Theo South China Morning Post, nhiều cơ sở trung gian chuyên đặt lịch khám chữa bệnh tại các trung tâm y tế Hong Kong đang trong tình trạng "đắt khách", một số công ty thậm chí tăng gấp đôi giá dịch vụ.
Các đơn vị này đã nhận được hơn 30.000 đề nghị đặt chỗ từ các phụ huynh. Trong khi đó, một số phòng khám tư nhân tại Hong Kong kín lịch tiêm chủng trong vòng 2 tháng tới.
South China Morning Post cho biết nguồn vaccine của Hong Kong đến từ các thương hiệu nước ngoài, vì vậy khu vực này không bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối vaccine giả gây rúng động Trung Quốc.
|
Y tá lấy vaccine từ tủ đông tại một cơ sở y tế ở Hong Kong. Ảnh: AFP. |
Sau khi Công ty Trường Sinh Trường Xuân (gọi tắt là Trường Sinh) bị phát hiện sản xuất vaccine bệnh dại và DPT (bạch hầu, ho gà và uốn ván) không đạt chuẩn, nhiều bậc phụ huynh tại Trung Quốc không còn tin tưởng các loại vaccine được sản xuất tại đại lục. Họ chấp nhận bỏ chi phí lớn nhằm tìm kiếm cơ sở y tế đảm bảo chất lượng để tiêm ngừa cho con.
May mắn mới đặt được chỗ tiêm ngừa
Phóng viên SCMP đóng giả làm người tiêu dùng để tìm cách tiếp cận công ty Shenwaiyi có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, chuyên cung cấp dịch vụ đặt chỗ khám chữa bệnh tại Hong Kong cho khách hàng Trung quốc.
Một nhân viên cho biết công ty nhận được rất nhiều yêu cầu đặt chỗ tiêm ngừa từ các bậc phụ huynh đang lo lắng cho con cái.
"Một số khách hàng thậm chí đặt lịch tiêm ngừa trước khi tìm hiểu thông tin. Anh chị rất may mắn nếu tìm được một chỗ còn trống bây giờ", nhân viên này nói.
Công ty Shenwaiyi tiết lộ họ đã nâng phí dịch vụ đặt chỗ tiêm ngừa 5 loại bệnh tại các cơ sở y tế Hong Kong lên 258 nhân dân tệ (hơn 40 USD) từ ngày 27/7, gấp đôi so với mức phí trước đó. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn phải trả thêm 880 đôla Hong Kong (gần 120 USD) cho một mũi tiêm ngừa.
"Chúng tôi phải điều chỉnh lại phí vì việc đặt chỗ ngày càng khó khăn. Anh chị nên đưa ra yêu cầu càng sớm càng tốt vì giá cả có thể tăng thêm trong vài ngày tới", nhân viên công ty Shenwaiyi cho biết.
|
Vụ bê bối vaccine kém chất lượng ở Trung Quốc khiến nhiều bậc phụ huynh mất niềm tin với thuốc chủng ngừa sản xuất tại đại lục. Ảnh: AFP.
|
Công ty Dịch vụ Quản lý sức khỏe Waikong cũng khẳng định "tương đối nhiều" cha mẹ Trung Quốc đã đem con cái đến Hong Kong để tiêm ngừa. Công ty này cho biết họ nhận được hơn 30.000 cuộc gọi đặt chỗ trong vòng 2 ngày sau khi vụ bê bối vaccine kém chất lượng của công ty Trường Sinh nổ ra.
Theo thông tin được các công ty đặt chỗ chia sẻ trên mạng xã hội, một số loại vaccine phổ biến được các phụ huynh đại lục đặt nhiều đó là thuốc ngăn ngừa bệnh do phế cầu khuẩn gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết và thuốc chủng ngừa siêu vi trùng rota, nguyên nhân gây tử vong do tiêu chảy ở trẻ em.
Hong Kong không thiếu thuốc chủng ngừa
Shiny Liang Xiao-yun, một người mẹ tại thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, cho biết cô đang xem xét việc đến Hong Kong tiêm ngừa cho đứa con 9 tháng tuổi.
"Tôi không quan tâm đến giá cả hoặc việc phải di chuyển xa, miễn là điều ấy có lợi cho con của tôi", cô nói.
Các cơ sở y tế ở Hong Kong sở hữu loại vaccine tương tự như thuốc chủng ngừa không đạt chuẩn của công ty Trường Sinh. Loại thuốc ở Hong Kong thậm chí còn tăng cường phòng bệnh bại liệt. Một số cơ sở y tế tư nhân có cả vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.
|
Trung tâm sức khỏe Hello Kitty tại quận Tsim Sha Tsui, Hong Kong khẳng định kín lịch tiêm phòng trong vòng 2 tháng tới. Ảnh: Nora Tam. |
Trung tâm sức khỏe Hello Kitty tại quận Tsim Sha Tsui, Hong Kong cho biết họ đã kín lịch tiêm phòng đến tháng 10. Bệnh viện Hong Kong tại khu dân cư Happy Valley cũng khẳng định họ chỉ có thể sắp xếp tiêm phòng mũi 5 trong 1 và 6 trong 1 sớm nhất là vào tháng 9. Cả 2 cơ sở này đều nổi tiếng trên các trang mạng xã hội tại Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ Y tế Hong Kong cho biết nguồn vaccine tại đây vẫn ổn định, không gặp tình trạng thiếu hụt. Một số loại thuốc chủng ngừa có đủ trong vòng 3 tháng.
Tiến sĩ Ho Chung-ping, giám đốc Hiệp hội Y tế tại Hong Kong, nhận định các hoạt động kinh doanh diễn ra sau vụ bê bối vaccine kém chất lượng tại Trung Quốc sẽ không bị ngăn cản nếu nó không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, ông cho rằng người Hong Kong nên được ưu tiên tiêm phòng trong trường hợp nguồn thuốc chủng ngừa bị thiếu hụt trong tương lai.