm các bé tò mò rồi bỏ vào miệng ngậm, trẻ mới biết đi lại có xu hướng cho mọi thứ vào miệng và đôi khi nuốt chúng, dẫn đến hậu quả khó lường. Các vật phẩm tiềm tàng nguy hiểm như đồ sắc nhọn và pin nhỏ có thể làm rách hoặc đốt thực quản nếu trẻ nuốt phải. Những dị vật mắc kẹt hơn 24 tiếng cũng đòi hỏi can thiệp. 
Cách sơ cứu trẻ hóc dị vật
Không chỉ trường hợp trên mà trên thực tế rất nhiều trẻ gặp tình trạng hóc nghẹn dị vật nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, cha mẹ cần phải biết những cách sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật trước khi cho nhập viện:
Đối với trẻ dưới 1 tuổi:
- Đặt đứa trẻ nằm sấp trên cánh tay, nghiêng đầu trẻ cho mặt hướng xuống dưới. Vỗ 5 lần vào phần lưng phía gần vai của trẻ để di chuyển vật bị nghẹt ra khỏi miệng.
- Đặt trẻ nằm ngửa ra, dáng người nghiêng, đầu hướng xuống phía dưới. Nhấn ngón giữa và ngón trỏ của bạn vào dưới lồng sườn 5 lần.
Đối với trẻ trên 1 tuổi
- Dùng tay đỡ đứa trẻ ngả người về phía trước, để chân và tay trẻ tự do. Vỗ liên tục vào giữa bả vai, đồng thời nhấn nhanh, mạnh khoảng 5 lần.
- Xoay người đứa trẻ hướng lưng vào ngực bạn, quỳ xuống ngồi ở ngang tầm trẻ, vòng hai tay ra phía trước ngực trẻ, nắm tay thành nắm đấm, tay này đặt lên tay kia rồi tiến hành ấn mạnh khoảng 5 lần vào điểm vào vị trí giữa sườn và rốn, theo phương từ dưới lên. Thực hiện cho đến khi vật thể mắc ở họng trẻ ra ngoài.
Theo Khám Phá

>> xem thêm

Bình luận(0)